Ngoại là người tôi yêu thương nhất. Với chùm râu dài xuống tận ngực, mái tóc trắng như cước, ngoại như ông bụt trong những truyện cổ tích mà tôi được đọc. Tôi cứ nhớ mãi hình ảnh một tay ngoại cầm gậy, tay còn lại luôn cầm chiếc quạt nan phe phẩy mỗi trưa hè.
Đôi bàn tay ngoại chai sần, khô cứng nhưng khéo léo và chẳng chịu nhàn rỗi bao giờ. Mùa xuân - ngoại cắt tỉa những cây cảnh trong vườn, nhặt cỏ cho những luống rau. Mùa thu, ngoại hay đi câu cá. Mùa đông, ngoại sửa lại những chiếc chuồng chim. Hạ sang, ngoại vót tre đan quạt. Những chiếc quạt ru biết bao tâm hồn những đứa trẻ thôn quê nghèo khó. Cứ khoảng cuối tháng ba là ngoại lại miệt mài chẻ tre, vót thành sợi mỏng, ngâm trong nước vài ngày, vớt ra phơi nắng độ nửa ngày và bắt đầu đan. Ngoại đan quạt như một thói quen không thể bỏ. Dù sau này nhà ai cũng dùng quạt máy, ngoại vẫn đan và phân phát cho từng nhà.
Món ăn khoái khẩu của ngoại không gì cầu kỳ, sang trọng. Đó là món bánh đúc chợ chùa chấm mắm tôm, thứ bánh trắng trong làm từ bột gạo tẻ giản dị, mộc mạc như chính con người nơi thôn dã. Mỗi lần nhìn ngoại dùng đôi bàn tay nhăn nheo, xương xẩu bẻ bánh tôi lại thấy chạnh lòng. Tôi mong sau này đi làm có tiền sẽ tìm mua cho ngoại những loại bánh ngon nhất.
Tôi dần lớn lên, lo chuyện học hành, thời gian ở bên ngoại ít dần, có khi cả tháng tôi chỉ ghé thăm ngoại được một vài lần. Ngoại đã già yếu, không thể đan quạt nữa.
Tôi vào Sài Gòn trọ học, không quên mang theo chiếc quạt nan của ngoại. Một ngày, mẹ gọi điện báo tin ngoại bệnh, giọng run run. Tôi hủy kế hoạch tham gia Mùa hè xanh để về thăm ngoại. Ngoại bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối, viêm phổi rất nặng và cả gan cũng không khỏe... Trời miền Trung nắng như rang, tim tôi đau thắt rồi vỡ òa theo tiếng khóc.
Ngoại ra đi, tôi vẫn chưa kịp thực hiện được dự định nhỏ nhoi thuở bé của mình, đó là mua tặng ngoại những chiếc bánh ngọt ngào tình yêu thương của đứa cháu.
Theo PN