"Móng có chắc thì tường mới cao". Bạn sẽ thực sự yên tâm cho con vào lớp 1 nếu cháu đã được chuẩn bị một mảng kiến thức cơ bản. Đáp ứng yêu cầu đó, chúng tôi mở các lớp đầu vào lớp 1.
Đặc biệt :
- Do các cô giáo tiểu học trực tiếp giảng dạy
- Mỗi lớp 5-10 em
- Các lớp (3 buổi/1 tuần) được tổ chức vào các ngày 2-4-6, 3-5-7.
- Có các lớp học vào các buổi sáng, chiều, tối.
- Học phí 50.000đ/tháng
- Các em có nǎng khiếu về ngoại ngữ và mỹ thuật được bồi dưỡng vào ngày chủ nhật (nếu có nhu cầu)
Thời gian tiếp nhận và báo lịch học cụ thể vào ngày 1-5. Địa chỉ liên hệ…Số ĐT…
Đó là nội dung thông báo bồi dưỡng học sinh trước khi vào lớp 1 mà chúng tôi ghi được tại cổng trường mầm non, cổng ra vào các khu dân cư ở TP Hải Phòng.
Hỏi một GV tiểu học, chúng tôi được biết: Những tờ rơi như thế này có ở khắp nơi trong thành phố, không thấy cấp quản lý có ý kiến gì. Chỉ có hiệu trưởng trường tôi thì thực hiện nghiêm quy chế của Sở GD-ĐT, quán triệt tinh thần tới toàn thể GV trong nhà trường, đặc biệt là các GV dạy lớp 1 là không được dạy thêm tràn lan, bắt ép học thêm và thu thêm không đúng quy định.
- Thế tờ rơi kia là của ai ? Tôi hỏi cô.
Đáp : Đó là của những GV đã về hưu, không nằm trong diện quản lý của ngành cũng như chính quyền địa phương nữa.
Thì ra, đây là một kẽ hở trong công tác quản lý ngoài tầm tay của ngành GD-ĐT. Nhưng xét đến cùng, có cầu thì mới xuất hiện cung, chắc chắn thông báo trên đây sẽ rơi vào im lặng nếu như không có nhu cầu của chính các phụ huynh có con em sắp vào lớp 1. Chúng tôi đã tìm đến một số gia đình như vậy và họ đưa ra những lí do sau đây :
- Chương trình mới bây giờ khó lắm, nếu không được "học trước" thì khi vào năm học mới các cháu sẽ bỡ ngỡ, khó bắt kịp chương trình, rồi lại tụt hậu mất, con nhà người ta đi học như thế cả;
- Luyện đầu vào như vậy, khi con mình vững rồi mới có thể xin vào trường điểm được chứ, ngoài chuyện "vé vung"…;
- Chẳng gì thì cũng có người quản con mình trong những ngày hè, để chơi bời lang thang cũng chết, thà rằng cho đến lớp luyện, chẳng học trước kiến thức thì cũng luyện tay viết cho dẻo, vào học chính thức, điểm chắc chắn cao, kiếm cái học sinh giỏi ngay từ lớp 1.
Tất nhiên, ai cũng có lý của mình, song, những cái lý đó có hợp khoa học không và có vì quyền lợi của trẻ hay không là điều phải xem xét.
PGS-TS Lê Thị ánh Tuyết, Vụ trưởng Vụ GD mầm non rất bức xúc khi chúng tôi nêu vấn đề này. Bà nói: "Đoàn kiểm tra của chúng tôi cũng đã phát hiện điều này ở Hà Nội và các TP lớn khác. Không chờ đến hè mà ngay từ học kỳ 2 của lớp mẫu giáo lớn, các bậc phụ huynh đã gửi con mình cho GV lớp 1 dạy trước rồi. Tất nhiên, ở đây có sự thoả thuận của cả hai phía: phụ huynh học sinh và GV. Thứ trưởng Nguyễn Văn Vọng khi biết việc này đã chỉ đạo 2 bậc học phải làm rõ việc này. Với tiểu học phải chấn chỉnh GV không được tham gia dạy lớp 1 cho HS mẫu giáo, các trường tiểu học không được phép kiểm tra xét đầu vào. (Có thể tiến hành một số test để kiểm tra kỹ năng sẵn sàng đi học của các em, hoặc phát hiện khiếm khuyết của các em và tìm cách khắc phục phù hợp chứ không phải kiểm tra kỹ năng đọc viết để loại bỏ HS. Thực tế một số trường "có tiếng" đã tự cho mình quyền lựa chọn HS, lạm dụng test để kiểm tra đầu vào như vậy, gây sức ép với PHHS. Đây là việc làm sai cả về chủ trương lẫn khoa học sư phạm). Với ngành học mầm non, cần phải xem xét chương trình có chuẩn bị tâm thế cho trẻ từ tuổi tiền học đường vào học đường hay không ?
Chúng tôi khẳng định: Chương trình GD mầm non hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu đó, kể cả khi triển khai CT-SGK mới với lớp 1. Với các cháu không được học lớp 5 tuổi, chúng tôi có chương trình 36 buổi để các em làm quen. Chúng tôi cũng quán triệt các GV mầm non không được dẫm chân lên lớp 1, chỉ chuẩn bị cho trẻ những kỹ năng cần thiết như biết cầm bút, biết ngồi đúng tư thế, tập tô nét chữ.v.v.Như Trường mầm non 20-10 đã có chủ điểm "Làm quen với trường tiểu học", theo đó, mỗi tuần có 2 buổi GV tiểu học đến trò chuyện với trẻ 5 tuổi để các cháu hào hứng với lớp 1, dạy các cháu cách xếp sách vở, cách mở cặp trên lớp, cách chào cô.v.v. Đó là một cách làm tốt, một sự cộng đồng trách nhiệm giữa hai bậc học.
Hiện nay, ngành cũng đang thí điểm nội dung "Phát triển ngôn ngữ" ở trẻ mầm non giúp các cháu có kỹ năng tốt trong hoạt động ngôn ngữ, cả cảm nhận và biểu đạt. Nghĩa là cha mẹ các cháu hoàn toàn yên tâm khi đã cho con mình đến trường mầm non, không phải chạy đôn chạy đáo luyện đầu vào lớp 1 như thế, không những tốn tiền vô ích mà còn hại trẻ. GS Nguyễn Khắc Viện đã nói: "Quả xanh chín ép chỉ hỏng". Còn để "giữ con" trong hè, các trường mầm non đều sẵn sàng nhận dạy các cháu đúng với chức năng của mình, tôi nhắc lại, không dẫm chân lên lớp 1".
Nếu người lớn chịu khó nghe trẻ em nói, chắc chắn chúng ta sẽ biết các em muốn gì. Một ý muốn thật giản đơn, vâng, hãy để các em được sống đúng với lứa tuổi của mình, cả về tinh thần và thể chất.
(Giáo Dục)
|