Cách đây 7 năm, khi Sân khấu IDECAF tung ra vở Hoàng tử chăn lợn, khán giả ngạc nhiên khi lần đầu tiên thấy một "sao" cỡ Thành Lộc mà chịu diễn cho con nít xem, ngạc nhiên bởi tính chuyên nghiệp của kịch bản và bởi chưa bao giờ chuyện cổ tích được "chuyển hệ" một cách thú vị như vậy. Vé bán đắt như tôm tươi và từ đó, một sân khấu thiếu nhi ra đời...
Sau Hoàng tử chăn lợn, sân khấu tiếp tục diễn Bạch Tuyết và 7 chú lùn, Phượng hoàng và cây khế, Ông vua hóa cò, Hoàng tử ếch và công chúa mập, Người đẹp và quái vật... Năm 2000, chương trình Ngày xửa ngày xưa được tổ chức hoành tráng trên sân khấu Nhà hát Bến Thành, mà tiên phong là Tấm Cám, rồi Người đẹp ngủ trong rừng, Thạch Sanh - Lý Thông, Cô bé Lọ lem, Nàng tiên cá... Tổng cộng 17 vở đã xuất hiện, làm nên một diện mạo sân khấu thiếu nhi chuyên nghiệp không thua gì sân khấu cho người lớn. Mới đây, Sân khấu Phú Nhuận trở thành "đồng nghiệp" với IDECAF khi cho ra mắt Bé Na và 5 con quỷ, Sọ dừa, Nàng Út ống tre, và sắp dựng Cây đa biết nói, Cứu vật vật trả ơn. Xem ra, các khán giả nhí được chăm sóc khá kỹ - được thưởng thức một kịch mục phong phú và đều đặn hằng tuần.
Nhưng, đối với các nghệ sĩ, thu hút khán giả nhí không đơn giản chút nào. Xuất phát từ tấm lòng dành cho trẻ thơ là đương nhiên, nhưng cái lực cũng phải đi đôi với cái tâm, đòi hỏi một sự tìm tòi quyết liệt, chịu đựng khó khăn. Có người nói vui: "Con nít bây giờ không dễ "dụ" đâu nghen. Cả một nghệ thuật đó !". Thực tế, thiếu nhi ở thành phố hiện nay được tiếp cận nhiều phương tiện truyền thông như truyền hình, băng từ, sách báo, máy vi tính... nên các em rất hiểu biết, lanh lợi. Chính vì vậy, những sân khấu thiếu nhi đều phải chuyên nghiệp hóa, chứ không thể làm theo kiểu văn nghệ quần chúng như trước. Chuyên nghiệp từ kịch bản, đạo diễn, diễn viên, trang trí, âm nhạc, ánh sáng, phục trang... Rõ ràng, thành phần tham gia đều thuộc hàng "sao" như Thành Lộc, Thanh Thủy, Hữu Châu, Hồng Ánh, Mỹ Duyên... hoặc ở Sân khấu Phú Nhuận chỉ toàn diễn viên trẻ thì cũng phải là người đã tốt nghiệp trường lớp chính quy như Thanh Thúy, Xuân Trang, Tuấn Anh, Lý Thanh Thảo, Hòa Hiệp... Đạo diễn Chánh Trực (sân khấu Phú Nhuận) cho rằng: "Không đơn giản chút nào khi dựng kịch cho thiếu nhi vì ngồi cạnh các em là những ông bố, bà mẹ". Thế nhưng các nghệ sĩ đều đã vượt qua.
Muốn vượt qua cũng phải chịu khó chịu khổ. Như Hồng Ánh vừa rồi chịu trận với bộ trang phục của con bạch tuộc nặng mấy ký lô, may toàn bằng nylon, vừa diễn vừa đổ mồ hôi ròng ròng. Cô còn phải leo lên cái ghế cao 3 mét rưỡi để chiến đấu với nàng tiên cá, khi nhảy xuống nhờ một dàn hậu đài "hứng" bên dưới, nghe "bụp" một cái cũng hết hồn. Thế nhưng, như Hữu Châu có lần nói vui: "Chúng tôi vẫn thích diễn, vì được "điên" trong chốc lát, nghĩa là thoát khỏi tâm lý nặng nề khi diễn bi kịch, để vui vẻ hóa thân vào con này con kia, trở lại tuổi thơ của mình".
Cuối cùng là lời "than" của ông bầu khi tiết lộ: kinh phí dàn dựng cho một vở ít nhất phải 30 triệu đồng, không thua gì kịch người lớn. Còn làm hoành tráng như Nàng tiên cá thì 100-130 triệu. Ngược lại, vé bán phải thấp hơn, chỉ 20-30 ngàn đồng, cao nhất là 70 ngàn đồng tại Nhà hát Bến Thành. Sân khấu Phú Nhuận mới bắt đầu vào cuộc nên phải cầm cự để khán giả quen dần. Nói như đạo diễn Chánh Trực (Sân khấu kịch thiếu nhi Phú Nhuận): "Vì lòng yêu mến các em trước đã, rồi mới tính đến chuyện lời lỗ. Nhưng tiềm năng của khán giả là rất lớn, cứ đầu tư tốt ắt sẽ thành công".
Đạo diễn Hùng Lâm nói:
"Cái khó của sân khấu thiếu nhi là làm sao vừa lòng cả khán giả nhí và phụ huynh. Dĩ nhiên chúng tôi chú ý tính giáo dục, nhất định phải sạch sẽ, nhưng cũng cần phải vui nữa. Có khi chi tiết này đối với trẻ thì thú vị mà đối với người lớn thì cười không nổi, vì vậy phải vắt óc suy nghĩ, tìm tòi".
Hoàng Kim(Thanh Niên)
|