Kẽm được giới chuyên môn xếp vào nhóm vi chất dinh dưỡng thiết yếu của cơ thể. Thiếu kẽm, nhiều vấn đề về sức khỏe sẽ phát sinh.
Kẽm giúp ăn ngon miệng, nhờ vậy, cơ thể có nguồn "vật liệu" dồi dào để xây dựng nên vóc dáng. Kẽm còn tham gia vào quá trình tổng hợp chất đạm, giúp tạo dựng cơ bắp. Đối với nam giới, kẽm tham gia vào quá trình tổng hợp nội tiết tố nam, nếu ăn uống thiếu kẽm, trẻ sẽ dậy thì muộn. Người cao tuổi thiếu kẽm dễ mắc bệnh tiểu đường vì insulin thiếu "trợ tá" chuyển hóa đường. Sự vắng mặt của kẽm còn làm cơ thể dễ nhiễm trùng, nếu chẳng may bị thương thì vết thương lâu lành do hệ thống miễn dịch suy yếu.
Kẽm cũng tham gia vào quá trình vận chuyển vitamin A. Nếu thiếu kẽm, dù cơ thể có thừa vitamin A thì sinh tố này cũng không hoạt động được, khiến cho da khô, mắt mờ... Trong cơ thể thai phụ, kẽm giúp thai nhi phát triển bình thường. Những đối tượng dễ thiếu kẽm bao gồm: trẻ suy dinh dưỡng, phụ nữ có thai, người bị giun sán, người cao tuổi ăn uống khó khăn, người biếng ăn...
Ảnh: Gettyimages
Cơ thể không tự tổng hợp được kẽm, chỉ "trông chờ" vào thực phẩm. Để chế độ dinh dưỡng đủ kẽm, cần dùng thực phẩm có nguồn gốc động vật như: nghêu, sò, hàu, cá biển, trứng gà và các loại thịt đỏ... Thực vật thường chứa ít kẽm nhưng thực phẩm họ đậu, hạt nẩy mầm, hạt bí đỏ... lại dồi dào kẽm. Vì thế, nên ăn các loại giá làm từ đậu đỗ, rau mầm, chè đậu... Phụ nữ tuổi mãn kinh thường được khuyên dùng thêm canxi để ngừa loãng xương, nhưng canxi lại làm giảm hấp thu kẽm. Vì thế, tốt nhất hãy ăn cá trích, nghêu, sò, ốc, hến, hàu, những thực phẩm này vừa nhiều can xi, vừa nhiều kẽm. Trong sữa có chứa kẽm, song tỷ lệ kẽm mà cơ thể hấp thu cùng một lượng sữa không như nhau; cụ thể, cơ thể bé hấp thu kẽm từ sữa mẹ nhiều hơn sữa công thức; lượng kẽm trong sữa công thức được cơ thể hấp thu dễ dàng hơn trong sữa đậu nành. Vì vậy, nếu muốn trẻ khỏe mạnh, nên cho trẻ bú sữa mẹ.
Với trẻ nhỏ, cần theo dõi quá trình tăng trưởng về cả chiều cao và cân nặng. Nếu phát hiện thấy trẻ không tăng cân và chậm phát triển chiều cao, cần cho trẻ đến chuyên khoa dinh dưỡng để được hướng dẫn cách ăn uống để không bị suy dinh dưỡng, còi cọc. Nếu nghi ngờ, các chuyên gia sẽ tiến hành kiểm tra xem trẻ có thiếu kẽm hay không.
Trong bữa ăn hằng ngày, cần cho trẻ ăn đa dạng các loại thực phẩm, thay đổi nguyên liệu nấu ăn mỗi ngày. Các nhà khoa học đã khảo sát những thai phụ thiếu kẽm và nhận thấy họ thường bị khó ngủ, chán ăn, muốn ói, hay ói... Tình trạng biếng ăn, thiếu chất ở người mẹ làm bào thai bị suy dinh dưỡng. Phụ nữ mang thai bị thiếu kẽm cũng dẫn đến giảm cân nặng và chiều cao trẻ sơ sinh. Trẻ sinh ra có chiều dài kém các trẻ sơ sinh khác 1cm có thể sẽ kém khoảng 3cm chiều cao khi chúng trưởng thành. Vì vậy, khi có thai, nếu thấy không lên cân đúng tiêu chuẩn, cần đi khám tìm nguyên nhân điều trị.
Theo PN