|
Vấn đề dinh dưỡng cho con luôn là mối quan tâm và lo lắng hàng đầu của các bà mẹ. Ảnh: Images |
Quan sát tại Phòng Khám thuộc Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, số trẻ được bố mẹ đưa đến khám, tư vấn do rối loạn dinh dưỡng (suy dinh dưỡng, béo phì, thừa cân...) chiếm tỉ lệ khá lớn. Nguyên nhân chính thường xuất phát từ những quan niệm sai lầm về dinh dưỡng của các bậc cha mẹ hoặc những người chăm sóc trẻ.
Cho bé ăn dặm càng sớm càng tốt
Sai. Cho trẻ ăn dặm quá sớm có thể dẫn tới rối loạn hấp thu, tiêu chảy vì lúc này men tiêu hóa của bé chưa hoàn thiện, không thể hấp thu tinh bột. Ngược lại, ăn dặm quá trễ sẽ làm bé bị suy dinh dưỡng, sẽ không chịu ăn gì khác ngoài sữa trong khi sữa vào giai đoạn này không còn đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày của bé.
Độ tuổi phù hợp để bắt đầu ăn dặm là từ 6 tháng tuổi và chỉ cho ăn vài muỗng bột mỗi ngày để bé tập quen dần. Bà mẹ cần lưu ý sữa vẫn luôn là thức ăn chính trong giai đoạn này. Thấy bé ăn bột mau lên cân, nhiều bà mẹ hay có xu hướng cho bé ăn toàn bột, chẳng bao lâu sau sẽ sinh ra nhiều thứ bệnh rắc rối. Chế độ ăn dặm đúng cách cho bé phải gồm bốn nhóm thức ăn bột - đạm - dầu - rau. Khi tập ăn một loại thức ăn mới, nên tập từ ít một khoảng 3-5 ngày cho bé quen dần, sau đó mới tập thức ăn khác. Nếu lúc đầu tập thức ăn mới bé tỏ vẻ không thích, mẹ cần kiên nhẫn tập dần cho bé để bữa ăn được đa dạng.
Không cho trẻ ăn dầu mỡ để tránh béo phì
Sai. Các bé cần khoảng 30-40% lượng calo từ chất béo hàng ngày để đáp ứng bộ não và cơ thể đang phát triển nhanh chóng bởi não bộ có những yêu cầu đặc biệt từ axit béo và các thành phần khác của chất béo. Lượng chất béo phù hợp cho trẻ ăn dặm dưới 1 tuổi là 3,5g/kg mỗi ngày. Tốt nhất là cho trẻ ăn chất béo từ dầu thực vật, mỡ cá, có chứa hàm lượng Omega 3 cao giúp tăng sức đề kháng, giảm thiểu các căn bệnh viêm nhiễm, hỗ trợ hệ tuần hoàn hoạt động tốt hơn.
Khi trẻ bị ốm, nên cho trẻ ăn ít
Đúng & Sai. Không nên kiêng ăn vì bé cần dinh dưỡng để chống lại bệnh tật. Tuy nhiên, do bị bệnh nên bé không cảm thấy ngon miệng, bạn không cần quá lo lắng mà ép bé ăn. Tóm lại, khi bé bệnh, nên cho bé ăn loại thức ăn và liều lượng mà bé thích. Nếu bé ăn quá ít thì có thể ăn thành nhiều bữa gần nhau, có thể cho bé ăn nhiều món trong một bữa để bổ sung dinh dưỡng.
Vẫn còn rất nhiều những quan điểm dinh dưỡng khác khiến không ít bà mẹ phải phân vân. Chuyện dinh dưỡng cho trẻ tưởng đơn giản, nhưng thực tế lại không đơn giản chút nào. Một số bà mẹ thắc mắc tại sao con mình được ăn uống rất đầy đủ dưỡng chất mà vẫn thấp bé nhẹ cân hơn bạn bè cùng trang lứa. Cũng có một số cha mẹ đánh đồng sự tròn trĩnh, mập mạp với tình trạng sức khỏe tốt...
Bên cạnh việc bổ sung dinh dưỡng, sức khỏe cũng là một yếu tố quan trọng, giúp bé có thể hấp thu dưỡng chất một cách tối ưu. Phòng bệnh hơn chữa bệnh - các bậc cha mẹ không nên lơ là trong việc chăm sóc, bảo vệ bé. Nếu chẳng may bé bị bệnh (ốm), cho dù có cung cấp dinh dưỡng tốt đến thế nào, sự phát triển của bé cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Theo Web TRẻ Thơ