Thời buổi giáo dục là hàng hóa, phụ huynh tại Nhật chính là "thượng đế".
Họ yêu cầu giáo viên phải giặt đồng phục của con mình, cắt móng tay cho chúng, thậm chí phải đến nhà đưa con họ đi học hoặc chuẩn bị giỏ thức ăn đầy đủ trước chuyến dã ngoại. Báo chí Nhật gọi đây là những phụ huynh cá biệt. "Một trong những bà mẹ gọi điện thường xuyên lúc 7g30 sáng và quấy rầy chúng tôi hàng giờ. Thậm chí bà ta chất vấn tại sao bắt con mình phát biểu trước lớp, vì đứa trẻ không thích như vậy" - một cô giáo ở Tokyo kể.
Ảnh: AFP
Bà Naoki Ogi, chuyên viên của hệ thống giáo dục, đã tiến hành một nghiên cứu về đề tài này và liệt kê 700 trường hợp phụ huynh cá biệt thông qua những nhân chứng là giáo viên và phụ huynh khác. Một bà mẹ có con ném đá vỡ cửa kính đã phản đối khi được mời đến trường, thậm chí đòi được bồi thường vì cho rằng bị quấy rầy. Bà nói rằng chính nhà trường có lỗi vì lẽ ra không được để đá sỏi trong sân trường.
Tại Tokyo, vấn đề đủ nghiêm trọng để chính quyền thành phố phải phát cho 60.000 nhân viên trường học một cẩm nang dạy ứng xử với những phụ huynh này, bởi một số trường hợp đã dẫn đến bi kịch. Năm 2002, một cô bảo mẫu nhà trẻ đầy kinh nghiệm đã phải tự tử sau bốn tháng chịu đựng những trách móc của một phụ huynh chỉ vì vài vết xước trên người đứa con trai.
Theo số liệu chính thức, số ngày nghỉ bệnh do stress của giáo viên đã tăng gấp ba trong vòng 10 năm, và có đến 26.000 nhân viên trường học ở Tokyo được bảo hiểm trong trường hợp bị kiện ra tòa, so với 1.300 người năm 2000. Bà Ogi cho rằng nguyên nhân sâu xa xuất phát từ năm 2000, khi chính quyền thành phố cho phép phụ huynh chọn trường cho con mình, thay vì hướng dẫn họ cho con vào học trường gần nhà. Thế là các trường lao vào cạnh tranh để thu hút học sinh vốn đã ít ỏi do tỉ lệ sinh đẻ ở Nhật rất thấp.
Theo Tuổi Trẻ