Năm kia, khi tôi đang học lớp 7, ba mẹ tôi ra tòa ly hôn. Tòa xử mẹ nuôi dưỡng tôi, ba có nghĩa vụ gửi tiền trợ cấp hàng tháng. Căn nhà cũ bán đi, chia hai, mỗi người tự tìm chỗ ở khác. Hai tháng sau, ba cưới vợ mới. Hơn năm sau, mẹ tái hôn.
Ảnh chỉ mang tính minh họa - Ảnh: Phùng Huy
Bạn bè tôi nói, ly hôn là xu hướng của thời đại, gần phân nửa chúng nó lớn lên trong những gia đình đổ vỡ. Lúc đầu, tôi cho đó là chuyện nhỏ, thế giới này còn biết bao nhiêu điều để tôi quan tâm. Thế nhưng gần đây, mọi thứ đã bắt đầu phức tạp khiến tôi chán nản. Tôi không còn thích về nhà mình sau giờ tan học. Tôi ghét bữa cơm có thêm người đàn ông mà mẹ bắt tôi gọi là "bố Dũng". Tôi cố tình gọi ông ta bằng chú, và ông ta cười nhợt nhạt nói lấy lòng mẹ tôi: "Không sao, từ từ rồi con gái sẽ quen. Em đừng ép con".
Có ông ta về sống chung, mẹ bắt tôi phải ăn mặc đàng hoàng, nói năng ý tứ, tập tành làm việc nhà nhiều hơn trước đây. Tôi và mẹ cãi nhau một trận ra trò về chuyện này, bởi tôi cảm thấy người đàn ông ấy không chỉ lấy mất của tôi người mẹ, mà còn tước luôn quyền tự do vui sống của tôi trong căn nhà của mình. Cuối cùng, đuối lý mẹ khóc, nói mẹ vì thương tôi, cũng chỉ muốn tốt cho tôi. Thương tôi, muốn tốt cho tôi sao mẹ lại đi lấy chồng? Mẹ có biết cảm giác của tôi ra sao khi nghe ông ấy giới thiệu với bạn bè, người quen về tôi: "Con riêng của bà xã"! Hai từ "con riêng" khiến tôi hiểu ông ta không có trách nhiệm gì với tôi; chúng tôi là hai người xa lạ; tệ hơn nữa, tôi còn là kỳ đà cản mũi, là nguyên nhân đe dọa hạnh phúc vợ chồng của ông ta.
Mấy tháng trước, khi hóa đơn tiền internet và điện thoại lên đến hơn hai triệu đồng, ông ta nổi khùng mắng tôi không chịu lo học hành, cứ chát chít, tám chuyện với bạn thâu đêm suốt sáng. Mẹ tôi cũng hùa vào với chồng, cấm đoán tôi đủ thứ. Tôi biết họ chỉ xót tiền. Tôi đề nghị được qua ở với ba. Mẹ tôi giận lẫy: "Ừ, đi đi, qua bên đó cho biết đá biết vàng". Thế là tôi gom góp quần áo ra đi.
Ba tôi làm ra tiền, sống với ông, tôi không bị la mắng những chuyện tủn mủn như ở với mẹ, nhưng ba tôi đã có thêm một đứa con trai và ông cưng nó như cục vàng. Điều này khiến cho cô Nga - mẹ thằng bé ấy rất tự hào. Mỗi lần nựng nó, cô lại đả đớt, hết "Chục chưng của ba ơi", đến "Chon của ai dzậy ta ơi. Chon của ba Hoàng chớ ai". Bà ấy làm như chỉ có mình thằng đó là con của ba tôi, thật chướng mắt!
Tất nhiên là tôi ngày càng ghét bà mẹ kế. Bà ấy đã cướp mất ba tôi, làm gia đình tôi tan nát, khiến tôi phải sống cảnh thiếu tình thương của cả ba lẫn mẹ. Tôi không hận thù bà ấy mới là chuyện lạ. Bà ấy cũng biết vậy nên luôn giữ kẽ với tôi. Nói chuyện với tôi, bà luôn làm ra vẻ dịu dàng, tốt bụng, kỳ thực bên trong chỉ có trời mới biết! Bực mình nhất là khi nhà có khách, bà ấy bắt tôi phải tắt tivi, rót nước, vậy mà sau đó, lại thầm thì: "Con riêng của ổng", cứ như tôi là một đứa bụi đời, du côn ngoài đường, không dính dáng gì đến bà. Thái độ đó khiến tôi không thể nể phục được và chống đối bà ấy nhiều hơn. Người ta điện thoại đến nhà tìm bà ấy, tôi bảo nhà này không có ai tên Nga, lộn số rồi. Người ta gọi điện thoại di động nói lại, bà ấy rối rít: "Thôi thông cảm, nhỏ con riêng của ông xã...", cứ như tôi là một con khùng.
Con riêng! Con riêng... thì không phải là con người sao? Không ít đứa trong lớp lâm vào cảnh như tôi. Chúng nó bảo, nhiều lúc cảm giác mình như cặn bã của xã hội, chính vì thế mà muốn nổi loạn, muốn đập phá cho thế giới này biết tay. Chúng tôi không cần cái thứ "ưu tiên" quái quỷ của những cha mẹ ích kỷ, chỉ biết đến hạnh phúc và sự vui sướng bản thân. Chúng tôi cần tình thương thực sự xuất phát từ đáy lòng. Nếu đã yêu thương chúng tôi, tại sao không biết sống vì con cái, cho chúng tôi một mái nhà đầy đủ cả cha mẹ, hoặc chí ít thì cũng còn một người, đằng này lại tước hết của chúng tôi mọi niềm vui sướng bình thường của một đứa trẻ. Chúng tôi hỏi và cũng đã có câu trả lời. Vậy nên, người làm cha mẹ, xin cũng đừng trách vì sao những đứa con riêng thường sớm hư hỏng.
Theo PN