Tâm lý
   Lời nói dối 'thiêng liêng' của trẻ Việt?
 

Trẻ em Việt luôn có điều giấu bố mẹ và 'bí mật' đó có thể kéo dài suốt đời.


Có phụ huynh Tây vợ Việt đã nhận xét, sự khác nhau duy nhất giữa con em chúng ta và trẻ em "tây" - là trẻ em Việt luôn có điều gì giấu bố mẹ. Sự giấu diếm bố mẹ như thế có thể kéo dài suốt đời. Nó có thể được nhân danh "không có tin gì là tin tốt", hoặc núp chữ hiếu, "nói làm gì, chỉ tổ ông bà bô bận lòng".


Mặc dù, từ rất sớm, sách về khoa học sư phạm ở Việt Nam từng viết, đứa con có thể trình bày mọi điều với bố mẹ - là đứa trẻ hạnh phúc.


Trái lại, những ai có điều gì cũng chia sẻ với bố mẹ có thể bị chúng bạn xem thường, cứ như việc giấu diếm này có gì "thiêng liêng". Để rồi có kẻ "trung kiên" giấu bố mẹ, đến mức khi họ rơi vào vòng tù tội, cha mẹ mới ngã ngửa ra.


Con luôn có điều giấ giếm bố mẹ. (Ảnh minh họa).


Dạy nói dối
Quan hệ giữa nhà trường và gia đình, nếu méo mó, sẽ chứa đựng lời "nói dối thiêng liêng" trái nghịch.


Cháu tôi, bé Bống, phải mang cặp quá nặng. Bà nội gửi cho cô phần quà "ai là triệu phú", rồi gọi điện hỏi xin cô thời khoá biểu cho cháu. Cô khăng khăng, vẫn có thời khoá biểu đấy chứ. Bị kẹt giữa hai thế lực "luôn đúng 100%", Bống đành thác rằng, cô giáo có ra thời khoá biểu, nhưng "con ngồi xa bảng quá".


Bà nội lại kiếm cách đưa cho cô vài "bông hoa nhỏ" bằng tiền polime mệnh giá 500k. Cô đành lần nữa, thể hiện sự ngạc nhiên trước khoản thu nhập tay trái, rồi đưa cháu lên một chỗ gần bảng hơn. Nhưng vì quy trình luân chuyển "nhân sự" nhằm đảm bảo "công bằng" này âm thầm tiếp diễn trong lớp, để các bà nội còn có dịp mua chỗ gần bảng hơn cho cháu mình. Ban đầu, bà nội giấu Bống chuyện này, nhưng rồi "cái kim trong bọc..."


Bà nội không muốn chấp nhận một sự thật là trường điểm, phải trả phí trái tuyến cao ngất trời mới vào được, lại chi trả thêm hàng tuần, nhưng vẫn có những chuyện tồi tệ vô cùng dám xảy ra với...cháu mình. Buộc cháu phải tự dối mình về chuyện thời khoá biểu, trước khi nói dối thiêng liêng với bà, cho xong chuyện.


Ông ngoại, là tôi, phải loay hoay thuyết phục Bống rằng, dù sao cũng nên tìm cách làm rõ câu chuyện với bà nội, và cả với cô giáo nữa... Trong khi chính trong óc mình hiện lên câu "khi đồng tiền lên tiếng thì sự thật im bặt".


Dạy đút lót
Vào những năm cuối 80, bé Dế cháu tôi (gọi bằng bác) tháp tùng mẹ đến thăm cô giáo nhân ngày lễ. Thấy đông phụ huynh còn thập thò bên ngoài, Dế giục mẹ: "Mẹ gửi thư cho cô đi, rồi mình về, cho bố mẹ của bạn con vào thăm cô".


Nhưng chợ trời văn hoá của một thị trường mới nỏi đã chào ngay một tâm lý chào mừng ra mặt "tiền tươi, thóc thật" (lại nhớ sự tinh tế của cha ông qua câu: "thóc lép bay thẹn tay sàng sẩy...").


Tuy nhiên, cái tính "sĩ diện hão" - như cố sử gia Trần Đức Vượng từng viết trên Xưa và Nay - là do một vị Cha già dân tộc từng chỉ ra, hôm nay ngày một hoành tráng hơn. Nó cũng đảm nhiệm thêm vai trò ngụy trang cho tính không viển vông, nếu không nói là tính thực dụng "kiểu hàng xén", trong một áp dụng thô thiển khẩu hiệu "bánh mỳ và hoa hồng" bởi những Xã Xệ đời mới và những cô Kếu - gái tân thời...


Hẳn vì thế, hôm 7/3 vừa qua bé Bống ghi vào nhật ký: "Nhân 8/3, bố mẹ lại thi nhau tặng cô hoa và tiền, để cô khỏi đánh con mình". Xâm hại trẻ em bằng bạo lực và huỷ hoại chúng về tinh thần (dạy nói dối, dạy đút lót) là hai nửa hợp thành một vẻ mặt của đời sống trường lớp hôm nay. Nói dối và lo lót cũng sẽ đồng hành khi vào đời ngày mai.


Sự áp đặt có tính "trại lính", như một sản phẩm của thời chiến còn rớt lại vẫn tung tác. Việc giữ trẻ em học sáng lại học thêm vào buổi chiều được nhiều phụ huynh hoan nghênh vì đỡ phải đón con mình giữa buổi thuận tiện cho công tác.


Chiêu bài của trường là: tạo sự gắn kết, kỹ năng làm việc nhóm cho các cháu. Những gia đình nào có thể đón cháu về từ trưa (như gia đình tôi) sẽ bị chặn ngay bằng câu rất "chiến": "Nếu cháu thường xuyên về trưa, thì dù toàn được điểm 9, 10, cũng sẽ bị lưu ban". Kết quả là Bống bắt đầu nhắc bà nội "gửi thư" cho cô (theo cách nói của cô Dế của Bống, khi còn bằng tuổi nó), để người nhà còn được phép đón Bống về buổi trưa giữa tuần.


Cây đa cây đề
Ở Việt Nam luôn sừng sững những cây đa cây đề, chớ múa rìu qua mắt thợ, nhất là họ thường bằng cấp đến tận răng. Còn nhớ tôi từng xảy miệng, chót trích lời của y học hiện đại thế giới, "rằng kháng sinh không chữa được bệnh", để cảm nhận rằng ông bác sĩ khám cho Bống như hiện nguyên hình thành đao phủ trong áo blu. Trong khi Bống đánh vần dòng chữ "Lương y như từ mẫu" trên tường...


Văn hoá tam đại, tứ đại đồng đường như càng đòi hỏi "nói dối thiêng liêng", vì các quãng cách xưa - nay, và các quan niệm. Trong không gian Khổng giáo, nghịch không phải là hiếu động, mà có thể hiểu là hư, là vô lễ trước mặt người trên, kể cả với các cụ đã ra đi, chân dung chỉ được hậu thế biết qua ảnh trên bàn thờ. Không hẹn mà nên, nhà và trường cùng cố kiến tạo nỗi sợ trong mỗi đứa bé, để không tạo ra những nghịch tử, nghịch tặc, nặc nô. Muốn thế, phụ huynh và thày cô phải răn đe, tức là phải doạ. Có doạ thì sẽ có đánh thật.


Một trong những "thành quả" của nền giáo dục này là lời nói dối "thiêng liêng", thường được đánh giá như một kỹ năng sống quốc nội.


Trẻ càng lớn, thường càng cao lên đòi hỏi biết nói dối "thiêng liêng", vì càng có nhiều điều phải giấu các "tầng trên" ngày càng đông đảo của cộng đồng, xã hội...


Lương tâm - con thuyền quên bến
Khi nghe tin ai đó trong bạn bè và người thân, do vô tình hay cố ý, vướng vào vòng lao lý hoặc gây hậu quả nhưng không bị trừng phạt - tôi mới sực nhớ rằng: Một số bài học giáo viên Trường cấp I Thăng Long dạy ngày xưa, đến giờ tôi (một trò từng dùng mồm nhiều hơn tai, và nhiều khi cư xử không hề mẫu mực) vẫn chưa quên... Cha ông ta dạy: "thật thà là cha quỷ quái", ‘đường đi hay tối, nói dối hay cùng"...


Đường vẫn tối, và đầy cạm bẫy, nhưng đã trông rõ những chốn "đường cùng"! Chỉ thấy họp hành và hội thảo, giao lưu trên cổng điện tử... vẫn đều đều, bất tận.


Giữa cõi "phong bì", vẫn chờ con tim quay trở lại. Con tim (lương tâm, lương tri, tình nghĩa đồng bào) có trở lại hay không, chắc cũng tuỳ thuộc cách chúng ta vận dụng "lời nói dối thiêng liêng".


Theo VNN

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 3 điều tối kỵ khi dạy con tự lập (3/4)
 10 manh mối giúp mẹ nhận diện con đang nói dối (3/4)
 Học chuyên gia giáo dục dạy con trai (3/4)
 5 tuýp cha mẹ không mê nổi (29/3)
 Nhà một phòng nhưng có hai đứa trẻ (29/3)
 Cách khuyến khích trẻ tưởng tượng (29/3)
 Giúp bé thông minh từ thủa lọt lòng (P.2) (28/3)
 50 cách giúp bé thông minh từ thủa lọt lòng (1) (28/3)
 Dạy con 'gạn đục khơi trong' (28/3)
 Bảo vệ trẻ khỏi nạn bắt cóc (27/3)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i