Hôm 17-6, UBND TP Hà Nội đã xem xét dự thảo Đề án Quy định mức thu học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập dự kiến áp dụng từ năm học 2010-2011.
Các thành viên UBND TP thống nhất, chia làm hai khu vực với những mức thu khác nhau là đô thị và nông thôn - ngoại thành, trong đó ở khu vực nông thôn - ngoại thành, cùng với trường hợp chính sách thì hộ gia đình thuần nông cũng sẽ nhận được ưu đãi với mức thấp...
Tăng học phí tạo điều kiện nâng cao chất lượng cơ sở vật chất cho giáo dục. Ảnh: Thu Giang
Tăng nguồn lực một cách minh bạch
Từ sau khi mở rộng địa giới hành chính, các trường học trên địa bàn Hà Nội đang thu học phí theo 4 quyết định của 4 địa phương (Hà Nội cũ, Hà Tây cũ, Vĩnh Phúc và Hòa Bình) với nhiều nội dung, mức thu khác nhau, gây khó khăn trong quá trình thực hiện và quản lý. Chế độ học phí được xây dựng từ năm 2000, không chỉ lạc hậu so với yêu cầu phát triển của sự nghiệp GD-ĐT, mà còn mất giá khi giá trị thực tế của mức học phí chỉ còn 47% vì chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng gấp 2,14 lần. Bên cạnh đó, mức lương tối thiểu cũng đã được điều chỉnh nhiều lần (từ 180 nghìn đồng/người/tháng lên 730 nghìn đồng/người/tháng) nên mức chi cho các hoạt động hỗ trợ giảng dạy và nhiều hoạt động khác của nhà trường càng thiếu hụt. Từ thực tế ấy, không ít cơ sở giáo dục tự đặt ra những khoản thu hợp lý nhưng không có trong quy định (như nước uống, vệ sinh, bảo vệ, trông giữ xe...) nhằm phục vụ cho việc học tập, sinh hoạt của HS. Tuy nhiên, ở một số nơi, việc này đã bị lợi dụng nhằm thu lợi cá nhân, gây bức xúc trong dư luận.
Thực tế ấy lý giải vì sao đề án học phí mới lại nhận được sự quan tâm từ nhiều phía đến vậy. Nó không chỉ giải quyết được mối lo của đội ngũ quản lý các nhà trường khi phải tìm cách xoay xở để có nguồn kinh phí trang trải cho các yêu cầu nhiệm vụ giai đoạn mới, mà còn giải tỏa được những băn khoăn, thắc mắc của phụ huynh HS về tài chính. Khi việc thu - chi trở nên minh bạch, thì việc huy động thêm nhiều nguồn lực đầu tư cho GD-ĐT hẳn có nhiều chuyển biến.
Mức thu không vượt quá 5% thu nhập bình quân hộ gia đình
Cơ sở để tính mức học phí được quy định rõ tại khoản 1, điều 10 Nghị định 49/2010/NĐ-CP: Mức thu học phí phải phù hợp với điều kiện kinh tế của từng địa bàn dân cư, khả năng đóng góp thực tế của người dân. Mức học phí và chi phí học tập khác không vượt quá 5% thu nhập bình quân (TNBQ) hộ gia đình ở mỗi vùng.
Giờ lên lớp của cô và trò Trường Tiểu học Trung Hưng, Thị xã Sơn Tây. Ảnh: Bá Hoạt
Để bảo đảm nguyên tắc phù hợp với khả năng chi trả của người dân ở từng vùng, mức thu học phí được phân theo 2 đối tượng: HS ở khu vực thành thị (TT) và HS ở khu vực nông thôn (NT). Trong đó, khu vực NT lại chia làm 2 loại: HS có cha, mẹ đang làm nông nghiệp và HS có cha hoặc mẹ đang làm ngành nghề khác.
Theo số liệu của Cục Thống kê Hà Nội, thu nhập bình quân 1 người/tháng ở khu vực TT là 2 triệu 452 nghìn đồng, ở NT là 1 triệu 074 nghìn đồng (HS có cha, mẹ đang làm nông nghiệp) và 1 triệu 824 nghìn đồng (HS có cha hoặc mẹ đang làm ngành nghề khác). Theo đó, mức trần học phí được xác định là 175.000 đồng/HS/tháng (TT); ở NT là 37.000 đồng/HS/tháng (HS có cha, mẹ đang làm nông nghiệp) và 112.000 đồng/HS/tháng (HS có cha hoặc mẹ đang làm ngành nghề khác).
Theo mức thu đề xuất, trừ đối tượng HS nhà trẻ thu ở mức "chạm trần" là 175.000 đồng/HS/tháng (TT) và 40.000 đồng (HS có cha và mẹ làm nông nghiệp - khu vực NT), các cấp học còn lại đều thu dưới mức trần khá xa. Ngoài các khoản thu theo quy định, các cơ sở giáo dục không được tự quy định thêm khoản thu khác.
Không để HS nghèo bỏ học
Ban soạn thảo đề án cho biết: Bên cạnh mục tiêu tăng cường nguồn lực đầu tư, giảm tình trạng lạm thu ở các nhà trường, mức thu học phí mới và các chính sách liên quan được xây dựng theo hướng HS ở mọi vùng, miền đều được hưởng một nền giáo dục có chất lượng, không để HS nghèo phải bỏ học vì không có tiền đóng học phí. Ngân sách nhà nước vẫn là nguồn thu chủ yếu của các trường mầm non và phổ thông công lập đại trà, học phí chỉ là một phần đóng góp của người dân để chia sẻ chi phí với Nhà nước.
Mức chi từ ngân sách cũng sẽ quan tâm nhiều hơn tới những vùng khó khăn để giảm bớt chênh lệch về điều kiện, chất lượng GD-ĐT giữa các vùng, miền. Cụ thể, với đối tượng ở nhóm có mức thu học phí thấp hơn, định mức ngân sách sẽ hỗ trợ thêm cho các cơ sở giáo dục khoản chênh lệch so với đối tượng ở nhóm có mức học phí cao để bảo đảm chi phí đầu tư cho một HS là như nhau giữa các khu vực, bảo đảm công bằng trong giáo dục.
Nếu được phê duyệt, mức học phí này sẽ được áp dụng từ năm học 2010-2011. Từ năm học 2011-2012 đến năm học 2014-2015, mức thu học phí sẽ được UBND TP quyết định điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng tăng bình quân hằng năm do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo.
Theo Hà Nội Mới