Lúc con chưa tròn 2 tuổi, còn chưa biết ăn giỏi thì bà ngoại nhất định đòi về quê, ba mẹ phải đem con gửi nhà trẻ. Ngày đầu tiên con đến trường, con ngơ ngác nhìn quang cảnh xa lạ, con người xa lạ rồi đưa tay về phía cha mẹ, cái miệng dẩu ra, chực mếu… khiến cha lẫn mẹ không đành tâm quay đi. Mặc dù gửi gắm, dặn dò cô giáo nhưng ba mẹ cứ ngồi hoài khiến cô giáo không ổn định lớp. Rồi cũng đến lúc giao con cho cô giáo. Thấy con khóc thét, giẩy nẩy ba mẹ nghe như muối xát trong lòng. Thế là mẹ phải xin nghỉ mấy ngày để cùng “học” với con. mẹ theo con vào trường, cùng cô giáo cho con ăn, dỗ con ngủ… Được một tuần, thấy con đã quen, mẹ mới để con lại cho cô giữ. Ngày đầu tiên không có mẹ bên cạnh, không biết cô giáo giữ thế nào mà về con khóc không ra hơi, mẹ chỉ nhìn thấy cái miệng mở to, đôi mắt ướt nhoà và đôi tay bé xíu giữ chăt lấy mẹ không chịu rời. Ban đêm con không chịu ngủ khiến cha mẹ lo quá trời. Sáng ra, đến giờ đưa con đi học thì con khóc ngất đi. Mọi người bảo con nít thường hay khóc trong thời gian đầu đi học, sau đó mới quen và thích thú với môi trường. Họ khuyên ba mẹ tiếp tục đưa con đi học.
Không còn cách nào khác, ba mẹ phải tiếp tục theo con đến trường. Chiều về cứ thấy con khóc, cho đi tắm lại càng khóc dữ. Và hễ nhìn thấy toilet là con khóc dữ dội. Ba nghi ngờ “hay cô giáo nhốt con trong trong toilet?”. Không biết thực hư thế nào, tự nhiên mẹ cũng ác cảm với cô giáo. Rõ ràng đã gửi gắm rồi mà con không được ưu ái. Mẹ cứ nghĩ ngợi rồi khóc theo. Ba vỗ về an ủi “mình giữ một đứa còn mệt muốn chết. Các cô giữ mấy chục cháu chắc cũng có phương pháp, đừng nên suy diễn lung tung”.
Thế là ba mẹ gửi con thêm vài hôm nữa nhưng kết quả thật thảm hại. Có một tuần đi học mà con cưng của mẹ sụt cân thấy rõ, lại còn bị rối loạn tiêu hoá nữa chứ. Mẹ sợ quá, cương quyết cho con nghỉ học. Mẹ đành xin nghỉ ở nhà không lương để trông con. Mỗi lần chơi với con, ba hay đùa “con không ngoan, không chịu đi nhà trẻ, khiến mẹ nghỉ làm. Coi chừng cơ quan sa thải mẹ thì lúc đó cơm cũng không có ăn, đồ chơi không có mà chơi đâu nghe chưa”.
Mẹ nghỉ làm được 2 tháng, Cán bộ nữ công ở cơ quan mẹ đến thăm. Nghe chuyện con không chịu đi học nên mẹ phải nghỉ làm, cô ấy lắc đầu “Ai cũng ở nhà giữ con như em thì chắc phụ nữ không bao giờ được giải phóng, xã hội không thể nào tiến bộ. Nếu cứ nắm tay con hoài sao con biết đi? Cứ giữ con trong nhà hoài sao nó hoà nhập với xã hội? Tuy nhiên không phải cứ nói thế là mang con đến trường, nó khóc mặc nó. Phải có phương pháp để đưa con đến trường, làm cho con yêu trường, mến bạn, quý cô mới được”
Thế là ba mẹ bắt đầu chuẩn bị tinh thần cho con. Hàng ngày, ba mẹ thủ thỉ cho con nghe chuyện đi học sẽ có thêm bạn mới, được cô giáo dạy nhiều trò chơi mới… Mẹ thường bế con ra ngõ, chỉ cho con các bạn đi học vui vẻ như thế nào. Rồi mẹ cho con chơi với các bạn trong xóm. mẹ kín đáo nấp vào một chỗ, để con chơi một mình cho con dạn dĩ lên. mẹ rủ cô Lan, có con là bạn Mai-cồ, hễ mỗi ngày đi học sang rủ con đi. Mấy lần đầu con sợ, nhưng riết rồi con thích, cứ đòi theo Mai-cồ đi học. Ngày đầu tiên đưa con đi học trở lại, ba mẹ vừa mừng vừa lo. Phần thì lo mất khoản tiền hộc phí mà con không chịu học. Phần thì lo con khóc rồi mắc bệnh như lần trước. Thế nên mẹ chỉ gửi con có một buổi, buổi trưa mẹ chạy ù đón con về. Cứ tưởng con khóc thét lên đòi mẹ, nào dè con ham chơi không chịu về nữa!
Từ ngày con đi học, con ngoan hơn, biết chào hỏi, thưa gửi, có thêm bạn bè… Nhìn con nhỏ tí như cây nấm, manh cái cặp con con có ghi họ tên, trong để cái khăn, cái gối be bé… trông đáng yêu làm sao! Rồi con sẽ tập để đi trên nhiều đoạn đường khác, xa hơn, chông gai hơn… Nhưng con đừng quen rằng lúc nào cũng có ba mẹ dõi theo từng bước chân con.
Trần Thị Minh Thư (Giáo dục)
|