Chiều 10/8, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ triển khai Đề án PCGDMN cho trẻ em 5 tuổi quy mô toàn quốc sẽ được tổ chức trực tuyến qua mạng Chính phủ tại điểm cầu Hội trường Chính phủ, 63 điểm cầu tại hội trường UBND của 63 tỉnh, thành phố và 01 điểm cầu tại Văn phòng Bộ GD&ĐT. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân sẽ chủ trì tại điểm cầu Hội trường Chính phủ.
Thực hiện Nghị quyết số 35/NQ/QH12 của Quốc hội khóa XII về chủ trương, định hướng đổi mới một số cơ chế tài chính trong GD&ĐT từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 239/QĐ-TTg ngày 09/02/2010 phê duyệt Đề án Phổ cập giáo dục mầm non (PCGDMN) cho trẻ em năm tuổi giai đoạn 2010-2015.
Năm mục tiêu của Đề án được nêu rõ gồm: Củng cố, mở rộng mạng lưới trường, lớp, bảo đảm đến năm 2015, có 95% số trẻ em trong độ tuổi năm tuổi được học 2 buổi/ngày;
Nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục đối với các lớp mầm non năm tuổi, giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, phấn đấu đến năm 2015 có 100% trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non được học Chương trình giáo dục mầm non mới, chuẩn bị tốt tâm thế cho trẻ vào học lớp 1;
Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên mầm non, bảo đảm 100% giáo viên dạy mầm non năm tuổi đạt chuẩn trình độ đào tạo vào năm 2010, phấn đấu đến năm 2015 có 50% giáo viên đạt trình độ từ cao đẳng sư phạm mầm non trở lên, 80% giáo viên đạt chuẩn nghề nghiệp mức độ khá;
Ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi cho các lớp mầm non năm tuổi ở miền núi, vùng sâu, vùng xa. Xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia tại các huyện nghèo làm mô hình mẫu và là nơi tập huấn, trao đổi kinh nghiệm về chuyên môn nghiệp vụ giáo dục mầm non;
Đưa số tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi lên 85% năm 2012 và 100% năm 2015.
Để đạt được các mục tiêu trên, Đề án đề ra 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu. Đó là: đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Đề án PCGDMN cho trẻ em năm tuổi; tăng cường huy động trẻ em năm tuổi đến lớp; đổi mới nội dung chương trình, phương pháp GDMN; xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục mầm non; xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư thiết bị, bảo đảm ngân sách cho các lớp mầm non 5 tuổi; đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục mầm non; đẩy mạnh hợp tác quốc tế.
Quá trình PCGDMN cho trẻ em năm tuổi được tiến hành trong 6 năm gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 2010-2012 sẽ hướng dẫn các địa phương thực hiện nhiệm vụ PCGDMN cho trẻ em năm tuổi; ban hành tiêu chuẩn, quy trình kiểm tra, đánh giá công nhận PCGDMN cho trẻ em năm tuổi; thực hiện Chương trình GDMN mới; xây dựng và triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên; xây mới, cải tạo trường, lớp; cung cấp trang thiết bị đáp ứng yêu cầu phổ cập; xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia cho 86 huyện nghèo. Chuyển đổi các trường MN bán công sang loại hình theo quy định, thành lập mới các trường tư thục ở những nơi thuận lợi nhằm tăng tỷ lệ huy động trẻ đên trường. Điều chỉnh, bổ sung định mức biên chế, chế độ chính sách cho giáo viên mầm non, thực hiện chính sách hỗ trợ để giáo viên ngoài biên chế các trường mầm non công lập, dân lập được trả lương theo ngạch bậc và nâng lương theo định kỳ. Tập trung chỉ đạo các địa phương có điều kiện hoàn thành PCGDMN cho trẻ em 5 tuổi. Kiểm tra công nhận 35- 40 tỉnh/ thành phố. Tổng kết 3 năm PCGDMN cho trẻ em năm tuổi.
Giai đoạn 2013-2015, tập trung chỉ đạo và hỗ trợ các địa phương khó khăn về cơ sở vật chất; tiếp tục xây dựng bổ sung số phòng học, phòng chức năng còn thiếu; cung cấp trang thiết bị, đồ chơi cho các trường, lớp mầm non; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, đáp ứng yêu cầu phổ cập. Củng cố thành quả PCGDMN 5 tuổi ở các địa phương đã được công nhận giai đoạn một. Kiểm tra công nhận các tỉnh còn lại. Tổng kết đánh giá 6 năm PCGDMN cho trẻ em năm tuổi.
Kinh phí thực hiện Đề án là 14.660 tỷ đồng, gồm 4 dự án: Xây dựng phòng học, phòng chức năng theo quy định của điều lệ trường mầm non, dự kiến: 9.200 tỷ đồng; mua sắm trang thiết bị, đồ chơi, dự kiến: 2.200 tỷ đồng; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và hỗ trợ trẻ em nghèo, dự kiến: 2.900 tỷ đồng; xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia cho 86 huyện khó khăn; dự kiến: 360 tỷ đồng.
Đề án cũng kiến nghị với Chính phủ và các Bộ, ngành cần có thành phần kinh phí thực hiện Đề án PC GDMN cho trẻ em năm tuổi; Giải quyết chế độ, chính sách cho giáo viên mầm non lớn tuổi đã có từ 20 năm công tác trong ngành nhưng chưa đủ thời gian đóng BHXH 20 năm theo quy định; Cho xây dựng bổ sung Đề án kiên cố hóa giai đoạn 2012-2015 để xây dựng phòng học cho phổ cập GDMN năm tuổi và có 1 dự án ODA để thực hiện Phổ cập GDMN cho trẻ em năm tuổi
Đối với địa phương: Giải quyết vấn đề đất xây dựng trường mầm non, đặc biệt là tại các thành phố lớn và vùng miền núi; Thực hiện chuyển đổi loại hình giáo dục mầm non phù hợp với Luật Giáo dục để thực hiện Phổ cập GDMN cho trẻ em năm tuổi; Thực hiện chính sách địa phương nhằm bảo đảm đời sống cho giáo viên mầm non.
Tại Hội nghị diễn ra chiều nay, lãnh đạo một số UBND các tỉnh, thành phố sẽ báo cáo về các giải pháp thực hiện Đề án, các đề xuất, kiến nghị, đồng thời thảo luận và đăng ký thực hiện phổ cập...
Theo GDMN