Ba biết không, thằng cháu nội của ba trong kỳ thi học kỳ lớp 2 đã đạt điểm giỏi với đề bài: "Hãy miêu tả ông nội của bạn".
Đề tài mà mười mấy năm về trước con cũng cắn bút: "Bạn hãy viết về người cha của mình". Quả thật năm đó con đã phải miêu tả hình ảnh ba mình bằng hình ảnh ba của người khác. Để rồi con nhận được một điểm kém đầu tiên môn văn do giống văn mẫu. Tuổi thơ, con giãy nảy với cô giáo, vậy chứ con biết miêu tả về ba như thế nào khi con chưa một lần gặp mặt ba, làm sao con có thể nói những cảm nhận về tình thương của ba đã dành cho mình.
Ảnh minh họa: Internet
Con lục lại trong album gia đình, tấm hình đen trắng ba chụp chung lần cuối cùng năm 1985 cũng không có mặt con. Con hỏi má, má nói có chứ. Con tìm lại nhưng vẫn không thấy. Thì ra lúc ấy con còn nằm trong bụng má.
Má kể lúc ấy ba bệnh nặng nên mọi người không để cho ba gần con. Ba thì cứ nằng nặc má phải bế con đến võng cho ba nhìn mặt. Nhìn con đỏ hỏn trên tay má mà nước mắt ba chảy đầy hai tai. Ba căn dặn điều gì đó, con không nhớ được, không biết nơi xa ấy ba có còn nhớ hay không nữa. Má bế con trở lại giường ngủ, giằng mùng cẩn thận tránh muỗi. Lúc quay lại, má hỏi ba đã nói chuyện gì với con, ba nói: "Tui căn dặn nó sau này lớn lên cố gắng học tập thành người có ích, và mình cũng vậy nhé".
Má ngồi trên ghế, tay đòng đưa nhè nhẹ chiếc võng, trách sao nay ba toàn nói chi chuyện gở. Cuộc trò chuyện chưa dứt, ba đã ra đi, đi mãi mãi. Chỉ năm mười phút sau, cả xóm nghe tin chẳng lành từ gia đình mình nên lục tục kéo đến. Họ ôm ba còn nằm trên chiếc võng mà gào khóc: "Trời ơi, sao không để cho tui được chết thay cho nó. Người nhân hậu như thế sao trời nỡ...". Má lặng người theo từng tiếng nấc của mọi người. Bởi trong mắt mọi người ở xóm rẫy này, hình ảnh của ba đã trở thành khuôn mẫu: học giỏi, nhân hậu, yêu gia đình, giúp đỡ mọi người xung quanh... Những ca từ về ba còn mãi, còn mãi theo lời mọi người kéo đến đám mỗi lúc một đông.
Má chưa từng gặp họ, nhưng họ nói có người đã từng biết ba qua các chuyến công tác, có người đã từng được ba giúp đỡ, có những phạm nhân khi lao động trên nông trường của ba mà còn nhớ mãi hình ảnh đẹp. Ba đã cảm hóa họ bằng tình cảm chân thật và giúp họ hoàn lương, hòa nhập vào cuộc sống cộng đồng. Trong lòng họ, ba có khác chi là người tái sinh đời sống thứ hai của họ đâu.
Mọi người đến chia buồn mỏi mệt rồi ai cũng phải về. Vì họ cũng cần phải ăn, phải sống ba à. Căn chòi chỉ trơ trọi má, mấy đứa con và ngọn đèn leo lét. Ba đã về với đất thật rồi, bây giờ má mới có thể tin được đó là sự thật. Mọi thứ đến thật quá bất ngờ và hãi hùng đối với người phụ nữ tuổi hai mươi tám như má. Để rồi nhìn đâu má cũng nhớ đến ba, nghe tiếng động gì má cũng ngỡ ba về. Má họa tấm hình đen trắng của ba, đặt cạnh bên mấy tấm ảnh của ông bà với vẻ buồn u mặc. Má dọn dư một chén và gọi ba về qua những bữa cơm. Nhớ lời trăng trối của ba, lúc ẵm con trên tay, má ở vậy nuôi lớn anh em tụi con nên người.
Và cứ thế hình ảnh của ba trong con là những lời kể của má, của ngoại, của mọi người như một huyền thoại không dứt. Ba đã ra đi nhưng hình ảnh của ba vẫn hiện diện trong tâm trí người ở lại, trong đoàn khách kéo đến trong ngày giỗ ba.
Càng lớn con càng giống ba. Má nói vậy. Má nhớ như in cái dáng cao gầy bảnh bao của ba, một tấm lòng luôn trải rộng với mọi người. Đi đâu, làm gì con cũng bắt gặp lời dặn của má rải đều mọi nơi: "Ba con hồi đó học giỏi lắm, ráng học đi con", "Ba bây khoái nhất món canh bầu nấu cá lóc, con kiếm mấy con cá làm món này để cúng ba nha", "Mấy bữa trời mưa ba bây cũng siêng lắm, chặt mấy cây mì đi cắm dọc các bờ mương...", "Đứa nào học giỏi ráng làm công an để giúp mọi người, ba tụi bây hồi đó cũng mê hình sự lắm đó".
Con nuôi nấng mãi một ý chí, ấp ủ mãi một hình tượng lớn lên con sẽ là người có ích như ba. Con cố gắng học thật giỏi để có thể thực hiện được mơ ước đó của ba, của con và gia đình mình.
Nhưng ba biết không, kể từ khi ba mất, nhà mình khó khăn lắm. Má phải làm đủ thứ công việc để tụi con no bụng, để có con chữ trong đầu. Tụi con đánh đổi tuổi thơ của mình bằng những ngày dầm mưa bắt ốc, hái rau, bằng những công việc không dành cho trẻ thơ. Bù lại, tụi con đến trường chứ không giống như mấy đứa trẻ xóm mình. Hoàn cảnh quá khó khăn, ý nghĩ bỏ học để đi làm lại vụt bay trong đầu. Liền lúc ấy, hình ảnh của ba lại bước ra khỏi giấc ngủ, nâng con dậy, vượt qua những khó khăn để bước đến tương lai.
Có người nói "Lúc ba mày mất, mày mới có một tháng tuổi thì có biết gì đâu mà buồn". Ừ, thì lúc đó có biết gì đâu mà buồn. Bây giờ thì... Mà mọi chuyện cũng lâu quá rồi phải không ba. Có lẽ má mới là người buồn nhất, con chỉ thấy thiếu thôi. Lúc còn học phổ thông, con phải tập làm ngơ khi thấy bạn bè có ba dầm mưa chờ hàng giờ để đón về. Lớn lên chút nữa, con ước phải chi ba chỉ đi đâu đó, rồi một ngày nào đó về sum họp. Giống như dượng ba nhà bên, mất liên lạc ba mươi năm, tưởng chết, giờ về vui vầy cả xóm.
Vào đại học, con phải cố giữ cho hơi thở thật đều khi thấy mọi người có ba lo chỗ làm khi ra trường, giữ cho tim không loạn nhịp khi nghe ai đó hỏi chắc ba nó làm chức gì cao lắm nên nó mới được như vậy, hay giữ cho chân không vấp váp khi đi ngang qua căn nhà bạc tỉ của thằng bạn vừa được ba nó cho riêng. Nhưng vật chất thì đâu có mua nổi không khí gia đình có mẹ, có cha. Con biết má đã cực khổ rất nhiều để nuôi tụi con nên người. Tụi con sẽ dồn tình thương cho ba lên má, để má luôn cảm nhận được sự ấm áp của không khí gia đình dù khuyết vị trí ba.
Bài tập làm văn năm xưa con có thể bỏ dở, nhưng bây giờ thì không vậy đâu ba. Bằng chứng là bài viết này hay việc thằng cháu nội của ba có thể làm một bài tập làm văn hay nhất về ông nội của mình. Con tin rằng ba vẫn còn sống, ít ra trong con, trong má, cháu nội ba và trong lòng của mọi người.
Thư này con không thể gửi. Nhưng con sẽ giữ nó ở vị trí trang trọng nhất trong lòng mình. Nó sẽ đồng hành cùng con, thực hiện những mục tiêu ba còn bỏ dở của đời mình!
Con hứa.
ĐẶNG MINH TIẾN
Theo Tuổi Trẻ