Theo thống kê hiện nay, TP.HCM có 541 trường mầm non, trong đó có khoảng 300 trường công lập, 50 trường bán công, còn lại là các trường dân lập, tư thục đang nuôi dạy gần 200.000 học sinh trong độ tuổi. Tuy nhiên, ở một thành phố có số dân đông nhất trên cả nước thì hệ thống trường lớp như hiện thời vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu của bậc học này. Vì vậy mà vào mỗi đầu năm học, các bậc phụ huynh lại nháo nhào đi tìm trường học cho con em mình.
8 tháng không biết ai trông trẻ!
Thông thường, trong kế hoạch tuyển sinh, các quận huyện đều ưu tiên nhận hết số trẻ 5 tuổi trong địa bàn để chuẩn bị các kỹ năng cho các bé trước khi vào lớp 1, sau đó mới đến các đối tượng nhỏ tuổi hơn. Từ năm học 2005-2006, Sở GD-ĐT TP.HCM yêu cầu tất cả các trường mầm non hoạt động từ 12 lớp trở lên phải tổ chức thu nhận trẻ dưới 18 tháng tuổi. Nhưng số trường thực hiện yêu cầu trên chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đấy là chưa kể đến nghịch lý quy định mẹ được nghỉ hậu sản 4 tháng nhưng trường mầm non chỉ bắt đầu nhận trẻ 12 tháng tuổi. Vậy thì 8 tháng còn lại, ai sẽ trông bé để mẹ yên tâm công tác bởi không phải gia đình nào cũng có ông bà nội, ngoại đảm trách được việc trông cháu hay ai cũng đủ điều kiện kinh tế để tìm người giúp việc. Đã có không ít bà mẹ phải xin nghỉ không lương để ở nhà trông con do không có trường để gửi. Do vậy, thành phố có làm mạnh công tác thanh kiểm tra các nhóm trẻ gia đình trái phép đến đâu thì cũng chẳng bài trừ được hết bởi những cơ sở này đáp ứng được nhu cầu thiết thực của phụ huynh.
Đề cập về tình hình thực hiện quy định thu nhận trẻ dưới 18 tháng tuổi với thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT thì được biết: "Trước hết xuất phát từ thực tế thiếu giáo viên mầm non. Mỗi năm các quận, huyện đều cần đến 800 giáo viên, nhưng khi tuyển công chức chỉ thu nhận được trên 300 giáo sinh có hộ khẩu thành phố tốt nghiệp từ hai trường Cao đẳng Sư phạm và Trung học Sư phạm mầm non. Các trường bán công, dân lập, tư thục có thể tự hợp đồng với giáo sinh ngoại tỉnh nhưng khổ nỗi trường bán công lại tập trung ở nội thành. Cho nên như năm học vừa rồi, một trường thuộc huyện Nhà Bè có 10 lớp mà chỉ mở được phân nửa vì không đủ giáo viên dạy. Do đó cũng khó cho các trường".
Đủ 12 tháng tuổi cũng khó tìm lớp
Kế đến phải kể đến đặc trưng riêng của nhóm trẻ 12 tháng tuổi thì một cô giáo chỉ có thể nuôi được 3 cháu bởi đa số các cháu phải bế ẵm khi vui chơi cũng như sinh hoạt khác lại đòi hỏi cô phải vững tay nghề, công phu, tỉ mỉ... Nhưng với lớp mẫu giáo thì chỉ cần một giáo viên, một bảo mẫu đã có thể trông được 20 - 30 cháu. Do đó, nếu mở một lớp lứa tuổi nhỏ, các trường phải tính toán đến số lượng giáo viên; đấy là chưa kể đến tình hình kinh tế mà các hiệu trưởng sau khi tính toán cho biết: "Để trang bị phòng học phải chú ý đến những chi tiết nhỏ nhặt nhất, mọi vật dụng phải đúng chuẩn vì nếu không sẽ gây nguy hiểm đối với trẻ, rồi đến tăng quỹ lương. Cho nên chi phí phát sinh lên đến hàng chục triệu đồng". Thế nhưng, mức thu học phí bán trú ở bậc mầm non áp dụng từ năm 1998 đến nay đã quá lỗi thời so với giá cả thị trường luôn biến động. Khung học phí được áp dụng cho trường công lập là 80.000 đồng/tháng đối với lớp mẫu giáo, lớp nhà trẻ thu thêm 20.000 đồng; trường bán công là 200.000-250.000 đồng/tháng. Vì vậy, đối với những trường hoạt động theo cơ chế tự thu tự chi thì hiệu trưởng nhà trường không chỉ giỏi về chuyên môn để tạo uy tín thu hút học sinh mà còn phải là nhà hạch toán kinh tế sao cho đảm bảo thu nhập cho giáo viên của trường mình.
Đơn cử như Bộ GD-ĐT quy định lớp chồi nuôi 30 cháu/lớp nhưng có nhiều trường nhận 60 cháu/lớp để đảm bảo thu chi. Vì vậy, khi được hỏi tại sao trường không mở lớp độ tuổi nhỏ, đa số hiệu trưởng các trường đều đưa ra lý do, không mặn mà với quy định nhận trẻ nhỏ trên. Dẫu biết tăng học phí vào đầu năm học là vấn đề khá nhạy cảm và lại không thuộc quyền của ngành giáo dục nhưng chúng ta cũng nên tính đến thực tế cũng như nhu cầu của khá đông phụ huynh. Có không ít trường mầm non tư thục nhận nuôi trẻ nhỏ với mức học phí khá cao từ 1-1,5 triệu đồng/tháng mà vẫn đông học sinh. Vậy, nếu như tăng một phần học phí so với mức cũ, đảm bảo được đời sống giáo viên để các thầy cô yên tâm công tác, toàn tâm với nghề cũng là việc nên làm.
Tuy nhiên, để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên cũng như thực trạng các trường công lập không đủ khả năng thu nhận trẻ, bà Hồng Hải, Trưởng phòng Giáo dục Q.Tân Phú, nơi phát triển mạnh về khu công nghiệp, khu chế xuất, thu hút nhiều dân nhập cư thì đang khuyến khích mở trường tư thục dân lập để thu nhận cháu từ các gia đình công nhân, giải quyết bớt một phần nhu cầu của phụ huynh... Thế nhưng với những quận nội thành, có nhiều đơn vị trường còn phải chia thành nhiều điểm lẻ hoạt động thì lấy đâu ra đất để xây trường mới? Thế nên giải pháp tốt nhất trong lúc này cho những ai sắp sửa có em bé hay chuẩn bị lập gia đình là nên ngắm nghía ưu tiên cho "đối tượng" có ông bà nội ngoại !
Thanh Niên