Giáo dục ĐBSCL từ lâu vẫn được nhìn nhận là "vùng trũng" của cả nước. Ở bậc học mầm non, sự "yếu kém" này lại càng rõ nét hơn với một thực trạng thiếu thốn cả về cơ sở vật chất lẫn nguồn nhân lực so với các vùng miền khác.
Trường học "4 không"
Theo thống kê của ngành giáo dục các tỉnh, thành ĐBSCL, ở bậc học mầm non hiện cả vùng còn tới 769 phòng học tạm và 3.316 phòng học nhờ, chiếm gần 30% số phòng học hiện có. Ngoài ra còn có hàng chục ngàn phòng học xuống cấp cần xây dựng mới. Tỉnh Hậu Giang là một trong những tỉnh khó khăn nhất về cơ sở vật chất. Hiện toàn tỉnh có đến 1.400 phòng học đang xuống cấp cần sửa chữa, 101 phòng tre lá phải học nhờ, học tạm và 7 xã chưa có trường mầm non, mẫu giáo.
Hầu hết những trường có phòng học tạm đều là những ngôi trường "4 không": không điện, không nước, không nhà vệ sinh, không sân chơi. Trường học kiểu này thường rất chật hẹp, được xây cất tạm bợ bằng cây lá trên đất mượn của người dân.
Cô Nguyễn Thị Cẩm Hường, giáo viên Trường Mẫu giáo ở ấp 1, xã Long Trị, huyện Long Mỹ (Hậu Giang), một trong rất nhiều trường "4 không" ở ĐBSCL cho biết: "Việc dạy học cho các cháu ở đây rất khó khăn, thiếu thốn đủ thứ. Ngay như nhu cầu thiết yếu nhất là nhà vệ sinh cũng không có. Vì vậy mỗi khi cần làm vệ sinh cho cháu, chúng tôi lại phải dẫn các cháu sang nhờ nhà người dân xung quanh. Sân chơi không có nên mọi sinh hoạt của các cháu đều diễn ra trong căn phòng xập xệ chưa dầy 30m²".
Riêng đồ dùng học tập ở các trường "4 không" này cũng hoàn toàn do các cô giáo tự làm. Đồ chơi cho các cháu đều rất cũ kỹ, thậm chí bể nát vẫn phải tận dụng.
Trường mẫu giáo ấp 1 xã Long Trị, tỉnh Long Mỹ (Hậu Giang) - một trong rất nhiều ngôi trường "4 không" xây dựng tạm trên đất của người dân.
Trăm dâu đổ đầu... cô giáo
Ngoài thiệt thòi khi phải dạy trong điều kiện thiếu thốn cơ sở vật chất, trường lớp xập xệ, đời sống giáo viên mầm non ở ĐBSCL cũng rất khó khăn. Đặc biệt ở những xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới... đời sống của giáo viên lại càng khốn khó hơn.
Cô Đỗ Thị Phương, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Phú Hội (huyện An Phú, tỉnh An Giang) cho biết: "Ở đây, hễ nhà xa trường trong khoảng 3km là các phụ huynh không chịu cho các cháu đến lớp. Vì vậy, ngành giáo dục phải tổ chức các điểm phụ tạm bợ để phụ huynh đưa con em đến trường gần hơn. Ngược lại các cô giáo phải đi xa hơn, có người phải đi hàng chục cây số đường đò để đến trường". Chính vì vậy, toàn bộ các xã thuộc huyện An Phú đều phải tổ chức những phòng học tạm, phòng mượn, bất kể có nơi chỉ có 10 đến 15 em cũng phải duy trì để đảm bảo số trẻ 5 tuổi đều đến lớp.
Cô Trần Thị Thùy Dung, giáo viên Trường Mẫu giáo Phú Hội (xã giáp với Campuchia), nhà ở cách trường gần 15km nói: "Từ năm 2010 trở về trước, còn Chương trình 135, giáo viên vùng này được trợ cấp 140%, thu nhập của giáo viên tương đối ổn định. Từ khi cắt khoản phụ cấp này, đời sống chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Vật giá tăng cao, với mức thu nhập trên 2 triệu, phải tằn tiện lắm mới không thiếu".
Theo chiết tính của cô Trinh, do nhà ở xa, mỗi tháng tiền xăng, tiền đò cũng tốn hết trên 500.000 đồng vì vậy mà đồng lương cũng giảm đi 1/4. Không chỉ khó khăn trong đi lại, việc dạy học của các giáo viên mầm non ở ĐBSCL cũng gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều nơi, giáo viên phải tự làm hoặc bỏ tiền túi để mua sắm dụng cụ học tập cho các cháu.
Một giáo viên mầm non cho biết: "Lớp có 40 cháu, mỗi khi học tiết toán, cô phải sắm cho mỗi cháu ít nhất 20 đồ dùng. Hay theo chương trình đổi mới phương pháp dạy hiện nay, phải dạy các cháu theo từng chủ đề, mỗi năm học có khoảng 12 chủ đề. Để mua các đồ dùng, tranh, ảnh cho những chủ đề này giáo viên phải chi số tiền rất lớn".
Việc thiếu đồ dùng, đồ chơi, cô có thể mua, nhưng để giữ sĩ số trẻ đến lớp đầy đủ là hết sức gian truân. Đặc thù ở ĐBSCL là rất nhiều gia đình làm thuê làm mướn theo mùa vụ. Mỗi khi di chuyển họ phải cho con tạm nghỉ học, sau đó vài tháng hết mùa lại về và lại giao lại cho các cô giáo. Các cô lại phải dạy dỗ các cháu lại từ đầu...
Cần giải pháp chiều sâu
Theo bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hậu Giang, giáo dục ĐBSCL có cải thiện được hay không, trước mắt phải phụ thuộc rất nhiều vào việc giải quyết các lớp học tạm bợ, các lớp học mượn. Tuy nhiên, một thực trạng chung ở ĐBSCL là tình hình giải ngân vốn cho giáo dục mầm non khá chậm. Như ở Hậu Giang, theo đề án phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, trong giai đoạn 2011 - 2015, tỉnh xây dựng 596 phòng học với vốn ngân sách đầu tư gần 400 tỷ đồng cho ngành học mầm non, mẫu giáo nhưng đến nay, tỉnh mới giải ngân được 60 tỷ đồng.
Song song với việc đầu tư cơ sở hạ tầng, vấn đề đào tạo và chăm lo cho đội ngũ giáo viên cũng cần quan tâm hơn. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, hiện vùng ĐBSCL vẫn còn thiếu khoảng 2.284 giáo viên mầm non, mẫu giáo... Số giáo viên chưa đạt chuẩn về trình độ đào tạo vẫn còn 15%. Đội ngũ giáo viên hiện có cũng chưa đảm bảo chất lượng, năng lực chuyên môn không đồng đều, số lượng giáo viên mầm non được đào tạo hệ chính quy của các trường sư phạm hàng năm rất ít, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển.
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa: Để phát triển giáo dục mầm non ở ĐBSCL, thời gian tới, chính quyền các cấp mỗi địa phương phải coi phát triển giáo dục mầm non là tiền đề để phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục. Từ đó, các địa phương đề ra giải pháp đồng bộ về huy động nguồn lực để đầu tư, phát triển giáo dục mầm non. Trước mắt, phải ưu tiên quy hoạch đất xây dựng trường mầm non; xây dựng đủ phòng học và các phòng chức năng đảm bảo đủ thiết bị, đồ chơi dạy trẻ...
Đối với việc giải quyết tình trạng thiếu giáo viên ở ĐBSCL, các cấp quản lý phải tính toán kỹ lưỡng nhu cầu giáo viên hàng năm để có chiến lược đào tạo sát với thực tiễn của từng địa phương. Bên cạnh đó, các tỉnh phải đảm bảo thực hiện các chế độ, chính sách đối với giáo viên mầm non theo đúng quy định; khuyến khích các địa phương có chính sách riêng hỗ trợ đời sống giáo viên để họ yên tâm công tác.
Theo SGGP