Ai đến nhà chú thím tôi chơi lần đầu cũng rất ngạc nhiên vì thái độ "lịch sự" của chú thím đối với con cái. Nhưng quen lâu mới biết, việc "cảm ơn", "xin lỗi" con cái là một nếp sống trong gia đình chú thím.
Khách ngồi chơi với ba mẹ, con gái bưng nước ra mời khách. Chú vô ý quơ tay làm văng chiếc ly xuống đất, chú rối rít xin lỗi con gái vì bất cẩn, còn con gái thì nhận lỗi là không cẩn thận. Khi con gái dọn dẹp mảnh chai vỡ, chú nhẹ nhàng: "Cảm ơn con!". Con bé nở nụ cười hết sức sung sướng.
Một điều lạ là chú thím tôi sẵn sàng nhận lỗi và xin lỗi con cái trước mặt các thành viên trong gia đình khi cần thiết. Có lần, hai đứa cháu ngoại giành đồ chơi rồi đánh lộn, khóc la um sùm. Chú đang bệnh nên bực bội buột miệng gọi cháu bằng "mày". Hai đứa trẻ tròn xoe mắt ngỡ ngàng, chú liền hạ giọng: "Ông ngoại xin lỗi vì đã gọi con là "mày". Lần sau ông không nói thế nữa hén".
Thím tôi, trong một lần "tám chuyện" với bạn gái vô tình gièm pha má chồng khó tính. Sau đó, thím bị con trai "góp ý". Thím đã nhận lỗi với con: "Đúng, mẹ không nên nói như thế!".
Theo chú, "trẻ em dù còn nhỏ nhưng cũng có lòng tự trọng, có nhu cầu được tôn trọng. Chúng sẽ rất vui mừng khi nhận được lời cảm ơn từ những việc làm tốt, từ đó chúng sẽ hăng hái làm việc, thích giúp đỡ người khác. Nếu người lớn khi làm sai mà biết nhận lỗi thì sẽ làm gương cho chúng trong việc dũng cảm nhìn vào sự thật, nhận ra cái sai của mình. Cách cư xử như thế mới giúp trẻ phát triển hoàn thiện, nhanh nhẹn, tự tin, không bị ức chế vì bị áp đặt bởi quan điểm của người lớn".
Nhưng nếu thực sự người lớn sai thì mới nên xin lỗi, vì hiện nay có nhiều bà mẹ trẻ khi thấy con chạy nhảy thiếu cẩn thận, vấp té, khóc nhè, nằm vạ không chịu dậy thì sốt sắng xin lỗi con, rồi đổ lỗi tại mình không cẩn thận, tại cái này, cái kia làm con té... Điều đó không nên chút nào, vì việc xảy ra là do trẻ bất cẩn, nên giải thích cho con hiểu, hướng dẫn để lần sau trẻ tránh được.
Nhận lỗi hay xin lỗi con cũng là một việc cần làm theo đúng trách nhiệm và bổn phận của người lớn.
Theo PN