Nếu con bạn đang gặp phải những rắc rối, bị tụt lại phía sau ở trường, bạn có lẽ sẽ là người cuối cùng được biết. Bé có thể quá bối rối hay xấu hổ nên không dám nhờ giúp đỡ; nhưng nếu bạn để ý thấy bảy dấu hiệu dưới đây, bạn có thể cho con sự trợ giúp cần thiết trước khi quá muộn.
Những dấu hiệu này là kinh nghiệm của hai vị phụ huynh Jeff Gordon và Tanya Mitchell từ Sheknows.com, nhưng có lẽ cũng của rất nhiều người khác nữa:
1. Không muốn nói chuyện về trường lớp
Trẻ con không phải lúc nào cũng hiểu vì sao mình lại không thoải mái, nhưng chắc chắn rằng chúng không thích cảm giác khó chịu. Nếu có chuyện gì đó ở trường không diễn ra theo mong muốn hay kỳ vọng, chúng sẽ bồn chồn, tìm cách chuyển đề tài và làm bất cứ điều gì để tránh phải nói chuyện về nó.
2. Tăng sự phụ thuộc
Nếu con bạn bình thường là một đứa trẻ độc lập, nay bắt đầu trở nên phụ thuộc hơn thì đó có thể do có rắc rối ở trường. Những đứa trẻ không làm tốt về mặt học tập hay giao lưu, trao đổi tại trường (đặc biệt là trẻ nhỏ) sẽ phát triển cảm giác muốn bám víu vào bố mẹ; và bố mẹ cần tìm hiểu ngay vấn đề để giúp đỡ con tận gốc.
3. "Nóng trong người"
Chuyên gia khuyên bạn hãy theo dõi chặt chẽ sự phát triển phản ứng hung hăng, cộc cằn của con; nếu đứa con nhỏ của bạn trở nên hung hăng thì có thể là do điều gì đó đang khiến bé khó chịu. Rõ ràng là có liên quan nếu sự căng thẳng, khó chịu của bé tăng nhiều trước khi đi học hoặc sau khi đi học về.
4. Thái độ xa cách hay trầm cảm
Khó mà nghĩ rằng trẻ con lại có thể bị trầm cảm, nhưng việc này hoàn toàn có thể xảy ra, và chắc chắn là một dấu hiệu cho thấy bé đang gặp khó khăn ở trường. Nếu bạn nhận thấy mức năng lượng của con thay đổi theo thời gian đi học thì tốt nhất nên chú ý "điều tra" thêm.
Có rất nhiều dấu hiệu cho thấy con đang bị căng thẳng, vấn đề là bạn có nhận ra hay không (Ảnh: Inmagine)
5. Kiểm tra các kỹ năng nhận thức của con
Nguyên nhân gốc rễ gây nên nhiều khó khăn trong học tập đó là do kỹ năng nhận thức của bé chưa được tốt. Những công cụ tư duy cơ bản này bao gồm: ghi nhớ, chú ý, logic và lý luận, kỹ năng xử lý và tốc độ xử lý thông tin từ thính giác và thị giác.
Những dấu hiệu cho thấy kỹ năng nhận thức chưa tốt bao gồm khó tập trung hay chú ý, điểm đọc hiểu cũng như điểm số chung thấp, dễ nổi cáu với các yêu cầu học tập, trí nhớ kém, gặp vấn đề khi ghi nhớ những hướng dẫn bao gồm nhiều bước, thường bất cẩn, lo lắng về việc đi học hoặc bị bệnh "kỳ lạ" vào ngày kiểm tra.
6. Giao tiếp
Khả năng truyền đạt thông tin và kiến thức cần nắm được ở độ tuổi của con là hai điều quan trọng để giúp xác định liệu con bạn có đang tụt lại sau hay không. Hãy tìm hiểu (qua sách báo hay trên mạng) về những chuẩn kiến thức mà trẻ ở độ tuổi của con bạn cần nắm được trong năm nay, năm sau và cả năm trước nữa; sau đó trao đổi với giáo viên của con để hiểu rõ những mong muốn của nhau và có cách hỗ trợ tốt nhất. Nếu theo sát việc học tập của con, bạn sẽ có thể phát hiện ra những rắc rối từ sớm.
7. Không trì hoãn
Phụ huynh không nên trì hoãn nếu nghi ngờ con mình đang gặp khó khăn trong học tập - nhiều người cứ chờ cho đến khi những "dấu hiệu" thất bại đã khiến cho đứa trẻ thất vọng quá nhiều. Đến lúc này, giúp bé có lại được động lực và sự hăng hái rất khó. Thay vào đó, hãy tìm cách giúp con khi vừa chớm thấy những dấu hiệu đầu tiên - bao gồm sự thất vọng, buồn chán mỗi khi làm bài tập buổi tối, điểm số hay những nhận xét từ phía nhà trường càng lúc càng đi xuống... Giáo viên của con nên là nguồn đầu tiên bạn tìm đến nhờ giúp đỡ, nhưng bên cạnh đó, cũng hãy tự thân vận động, giúp con tìm thấy niềm vui trong học tập bằng nhiều cách đơn giản khác.
Nguồn: Webtretho (lược dịch)