Giận dữ, thù hận, ích kỉ, giống như vết đinh kia, có nhổ đi vẫn in hằn sự tổn thương. Chỉ có lòng vị tha mới đem đến cho con người hạnh phúc!".
Chuyện kể rằng có một cậu bé nọ, tính tình rất cáu kỉnh, dễ nổi giận, không ai khiến cậu vừa ý cả. Nhưng chính tính cách này làm cho cậu bé cảm thấy rất mệt mỏi. Hiểu tâm tư của con, người cha đưa cho cậu một túi đinh và một tấm ván bằng gỗ, cha cậu dặn: "Khi con cảm thấy căm ghét ai, hay bất cứ người nào làm con giận dữ, thay vì chửi mắng họ, con hãy đóng một cái đinh lên tấm ván gỗ này".
Ngày qua ngày, tấm ván chi chít những chiếc đinh. Cha cậu lại khuyên: "Nếu con gặp một điều vui hay bớt giận một ai đó, con hãy nhổ những chiếc đinh kia ra khỏi ván". Dần dần những chiếc đinh trên ván đã được nhổ sạch, cậu bé trở nên biết lắng nghe và dễ tha thứ hơn nhiều. Cậu khoe điều đó với cha, cha cậu bảo đưa tấm ván tới và hỏi cậu bé xem có thấy gì khác không, cậu bé trả lời rằng tấm ván đã không còn lành lặn nữa... Người cha nói: "Giận dữ, thù hận, ích kỉ, giống như vết đinh kia, có nhổ đi vẫn in hằn sự tổn thương. Chỉ có lòng vị tha mới đem đến cho con người hạnh phúc!".
Trẻ cần được dạy lòng vị tha ngay từ nhỏ. (Ảnh minh họa).
Vị tha là biết nhường nhịn, bao dung, không thù hận, cay cú, dù có chịu thua thiệt. Ai cũng hiểu, nếu có lòng vị tha, con người có thể sống thanh thản, có hạnh phúc và biết đem hạnh phúc đến cho người khác. Tuy nhiên, lòng vị tha của con người không phải sinh ra đã có, mà phải được hình thành từ nền tảng giáo dục, phải biết nhận thức và có quá trình rèn luyện mới được.
Dạy trẻ biết vị tha là điều không dễ, bởi trẻ thường được nuông chiều, là trung tâm điểm trong mỗi gia đình, sự thỏa mãn trẻ thường tạo tính ích kỉ, trong khi trẻ vị tha lại rất cần sự nhường nhịn, biết động viên, chia sẻ khó khăn với bố mẹ, người thân, bạn bè.
- Để giáo dục trẻ tính vị tha, cha mẹ phải là tấm gương cho trẻ, không nói xấu, không tranh cãi đúng sai đến cùng; trong gia đình cần ứng xử theo đúng vai vế, tôn ti, trật tự; kính trọng và nhường nhịn người già, em bé.
- Giúp trẻ hiểu vị tha khác với sự nhu nhược rụt đầu trốn tránh, nhường nhịn bạn yếu, bạn khuyết tật, nhưng không thỏa hiệp với những thói xấu của bạn.
- Dạy trẻ biết tôn trọng bản thân, tôn trọng những người xung quanh, hiểu đâu là giới hạn của mình, của bạn.
- Dạy trẻ biết hòa đồng, hòa nhập, hiểu cuộc sống chứa nhiều mâu thuẫn, cần biết chấp nhận những điều không theo ý mình
- Dạy trẻ biết giúp đỡ, biết chia sẻ, cảm thông với những người yếu thế, người khó khăn, hoạn nạn.
- Cuối cùng, hãy là bạn của trẻ, vị tha ngay trong từng ứng xử hàng ngày với trẻ.
Theo Eva.vn