Sự kiện nhiều phụ huynh phải xếp hàng cả đêm để được nhận 1 trong 25 đơn xin nhập học tại Trường Mầm non (MN) Sơn Ca 5 (phường Tân Chánh Hiệp, quận 12) đã khiến nhiều người băn khoăn: TPHCM thiếu chỗ học đến thế sao?
Theo nhiều người lý giải, vì năm 2010 là năm trẻ sinh năm 2007 - được gọi là năm "heo vàng" bắt đầu đi học MN nên mới quá tải như thế. Nhiều trường MN chỉ có chỉ tiêu vài chục chỗ để thu nhận trẻ lớp mầm nhưng nơi nào cũng có vài trăm đơn xin vào học. Sự quá tải tỷ lệ thuận với mức độ nổi tiếng của trường nên dẫn đến chuyện trường càng đạt chuẩn, gần trung tâm thì sĩ số lớp càng đông. Nhiều phụ huynh dù không được nhận vẫn để hồ sơ lại chờ đến khi có chỗ trống hoặc chen lấn xếp hàng, đạp đổ hàng rào để xin cho con được vào học.
Câu chuyện "heo vàng" dẫn đến quả tải chỉ là giọt nước tràn ly. Số liệu từ Cục Thống kê TPHCM cho thấy, có 100.700 trẻ sinh năm 2007, tăng 5,1% so với năm 2006. Hiện tượng người dân thích chọn tuổi đẹp để sinh con vô hình trung gây sức ép lên hệ thống giáo dục. Nhưng, chúng ta cũng không thể phủ nhận sự ì ạch của các công trình trường học trong nhiều năm khiến tình trạng quá tải tại TPHCM càng tăng.
TPHCM hiện có 15 phường, xã của quận 4, Tân Phú, Bình Tân, Gò Vấp, Thủ Đức, Phú Nhuận còn "trắng" trường MN công lập, trong khi ở những nơi này, số người nhập cư, lao động nghèo tập trung đông nhất. Việc gửi trẻ vào các trường, lớp ngoài công lập học phí thấp dễ dẫn đến những hiểm họa khó lường.
Theo nhiều trường, trong khi TPHCM đang tiến hành cải cách thủ tục hành chính thì thủ tục xây dựng trường lớp là khâu nhiêu khê, khổ ải nhất. Có những công trình trường học mà tính từ lúc duyệt dự án, làm thiết kế, lo thủ tục và xây dựng, xấp xỉ 10 năm vẫn chưa xong. Nhiều dự án trường học sau nhiều năm vẫn chỉ nằm trên giấy và sự quá tải chỗ học đang ngày càng leo thang.
Có thể thấy, không ở đâu, người đi học sướng và khổ như ở TPHCM, Hà Nội... Với việc đầu tư ngân sách cho giáo dục lớn nhất nước, TPHCM có nhiều trường đạt chuẩn, chất lượng cao để người học đủ điều kiện phát triển. Thế nhưng thực tế, dân số quá đông khiến miếng bánh đầu tư cho giáo dục bị chia nhỏ và những vấn đề phát sinh khiến các nhà giáo dục loay hoay.
Bên cạnh một số trường đạt chuẩn quốc gia là sự thiếu hụt trường lớp, cơ sở vật chất ở các quận vùng ven. Sự chênh lệch này càng đào sâu hố ngăn cách, bất bình đẳng cho người học. Chỉ tính riêng bậc học MN, TPHCM có khoảng 700 trường, trong đó chỉ có hơn 300 trường công lập, tỷ lệ trẻ học ở hệ thống công lập chỉ chiếm hơn một nửa, tất yếu sẽ có sự căng thẳng vì khoảng cách giữa học phí công lập và tư thục quá cách biệt.
TPHCM là nơi đi đầu trong xã hội hóa giáo dục, hệ thống các trường ngoài công lập đang phát triển nhưng chính học phí và chất lượng của hệ thống này lại làm "đau đầu" các nhà quản lý. Người học không dễ để "chọn đúng mặt... gửi con" vào các trường, lớp ngoài công lập.
Câu chuyện quá tải chỗ học dành cho trẻ "heo vàng" năm nay sẽ càng căng thẳng khi 2 năm nữa, các cháu vào lớp lá - lứa tuổi bắt buộc phải phổ cập và khi đó, các trường không được quyền từ chối nhận trẻ. Đến khi trẻ "heo vàng" vào lớp 1, bài toán chỗ học sẽ càng lớn hơn khi từ bậc học này, nhà trường không thể "co giãn" lớp học như giải pháp tạm thời ở các trường MN hiện nay. Chúng ta không thể đỗ lỗi cho hiện tượng xã hội theo kiểu "heo vàng" làm quá tải cả hệ thống giáo dục!
Theo SGGP
Quá tải trẻ "heo vàng": Lỗi của phụ huynh?
Ba năm trước đã có những cảnh báo từ việc tỉ lệ sinh tăng vọt. Do quan niệm Á Đông (mà Việt Nam cũng không ngoại lệ), nhiều người tin rằng trẻ sinh năm Đinh Hợi, còn gọi "heo vàng" sẽ hưởng phú quý, may mắn suốt đời. Vì vậy nhiều cặp vợ chồng đã chọn năm 2007 để sinh con.
Theo số liệu của Cục Thống kê TP.HCM, trẻ sinh năm 2007 tăng 5,1% so với 2006; số liệu ở Hà Nội cũng tương tự. Chính vì thế hệ thống an sinh xã hội như y tế, giáo dục ở hai TP lớn lẽ ra phải chuẩn bị để đón đầu, song không ai quan tâm.
Hệ quả là những ngày này đâu đâu cũng thấy tình trạng bệnh viện quá tải, cha mẹ chen chúc xếp hàng qua đêm xin học mầm non cho con. Sở GD&ĐT TP Hà Nội cho biết hiện các trường mầm non công lập trên địa bàn chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu. Dự báo phải ít nhất năm năm nữa Hà Nội mới chấm dứt cảnh phụ huynh xếp hàng qua đêm mua đơn, bởi đề án nâng cao chất lượng giáo dục mầm non đến năm 2015 với kinh phí hơn 3.000 tỉ đồng hiện... vẫn còn trên giấy!
Như vậy, cảnh báo ba năm trước đã thành sự thật và sự tồi tệ vẫn kéo dài mà không ai chịu trách nhiệm. Khi giải trình về việc này đã có ý kiến đổ lỗi cho... các cặp vợ chồng bởi lý do họ đã cùng chọn năm 2007 sinh con (!?). Lối nói vô trách nhiệm như thế thật khó chấp nhận, bởi vì ba năm quá đủ để xây thêm trường, đào tạo thêm giáo viên mầm non...
Chẳng nói đâu xa, ngay từ khi Hà Tây rục rịch sát nhập vào Hà Nội, hàng loạt dự án bất động sản cao cấp đã được phê duyệt. Đến nay, sau hơn hai năm, các dự án này ồ ạt bung hàng, tạo nên sự ế thừa vô cùng lãng phí. Cụ thể, dự án của Indochina Plaza Hà Nội suốt bốn tháng chỉ bán được 15% số căn hộ; Keangnam ế 20% căn hộ từ năm 2008 đến nay... Nhiều công ty nghiên cứu thị trường quả quyết nhu cầu căn hộ cao cấp chỉ khoảng 5%-7%, trong khi nguồn cung đã lên tới 20% và đang tăng nhanh... Ngay số khách hàng đã mua cũng chủ yếu để bán lại, rất ít người ở.
Thực ra so sánh giữa đầu tư căn hộ với đầu tư trường học là khập khiễng, bởi lợi nhuận (kỳ vọng) quá cách biệt nhau. Song việc đó cũng đủ chứng minh một khi có trách nhiệm với dân thì khoảng thời gian ba năm đủ giải quyết những bức xúc hiện tại.
Trắng đêm không mua được tờ đơn xin nhập học cho con, có phụ huynh ngước nhìn cao ốc giăng biển bán hàng mà ao ước...
Theo Báo Pháp Luật
|