Tiến trình mở cửa, hội nhập quốc tế tạo ra nhiều cơ hội, song cũng đặt ra không ít thách thức đối với ngành GD-ĐT trong việc xây dựng mô hình giáo dục chất lượng cao (CLC), đáp ứng yêu cầu học tập ngày càng đa dạng của người dân. Nhưng như thế nào gọi là trường CLC? Trường CLC phải bảo đảm những tiêu chí nào? Cơ chế, chính sách nào để mô hình này phát huy hiệu quả?...
Lúng túng với tiêu chí
Từ năm 2006, thực hiện chương trình "Phát triển một số ngành dịch vụ trình độ, CLC", Hà Nội đã có 15 trường đăng ký thực hiện thí điểm xây dựng theo mô hình này, trong đó nhiều nhất ở khối mầm non - 6 trường, THPT - 4 trường, còn lại là 3 trường THCS và 2 trường tiểu học. Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội, đây đều là những trường dẫn đầu về chất lượng chăm sóc, giáo dục trên địa bàn. Song như thế đã phải là trường CLC hay chưa thì còn phải xem xét.
Cơ sở vật chất khang trang, hiện đại tại Trường Mầm non Hà Nội Academy. Ảnh: Linh Tâm
Từ trước tới nay chưa có tiêu chí chung trong việc xây dựng mô hình này. Vì thế, mức độ "cao" đạt được ở mỗi trường không giống nhau, từ điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ, chất lượng đào tạo đến học phí... Trong khi đó, Hà Nội lại đang có không ít trường ngoài công lập tự quảng cáo về dịch vụ CLC có yếu tố nước ngoài để dễ dàng nâng mức học phí, có khi chênh cả chục lần so với trường công lập mà "đầu ra" chưa hẳn đã cao.
Vì vậy, việc xây dựng trường CLC ở Thủ đô nói riêng và các TP lớn, nơi có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển nói chung là yêu cầu cấp bách ở thời điểm này, đòi hỏi sự quyết tâm vào cuộc của các cấp quản lý. Theo bà Bùi Thị Kim Tuyến (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam), trong nhiều năm qua, tại Việt Nam đã có nhiều cuộc hội thảo bàn về vấn đề này nhưng đến nay, việc xác định tiêu chí trường CLC và những cơ chế đi kèm vẫn còn nhiều lúng túng. Với cấp học mầm non, bà Kim Tuyến đề xuất bộ tiêu chí trường CLC trong xu thế hội nhập quốc tế gồm 7 lĩnh vực với tổng số 30 tiêu chí và 171 chỉ số có thể quan sát hoặc đo lường, làm căn cứ cho việc xây dựng trường CLC đích thực.
Đại diện lãnh đạo Sở GD-ĐT các TP lớn như Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh... mới chỉ đưa ra những nhận định chung chung về yêu cầu CLC, về đội ngũ, phương pháp dạy học, phương thức tuyển sinh... Việc thống nhất tiêu chí cho mô hình này đang còn nhiều tranh luận. Còn theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Phạm Văn Đại, để có mô hình trường CLC hoàn chỉnh cũng như để việc đo lường được chính xác không đơn giản. Với điều kiện thực tế, Hà Nội tạm thời phân định ra 2 dạng mô hình trường học CLC, gồm trường dịch vụ CLC (chủ yếu xem xét ở các điều kiện bảo đảm chất lượng dạy - học, không đòi hỏi cao về năng lực HS) và trường CLC (có nội dung, phương thức giáo dục và các điều kiện phục vụ tốt để cho ra "sản phẩm" CLC, có yêu cầu về năng lực HS). Thế nhưng, tương ứng với mỗi mô hình lại cần có các tiêu chí kiểm định khác nhau.
Nhập nhèm "thương hiệu"
Kết quả thực hiện thí điểm mô hình dịch vụ CLC trên địa bàn TP cho thấy đây là mô hình đáp ứng được nhu cầu thực tế của phụ huynh HS với những yêu cầu ngày càng cao về dịch vụ và chất lượng chăm sóc, giáo dục. Trong khi đó, mức đóng góp ở những trường này thậm chí còn thấp hơn so với nhiều trường. Thực tế, có những trường ngoài công lập mà HS phải đóng học phí từ 200 đến 250 USD/tháng mà vẫn thiếu sân chơi, không có cơ sở vật chất như trường công lập, các dịch vụ cung ứng cũng chưa bảo đảm chất lượng. Sức hấp dẫn của mô hình trường này cũng phần nào được khẳng định khi số lượng HS đăng ký theo học ngày càng đông. Đơn cử như Trường THCS Cầu Giấy (quận Cầu Giấy), dù mới là năm thứ 2 hoạt động song đã thu hút hơn 1.200 HS dự kiểm tra, trong khi trường chỉ tuyển 240 em.
Sự mập mờ về tiêu chí trường học CLC đã dẫn đến những khó khăn khi xây dựng mô hình này tại địa phương. Trong quá trình thực hiện thí điểm, hầu hết cán bộ lãnh đạo phòng GD-ĐT đều cho biết khó khăn lớn nhất là thuyết phục lãnh đạo địa phương phê duyệt đề án với mức học phí cao hơn mức học phí đại trà. Trong số 6 trường mầm non của Hà Nội đang thực hiện thí điểm theo mô hình trường CLC, mới chỉ có 3 trường được UBND quận phê duyệt đề án. Ý định xây dựng thí điểm một trường mầm non trên địa bàn quận Cầu Giấy theo mô hình CLC cũng đã phải dừng lại sau khi đã hoàn thành việc điều tra xã hội học, lấy ý kiến phụ huynh. Lý do không được phê duyệt là bởi đây là trường công lập, đang đáp ứng tốt nhu cầu gửi con của người dân trong phường, không cần thiết phải chuyển đổi, đặc biệt là HS lại phải đóng học phí cao hơn. Trong thực tế, nguyên nhân cơ bản khiến đề án chưa được đón nhận ở địa phương là vì thiếu cơ sở khẳng định đây là trường CLC và những khác biệt về điều kiện, chất lượng của chính ngôi trường này so với trước đó.
Trong quá trình tham khảo việc xây dựng mô hình trường học CLC, Trưởng phòng Mầm non Sở GD-ĐT Hải Phòng Hoàng Thị Liên thừa nhận: Hải Phòng cũng đang vướng về xác định mô hình và tiêu chí trường CLC. Bà Hoàng Thị Liên cho rằng, nếu không sớm làm rõ thế nào là trường CLC với những tiêu chí cụ thể và công bố công khai thì không thể thuyết phục được chính quyền địa phương khi chuyển đổi mô hình hoạt động cho trường và cũng không tạo được niềm tin với phụ huynh HS.
Theo HNM