Thích đổ lỗi cho người khác, không biết hoặc không dám thừa nhận sai trái của mình khi mắc lỗi, là điều dễ nhận thấy ở hầu hết các trẻ. Tại sao lại như vậy nhỉ?
Hãy cùng Mẹ Cún đi tìm câu trả lời qua câu chuyện kể về bé Bin!
Bé Bin làm vỡ mấy cái cốc của ông, lo sợ bị mắng, bé khóc toáng lên khi chưa ai kịp phát hiện: "Ông ơi, con mèo làm vỡ cốc của ông... hu hu...". Lần khác, Bin chạy nhảy chơi đùa cùng chị Bống bị ngã rớm máu ở đầu gối, lúc về nhà, Bin khóc mách với mẹ tại chị Bống đẩy bé ngã. Nhiều lần khác nữa, bé Bin mắc lỗi nhưng luôn đổ cho người khác, lúc thì tại cái ghế, tại con chó, con mèo, tại các anh, các chị lớn, và chưa ai đánh bé cái nào bé đã khóc ầm ĩ lên, thế là ông bà, bố mẹ, các anh chị của Bin đều chịu thua Bin cả, phải vừa thí vừa nịnh, miễn sao cho bé nín...
Mẹ bé Bin kể, từ lúc Bin sinh ra đã được nuông chiều, nhà Bin cũng rất khá về kinh tế, ông bà nội thương bé nên cứ giữ ở nhà, bé Bin đã ba tuổi mà không đi học mẫu giáo như chúng bạn.
Bé khóc lóc không chịu nhận lỗi là do được cha mẹ quá nuông chiều. (Ảnh minh họa).
Ở nhà không ai muốn làm "phật ý" bé Bin, bởi như thế cũng giống như làm phật ý ông bà nội, vì ông bà nội yêu chiều Bin lắm, Bin muốn gì được nấy, và mọi người trong nhà luôn phải chịu trách nhiệm mỗi khi Bin khóc...
Có lẽ chính vì vậy mà Bin hay vòi vĩnh, nhõng nhẽo, bướng bỉnh, đặc biệt là bé không biết xin lỗi và luôn tìm cách đổ lỗi cho người khác. Điều này chứng tỏ, bé Bin hoàn toàn có nhận thức tốt về hành vi của mình, nhưng vì bé hiểu rằng nếu bé đổ vấy lỗi cho ai đó và khóc toáng lên là không ai động đến bé nữa.
Tuy nhiên, chuyện của bé Bin chỉ là một ví dụ, thói quen đổ lỗi cho người khác khi mắc lỗi thường bắt gặp ở rất nhiều trẻ, kể cả những trẻ sinh sống trong gia đình không có điều kiện về kinh tế. Trẻ đổ lỗi cho người khác để tìm sự an toàn cho bản thân, để khẳng định "giá trị" của mình, hoặc để kiếm cớ thỏa mãn những đòi hỏi vô lý...
Tính cách này của trẻ thường do cha mẹ vô tình tạo ra. Khi trẻ còn bé, ở bất cứ gia đình nào, trẻ cũng là tâm điểm chú ý của mọi người, khi trẻ tập đi vấp ngã, người lớn thường đánh cái bàn, cái ghế, đánh đùa những người lớn xung quanh bé: "Đánh chừa này, ai bảo cái ghế, cái bàn (hay bố, mẹ, anh, chị bé) làm bé ngã này!". Người lớn cũng thường mất bình tĩnh và thiếu kiên nhẫn khi bé khóc, nên tìm mọi cách để thí bé, kể cả thỏa mãn vô điều kiện những đòi hỏi lúc đó của các bé.
Thói quen hình thành nên tính cách, trẻ ích kỉ thường được nuôi lớn trong sự chiều chuộng và thiếu kỉ luật đó là một điều hiển nhiên. Để giúp trẻ biết dũng cảm nhận lỗi khi mắc lỗi, thì bố mẹ, ông bà phải là những "quan tòa" công minh nhất để phân xử những hành vi của bé:
- Khi bé chơi cùng bạn bè trong xóm, cùng các anh, các chị, người lớn cần coi bé giống như một thành viên bình đẳng trong cuộc chơi, biết chấp hành nội quy, quy tắc của cuộc chơi. Bố mẹ, ông bà không nên vì xót trẻ mà bênh vực trẻ ra mặt hay xuê xoa bỏ qua khi trẻ mắc lỗi.
- Khi trẻ mắc lỗi, kiên quyết bắt trẻ nhận lỗi, xin lỗi, để trẻ chịu những hình phạt nhất định, do chính người lớn quy ước từ trước đó.
- Người lới cần làm gương cho trẻ trong từng lời ăn, tiếng nói, từng hành vi ứng xử. Ví dụ khi làm người khác buồn, sẵn sàng xin lỗi, đồng thời giải thích cho bé tại sao phải xin lỗi. Khi bé chẳng may giẫm vào đuôi con chó, con mèo, khuyên bé hãy bế những con vật nhỏ đó lên và nói lời xin lỗi. Hoặc khi bé xô vào cái ghế, cái bàn cần động viên con đứng dậy và nói: "Lần sau con nên cẩn thận hơn thì con không bị té đau...".
- Dạy bé biết nói lời cảm ơn hoặc xin lỗi đúng lúc, đúng chỗ. Khuyến khích và khen ngợi trẻ khi trẻ có tiến bộ, có nhận thức tốt hơn trước.
Đừng tạo cho trẻ thói quen xấu, bởi chính những thói quen đó sẽ hình thành nhân cách, theo các bé đến suốt đời. Hãy nghiêm khắc và công bằng trong cách giáo dục trẻ. Môi trường mẫu giáo rất tốt cho sự phát triển của trẻ, vì vậy không nên viện bất cứ lý do gì để giữ trẻ ở nhà, nên tạo điều kiện cho trẻ đến trường, sự kết hợp giáo dục chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình là cách hoàn thiện trẻ tích cực nhất.
Theo Eva.vn