Trong khi nhiều người đổ xô vào những ngành “thời thượng” thì cô Nguyễn Thị Hồng Phượng lặng lẽ thực hiện ước mơ của mình: Bỏ ra 18 năm trời (1976-1994) để đem về tấm bằng tiến sĩ tâm lý giáo dục trẻ trước tuổi đến trường
Phóng viên: Tại sao cô chọn nghề này?
- Cô Nguyễn Thị Hồng Phượng: Chuyện chọn nghề của tôi nghe có vẻ trái ngược! Hồi học phổ thông ở Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (Q.6- TPHCM) tôi rất mê toán. Năm 1976, tôi thi đậu vào trường Đại học Bách khoa TPHCM ngành điện tử. Học được nửa năm thì có giấy gọi đi học Liên Xô do tôi là một trong những người đỗ đầu năm đó. Qua Liên Xô, những ngành học “ngon” người ta chọn hết, chỉ còn ngành sư phạm.
Bây giờ cô đã yêu nghề của mình rồi chứ?
- Rất tuyệt vời! Tôi được học những người thầy Nga rất uyên bác. Được làm việc với họ thật thích. Thứ hai, có dịp đi một số nước, tôi thấy ở đâu trẻ con vẫn là trên hết.
Năm 1989, cô qua Nga học tiếp. Chắc khó khăn lắm cô mới quyết định được điều này?
- Giai đoạn đó đầy khó khăn và lo toan. Lương giáo viên không đủ sống. Tôi lại đã có gia đình và có cháu. Ở Nga lúc đó cũng gặp khó khăn. Học bổng không đủ để ăn cháo. Nhờ bà giáo người Nga dạy tôi đã san sẻ một phần ba tiêu chuẩn của bà cho tôi. Những ngày nghỉ chúng tôi đi làm thêm trong những nhà máy. Sau này có một số người Việt qua đó buôn bán phát đạt, chúng tôi xin vào phụ họ bán hàng. Lúc con tôi được ba tuổi, tôi mang sang Nga sống chung vì quá nhớ con, nhưng mới được ba tháng phải đưa cháu về do cuộc sống bên đó ngày càng khó khăn. Các cửa hàng thực phẩm không có hàng,và mình cũng không có tiền để mua. Rồi có lúc tôi bị bệnh phải về nước phẫu thuật. Bây giờ ngồi nghĩ lại tôi cũng không hình dung nổi mình đã vượt qua được giai đoạn khó khăn đó như thế nào!
Đó là tình yêu nghề nghiệp và sức mạnh của nó đã giúp cô vượt qua những năm tháng khó khăn trên, có phải không? Bây giờ xin tò mò một chút: Đề tài cô chọn để bảo vệ luận án tiến sĩ là gì?
- À, có những ông bố bà mẹ thấy con của mình đang ở lứa tuổi mẫu giáo nhưng biết đếm tới con số 100 vội cho con mình là thông minh, thần đồng. Trong nghề người ta biết các ông bố bà mẹ đó đã nhầm lẫn. Theo lý thuyết “Bài toán bảo tồn số lượng” của giáo sư J. Piaget người Pháp, trẻ có thể đếm được nhiều con số nhưng không hiểu được bản chất của những con số đó. Lấy ví dụ, đổ cùng một khối lượng nước vào hai cái ly giống nhau, mực nước trên hai ly ngang nhau rồi hỏi trẻ ly nào nhiều nước hơn, chúng sẽ nói bằng nhau. Nhưng khi thay một ly nước có đáy nhỏ hơn còn khối lượng nước trong ly không thay đổi, thì lúc này bọn chúng sẽ quả quyết ly có đáy nhỏ hơn có nhiều nước hơn, bạn có thuyết phục cách mấy cũng khó lòng lay chuyển được chúng. Đây là một vấn đề rất lý thú nên tôi chọn đề tài nghiên cứu về nó với tên gọi “ Hình thành biểu tượng về số lượng cho trẻ năm, sáu tuổi”. Mục đích là xem xét qua giáo dục có thể cải thiện được tình hình này ở trẻ không?
Những người có học vị tiến sĩ về tâm lý giáo dục trẻ trước tuổi đến trường như cô rất ít. Tại sao cô không xin làm công việc quản lý mà còn trực tiếp đứng lớp giảng dạy?
- Tôi thường xuống các trường mầm non tham dự giờ giảng của các cô giáo. Tôi thấy hầu hết các cô đều siêng năng, chịu khó, nhưng do công việc coi cháu quá vất vả vì lớp quá đông (thường là gấp đôi so với một lớp học ở nước ngoài) nên hầu hết các cô không còn thời gian để trau dồi kiến thức. Kiến thức không phát triển thì coi như tụt hậu. Cho nên tôi thấy tôi phải có nhiệm vụ đọc và truyền thụ lại những kiến thức cho các cô. Hiện nay tài liệu về giáo dục mầm non ở trong nước còn thiếu thốn nhiều. Thật ra lãnh đạo trường cũng có giao công tác quản lý nhưng tôi cảm thấy mình không phù hợp.
Một ngày làm việc của cô bắt đầu như thế nào? Ví dụ như ngày hôm nay chẳng hạn...
- Sáng ăn qua loa cái gì đó rồi chở con đến trường (cháu đang học lớp 11 Trường THPT Trưng Vương), còn mẹ thì đến Trường Mầm non Họa Mi 1 để dự giờ, bồi dưỡng giáo viên. Công việc cứ cuốn hút, đến khi xem đồng hồ thì đã 12 giờ, lại chạy đi đón con. Mỗi người một ổ bánh mì thay bữa trưa, rồi mẹ con mỗi người một ngả. Chỉ còn 30 phút thư giãn trước khi vào ca giảng buổi chiều. Hết buổi, làm thêm công tác tư vấn ở Trung tâm Giáo dục trẻ khuyết tật.
Trẻ khuyết tật? Nguyên nhân nào đưa cô đến những nơi này?
- Anh có bao giờ thấy sự đau khổ của những phụ huynh khi con mình bị khuyết tật chưa? Là phụ nữ, chúng tôi dễ đồng cảm với những cảnh ngộ này. Mới đây, tôi có tư vấn cho một người đàn ông có con bị câm điếc. Người đàn ông gần như không hé môi và gương mặt thì bất động. Sự đau khổ đã kéo ông ta vào trạng thái trầm cảm. Ông là một trí thức nên thật khó lay chuyển được ông. Sau ba buổi tư vấn, khuôn mặt ông vẫn thờ thẫn. Tôi quyết định nhờ một phụ huynh đồng cảnh ngộ thuyết phục ông rằng cháu có hy vọng cải thiện được câm điếc nếu rèn luyện đúng phương pháp. Gương mặt người đàn ông dãn ra và ánh mắt lấp lánh tia hy vọng. Thấy những cảnh như vậy, chúng tôi thật hạnh phúc. Thế đó, ban đầu tính qua giúp Trung tâm Giáo dục trẻ khuyết tật biên soạn chương trình ít ngày nhưng rồi cứ nhùng nhằng đi không được.
Cô có nhận xét gì về lớp giáo viên mầm non trẻ? Tay nghề chuyên môn và thu nhập?
- Hiện nay giáo sinh ra trường phải tự tìm lấy việc làm. Điều này cho thấy khi thi vào trường sư phạm các em đã xác định nghề nghiệp của mình, khác với các thế hệ trước phần lớn thi vào trường sư phạm là do “hoàn cảnh”. Kiến thức, trình độ tay nghề của các em ngày càng được nâng cao. Về thu nhập, tuy chưa cao nhưng so với những ngành nghề khác với trình độ trung cấp như thế thì theo tôi nghĩ cũng chấp nhận được. Tôi chỉ có điều băn khoăn là do quy mô trường quá lớn (ở nước ngoài chỉ từ sáu- bảy lớp, còn ta hai-ba chục lớp là thường), lớp lại đông cháu nên công việc của các cô rất vất vả, trưa lại không được ngủ, nên không có nhiều thời gian cho chuyên môn. Mặt khác, chương trình giảng dạy ở trường mầm non đã thay đổi nhiều nhưng ở trường sư phạm, nơi đào tạo giáo viên thì chương trình không cải tiến được bao nhiêu.
Nếu được chọn lại nghề nghiệp, cô sẽ tiếp tục chọn nghề tiến sĩ... nhà trẻ chứ?
- Ồ, đương nhiên rồi! Tôi nghĩ đây là một nghề rất phù hợp với phụ nữ. Ngành học mầm non vẫn còn mới mẻ và thiếu thốn nhiều, nhất là về mặt lý luận, bởi vậy rất cần công sức của nhiều người đóng góp...
Xin cám ơn cô.
QUANG ÂN thực hiện
Người Lao Động
|