VỀ VẤN ĐỀ KẾT HỢP GIỮA TRƯỜNG MẦM NON
VỚI GIA ĐÌNH TRONG VIỆC
CHĂM SÓC VÀ GIÁO DỤC TRẺ EM
PGS.TS Nguyễn Ánh Tuyết
Kết quả chăm sóc và giáo dục trẻ em phụ thuộc một phần rất lớn vào việc kết hợp giữa trường Mầm non với gia đình. Đây là sự kết hợp hai chiều, cùng chung một mục đích: vì sự phát triển của trẻ thơ. Trong sự kết hợp này, cả hai (gia đình và trường Mầm non) đều là chủ thể giáo dục, đều tích cực chủ động.
1. Về phía trường Mầm non:
Là cơ sở giáo dục Mầm non xã hội lãnh trách nhiệm chăm sóc và giáo dục trẻ thỏ được nhà nước giao cho, là nơi nắm vững đường lối giáo dục của Đảng và Nhà nước đối với thế hệ trẻ, là nơi nắm vững khoa học nuôi dạy trẻ - cần hết sức chủ động trong việc kết hợp với gia đình để có thêm điều kiện thuận lợi cho công việc của mình. Sau đây là một số nhiệm vụ mà trường Mầm non cần thực hiện:
- Trước hết trường Mầm non cần phải làm tốt việc nuôi dạy trẻ theo khoa học với tinh thần trách nhiệm cao. Nhiệm vụ chủ yếu này được thực hiện bởi giáo viên Mầm non (GVMN) là người trực tiếp nuôi dạy trẻ và đều là những người yêu nghề, yêu trẻ, trường Mầm non là nơi các cô giáo thể hiện trí tuệ và tình cảm của mình, biến ước mơ thành hiện thực: Chăm sóc và giáo dục các cháu nhỏ thật khoẻ mạnh, thông minh và biết hướng thiện. Nếu làm tốt nhiệm vụ đó sẽ gây được lòng tin cho các bậc cha mẹ vào nơi gởi gắm con cái mình.
- Giáo viên Mầm non cần có thái độ thân mật, cởi mở với cha mẹ các cháu để họ có thể coi mình như người nhà mà trao đổi một cách tự nhiên về tình hình sức khỏe cũng như tính tình của các cháu đồng thời góp ý kiến chân tình cho GVMN về các mặt nuôi dạy trẻ.
- Trường Mầm non nên thường xuyên mở các cuộc tư vấn cho các bậc cha mẹ về tâm lý, sinh lý, bệnh lý, dinh dưỡng trẻ em. Những cuộc tư vấn như thế GVMN có thể trực tiếp trao đổi, giải đáp những thắc mắc băn khoăn của các bậc cha mẹ trong các tình huống cụ thể trước những biểu hiện của các cháu về mọi mặt thể chất lẫn tinh thần. Nếu cần một sự giải đáp có cơ sở khoa học sâu sắc hơn thì có thể mời các nhà khoa học về nuôi dạy trẻ đến tiếp xúc với cha mẹ các cháu để trao đổi, trình bày về cách thức nuôi dạy trẻ như một số trường Mầm non đã làm và đã có hiệu quả thiết thực.
- Thường xuyên thông báo kịp thời tình hình về mọi mặt của từng cháu cho cha mẹ các cháu biết cùng các biện pháp xử lý cụ thể đối với từng trường hợp đặc biệt để tạo sự nhất trí cao giữa trường Mầm non với gia đình.
- Biết lắng nghe những lời đóng góp của các bậc cha mẹ về mọi việc chăm sóc và giáo dục trẻ, kể cả việc xây dựng trường sở. Tuy vậy, về phía trường Mầm non cần luôn thực hiện tốt mục tiêu, nội dung, phương pháp nuôi dạy trẻ theo khoa học. Biết tiếp thu những ý kiến đúng của các bậc cha mẹ nhưng không “theo đuôi”, bởi lẽ trong các ý kiến đóng góp của họ nhiều khi không tránh khỏi tính chủ quan. Có bậc cha mẹ đã xuất phát từ kỳ vọng quá cao đối với con mình mà không tính đến các quy luật phát triển của trẻ, cho nên muốn cho trẻ sớm học chữ, học tính toán, học ngoại ngữ hay muốn cho con mình ăn thứ này thứ nọ… Gặp những trường hợp đó GVMN cần trao đổi, phân tích trên cơ sở khoa học về sự phát triển của trẻ em để cùng với họ làm tốt việc nuôi dạy trẻ cho đúng thì, đúng lứa, tránh đốt cháy giai đoạn, làm khổ các cháu nhỏ.
2. Về phía các bậc cha mẹ:
Là những người gởi gắm con cái mình cho trường Mầm non, luôn mong muốn con mình phát triển toàn diện cần có những nhiệm vụ sau:
- Có ý thức đóng góp kinh nghiệm nuôi dạy trẻ mà mình đã thực hiện thành công hay đọc được trong sách báo cho GVMN. Nếu GVMN biết tiếp thu (có chọn lọc) thì đây sẽ là một kho kinh nghiệm sinh động bổ sung cho những điều đã học được trong nhà trường sư phạm, làm giàu thêm tri thức của mình và tay nghề cũng được nâng cao một cách đáng kể.
- Sẵn sàng góp sức xây dựng trưòng lớp, như giúp các cháu làm đồ chơi hay sưu tầm tranh ảnh… Các đồ dùng, đồ chơi của các cháu không phải lúc nào trường Mầm non cũng dễ dàng mua sắm được, không những đối với các trường Mầm non ở những địa phương đời sống còn khó khăn mà ngay cả đối với các trường Mầm non ở các thành phố lớn. Những thứ do cha mẹ các cháu đóng góp cho nhà trường nhiều khi còn quý giá hơn cả những thứ mua được bởi trong đó còn mang bao ý nghĩa về tình cảm cũng như trách nhiệm của các bậc cha mẹ đối với việc chăm sóc và giáo dục các cháu.
- Nhiệt tình tham gia vào các hoạt động của trường trong các ngày hội, ngày lễ, trong các buổi dạo chơi hay tham quan… Được sự tham gia nhiệt tình của cha mẹ, niềm vui của các cháu nhỏ sẽ được nhân lên rất nhiều. Bởi lẽ một khi nhìn thấy cha mẹ cùng tham gia hoạt động với cô giáo các cháu sẽ cảm thấy trường Mầm non như gia đình mình vậy. Do đó các bậc cha mẹ nên tránh tình trạng coi mình chỉ là khách khi trường Mầm non mời đến cùng tham dự sinh hoạt cùng các cháu mà hãy hoà nhập vào hoạt động chung.
- Coi GVMN là người thân, đáng tin cậy để kịp thời thông báo tình hình con mình về mọi mặt cho GVMN và cùng với họ tìm kiếm cách thức nuôi dạy chúng một cách hiệu quả. Tránh tình trạng đối phó, cố tình phản ánh sai lệch đi làm cho GVMN hiểu sai lệch về đứa trẻ mặc dù đó là hình ảnh được tô vẽ cho con mình được đẹp hơn do sĩ diện của cha mẹ các cháu. hiểu đúng tình trạng của trẻ, đó là điều kiện quan trọng dẫn đến thành công trong việc nuôi dạy các cháu.
Sự kết hợp giữa trường Mầm non với gia đình là điều kiện tiên quyết, bảo đảm bằng vàng cho kết quả chăm sóc – giáo dục trẻ em và sẽ thất bại nếu sự kết hợp này tỏ ra lỏng lẻo “trống đánh xuôi kèn thổi ngược”. Đây là sự kết hợp mang tính tất yếu trong giáo dục chứ không phải là giải pháp tình thế chỉ được thực hiện khi “ có vấn đề”.
Theo tạp chí Giáo dục mầm non.