|
Xếp hàng nộp đơn xin học ở trường mẫu giáo thực nghiệm quận Hòe Âm, Tế Nam |
Sau khi trở thành "nô lệ nhà", "nô lệ xe", nay tầng lớp thanh niên Trung Quốc còn phải đối mặt với một "xiềng xích" mới - trở thành "nô lệ mẫu giáo". Trong tình trạng học phí mẫu giáo còn cao hơn học phí đại học, người nghèo Trung Quốc chỉ còn biết kêu trời hoặc phó thác con mình vào những trường "mẫu giáo đen".
Trường công - muôn trùng cửa ải
Cũng như cảnh xin học nhiều trường mẫu giáo ở Việt Nam, cổng trường Mẫu giáo Công nghiệp quận Mạo Bình, Bắc Kinh nhiều ngày qua trở nên lộn xộn. Để kiếm được một bộ hồ sơ xin học cho con, cháu, nhiều cha mẹ, ông bà đã mang theo lều bạt, giường xếp, ghế tựa... đến xếp thành dãy dài bên ngoài cổng với hy vọng sẽ giành được lợi thế, tuy nhiên có người chờ đến cả tuần vẫn chưa mua được hồ sơ. Anh Lưu Kiện, một người sống ở quận Tuyên Vũ tỏ vẻ thất vọng, lớp mẫu giáo của trường chỉ tuyển 130 cháu, mà đã phát đến số 600, dù đã chờ ở đây mấy ngày đêm, anh cũng không dám chắc con mình có cơ hội được tham gia vòng phỏng vấn cuối cùng không.
Theo kết quả điều tra của báo chí, sự chênh lệch giữa cung và cầu trong cấp học mầm non ở các thành phố lớn của Trung Quốc đang ngày càng trở thành vấn đề nóng bỏng. Ở Thiên Tân, mỗi quận chỉ có 20-30 trường mẫu giáo công lập, trong đó tại nhiều trường, số lượng đăng ký bao giờ cũng gấp 4 lần so với số lượng tuyển sinh. Tại Thâm Quyến có hơn 1.000 trường mẫu giáo với số lượng tuyển sinh mỗi năm 73.000 em, tuy nhiên năm 2007 có tới 135.000 trẻ ra đời tại đây, tức là năm tuyển sinh 2010 có tới 50% số trẻ nhỏ này không thể vào các trường công lập.
Lư Triết Phong, một viên chức trong ngành năng lượng ở Bắc Kinh, người có một con trai 3 tuổi cho biết, 2 năm trước, khi thấy những người hàng xóm có con cùng tuổi với con mình đi nộp đơn đăng ký vào trường mẫu giáo, anh đã thấy kỳ quái. Song khi con trai lên 2, bị bố mẹ thúc giục ráo riết, anh đành theo một người bạn đi xin học cho con, không ngờ các trường mẫu giáo công lập trong khu Phương Trang, nơi mình ở đã kín chỗ. Suốt 1 năm qua, anh cùng vợ chạy đông chạy tây để tìm trường cho con, song hầu như không còn hy vọng vào các trường công lập.
Xin vào đã khó khăn như vậy, nhưng "cửa ải" tiếp theo mà các bậc phụ huynh phải vượt qua là học phí ngày càng bị đẩy cao của các trường công. "Khoản đầu tư của Chính phủ không đủ chi phí, chúng tôi buộc phải thu thêm để duy trì hoạt động", bà Trịnh Viên - Hiệu trưởng một trường mẫu giáo ở Quảng Châu cho biết.
Tại một trường mầm non ở Thiên Tân, chỉ riêng khoản phí trông trẻ đã hơn 1.200NDT, cộng thêm 260NDT tiền ăn, mỗi tháng cha mẹ sẽ phải nộp cho trường 1.460NDT (4 triệu VND). Ngoài khoản đó, cha mẹ bị buộc phải "tự nguyện" đóng góp khoản tiền "hỗ trợ nghiên cứu" khoảng 10.000NDT/năm.
Bà Phùng Hiểu Hà, nguyên Chủ tịch Hội Nghiên cứu giáo dục Trung Quốc cho rằng, vấn đề "xin học khó, học phí cao" phản ánh những tồn tại trong việc quan tâm đến giáo dục mầm non, do bị xem nhẹ nên vẫn chưa có cơ chế đầu tư rõ ràng của Nhà nước. Tại Bắc Kinh, tỷ lệ đầu tư cho các trường mẫu giáo công lập so với các cấp học khác đã giảm từ 2,05% năm 2000 xuống còn 1,92% năm 2007. Năm 2008, trong số chi phí phụ hơn 1 tỷ NDT cho giáo dục, tiền tiểu học chỉ chiếm 390 triệu NDT, tương đương 3,1%.
Trường tư - "Mẫu giáo nhái" lên ngôi
Bước vào năm học mới 2010, hầu hết các trường mẫu giáo tư thục ở Trung Quốc đều tăng học phí. Học phí bình dân nhất là những trường cỡ nhỏ, học phí mỗi tháng từ 200-300NDT cũng tăng "nhẹ nhàng" 20-30%. Các trường mẫu giáo tư thục hạng trung với mức học phí 800-2.000NDT, tuy nhiên con số này đã tăng từ 10-100% trong tháng vừa qua, vượt xa mức học phí 4.500-6.000NDT/năm của cấp đại học. Riêng các trường cao cấp, về cơ bản không tăng giá, nhưng mức cũ cũng đã cao ngất ngưởng: trên 30.000NDT/năm (83 triệu VND).
Triệu Anh, một phụ nữ sống ở Thiên Hà Bắc, Quảng Châu cho biết, vì con đã đến tuổi mẫu giáo, nên chị có tham khảo một số trường gần nhà. Theo giới thiệu của một người bạn, chị tìm đến một trường mẫu giáo song ngữ, thấy điều kiện tốt, còn mức phí cũng khá hợp lý: Lớp thông thường 800NDT, lớp đặc biệt 1.300NDT. Tuy nhiên, tuần trước khi chị đến làm hồ sơ, mới biết đến tháng 9 học phí sẽ được điều chỉnh là lớp thường 1.000NDT, lớp đặc biệt 1.500NDT. Vậy mà nhiều người bạn vẫn nói với Triệu Anh, mức tăng đó đã là rất "ôn hòa".
Học phí tăng đã đành, một số trường còn "đẻ" ra nhiều danh mục khác. Một trường mẫu giáo ở quận Hải Châu, Quảng Châu không chỉ tăng học phí, mà quy định học sinh bắt buộc phải học lớp tư duy với mức phí 500NDT hàng tháng. Ở một số trường khác, lớp học này cũng được gọi với cái tên "lớp hứng thú" với học phí có khi lên tới 1.000NDT. Vì không chịu được gánh nặng này, cũng không thể để con ở nhà khi đã đến tuổi đi lớp, nhiều bố mẹ đành gửi trẻ đến những trường "mẫu giáo đen" hay còn được gọi là "mẫu giáo nhái".
Trường của Dương Tiểu Huệ là một trong những trường như thế. Nằm trong khu nhà bình dân ngoại ô Bắc Kinh với điều kiện vệ sinh môi trường thấp kém, cơ sở trông giữ trẻ này là một ngôi nhà 2 tầng đơn giản, tổng cộng chừng 300m2 mặt bằng, hơn 100 đứa trẻ chia thành 6 lớp, được quản lý bởi 8 giáo viên, 6 chủ nhiệm và 3 nhân viên bảo vệ. "Hiệu trưởng" Dương Tiểu Huệ, SN 1983 ở Hắc Long Giang, sau khi tốt nghiệp trung học đã bắt đầu hành nghề dạy mẫu giáo.
Tại "trường" của Tiểu Huệ, phí thu bắt buộc ban đầu là 100NDT, mỗi tháng học phí 380NDT. Từ hơn chục học sinh ban đầu, hiện ngôi trường này đã có hơn 100 trẻ. Điều lo ngại nhất của Dương Tiểu Huệ là an ninh và vệ sinh ở trường. "Ở các trường công lập, hễ xảy ra vấn đề gì là có Sở Giáo dục đứng ra lo, còn ở đây chúng tôi chỉ có thể tự trông cậy vào mình. May mà hơn 1 năm qua không có vấn đề gì". Tuy hàng ngày trẻ gửi ở đây đều được chơi đồ chơi đã khử trùng, song Dương Tiểu Huệ cũng thừa nhận, còn lâu mới đạt được các tiêu chuẩn chính quy.
Những trường "mẫu giáo nhái" tương tự đang xuất hiện ngày một nhiều ở Bắc Kinh và các thành phố lớn, đáp ứng nhu cầu của tầng lớp thị dân nghèo. Theo thống kê không đầy đủ, toàn Bắc Kinh hiện có khoảng 1.298 trường "mẫu giáo nhái". Do kinh phí xây dựng trường thiếu, đội ngũ giáo viên không ổn định, thu phí bừa bãi nên hiện các trường này tồn tại rất nhiều vấn đề.
Thêm vào đó, các tiêu chuẩn về vệ sinh cũng ít được chú ý, khiến nguy cơ lây nhiễm bệnh của trẻ rất lớn Tuy vậy, mức học phí trung bình khoảng 300-500NDT/tháng, dù chưa hẳn đã dễ chịu nhưng có thể chấp nhận được với những hộ gia đình có thu nhập dưới 2.000NDT/tháng. Một phụ huynh cho biết, việc gửi con ở kiểu trường này thực chất là bất đắc dĩ, vì hầu như chúng không học được gì mà chỉ được trông nom..
Đầu năm 2010, một vụ hỏa hoạn đã xảy ra tại một trường "mẫu giáo nhái" ở quận Triều Dương, Bắc Kinh khiến 1 em nhỏ 2 tuổi rưỡi thiệt mạng; nguyên nhân ban đầu được xác định là do thiếu trách nhiệm trong quản lý, để trẻ nhỏ nghịch lửa. Vụ việc này, cộng với những vụ tấn công vào các trường học thời gian qua đã khiến mối lo ngại của phụ huynh khi gửi con vào các trường "mẫu giáo nhái" kiểu này ngày càng lớn.
Nhằm giải quyết tình trạng này, Bắc Kinh đã tuyên bố sẽ đầu tư 1,5 tỷ NDT để xây dựng 200 trường mẫu giáo và 200 triệu NDT để cải tạo, mở rộng các trường hiện có. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều nhà phân tích, tình trạng này còn kéo dài ở không riêng Bắc Kinh mà cả Trung Quốc ít nhất 5 năm nữa.
(Theo ANTĐ)