Xã hội
   Đi tìm trường dạy trẻ tự kỷ
 

Nhu cầu gửi con được chẩn đoán là trẻ tự kỷ (TTK) hoặc có những dấu hiệu của TTK của các phụ huynh ngày càng tăng. Nhanh chóng nắm bắt nhu cầu bức thiết của nhiều bậc cha mẹ, không ít trường dạy TTK đã ra đời.

Chơi cùng trẻ tự kỷ tại BV Nhi T.Ư

Giáo viên: chuyện nan giải!
Không khó để tìm ra những địa điểm nhận dạy TTK được giới thiệu qua mạng với đủ hình thức: dạy tại nhà trẻ, dạy tại nhà giáo viên, tại trường MN..., thậm chí có cả nơi dạy TTK được giới thiệu là của công ty TNHH. Do nhu cầu quá lớn, những trường mầm non tư thục, nhóm trẻ gia đình nhanh chóng mở lớp dạy TTK với thủ tục khá đơn giản. Chính vì điều này mà việc tuyển dụng giáo viên của các trường dạy TTK cũng lộn xộn không kém. Từ một thông tin "lượm" được trên mạng: "Cần giáo viên dạy TTK, liên hệ số điện thoại 35561..." tôi đã liên hệ tìm việc. Sau khi hỏi qua loa: "Em có học sư phạm không? Có kinh nghiệm gì về dạy TTK không?"..., dù tôi đã nói rõ là chưa từng học sư phạm mầm non, đầu dây bên kia vẫn khuyến khích: "Em cứ đến xem thử có làm việc được với TTK hay không? Nếu có kinh nghiệm dạy TTK, mức lương 2,5 triệu/tháng, nếu chưa có kinh nghiệm hai triệu/tháng, tiền ăn trưa 15.000đ/ngày. Làm việc từ 7g sáng đến 17g mỗi ngày, từ thứ hai đến thứ bảy".

Tuy nhiên, khi ghé trường này - Trường mầm non tư thục N. (P.28, Q.Bình Thạnh) - do muốn tìm hiểu thực hư việc dạy TTK ra sao, tôi đã chuyển sang vai một phụ huynh có con bị tự kỷ. Tiếp chúng tôi là hiệu trưởng nhà trường, tên T. Sau một hồi thuyết giảng về bệnh tự kỷ ở trẻ, cô T. cho biết, học phí ở đây từ 5,5 triệu đến 6 triệu/tháng/bé với cam kết bé sẽ tiến bộ. "Nhưng thời gian không tính bằng tháng mà phải đo bằng năm. Phụ huynh nên lường trước để tính toán tài chính". Cô T. cũng giới thiệu, tất cả giáo viên của trường đều tốt nghiệp ĐH hoặc CĐSP ngành giáo dục đặc biệt (GDĐB), được tham gia những khóa huấn luyện để dạy và giúp TTK phát triển.

Dạo một vòng quanh trường N., chúng tôi thấy khoảng 30 học sinh từ 4 đến 14 tuổi đang nô đùa trong các phòng học được thiết kế đơn giản, mỗi phòng là một vài bàn học với dụng cụ chủ yếu là những khối màu, hình ảnh đồ vật, con vật, hai máy vi tính. Tại một phòng học ở tầng ba, trong phòng trải đầy những tấm nệm bọc simili nhiều màu, vài quả bóng nhựa, một chiếc xích đu nhỏ với gần 20 trẻ. Cô và trò ai làm việc nấy, một số trò đang tập bước chân trên đệm, tập bò. Số khác uể oải nửa nằm, nửa ngồi ở góc phòng... còn hai cô giáo thì đang mải... cạo gió cho nhau!

Tìm hiểu, chúng tôi được biết trường chỉ có hai giáo viên có kinh nghiệm chăm sóc TTK, vì hai cô có con là TTK. Số còn lại thì "tay ngang", giống như tôi.

Tại một nhóm trẻ khác ở P.27, Q.Bình Thạnh, dù mới được sửa sang, khuôn viên chăm sóc trẻ cũng chỉ vỏn vẹn ba phòng học, mỗi phòng khoảng 12m2, một phòng học tâm thức và vận động chưa tới 30m2. Cô C., người phụ trách nhóm trẻ giới thiệu cô đã tốt nghiệp ĐHSP ngành GDĐB và đã có thâm niên hơn ba năm dạy TTK. Người thành lập nhóm trẻ cũng là một phụ huynh có con bị tự kỷ. Học phí ở đây ở mức sáu triệu/tháng.

Theo cô C., trường hiện đang có sáu bé, một bé đã được can thiệp tốt, hoàn toàn bình thường và sẽ chuyển sang trường bình thường học vào đầu năm học tới(?!), trường sẽ giới hạn sĩ số tối đa trong 10 bé; các cô giáo ở trường đều tốt nghiệp ĐHSP ngành GDĐB hoặc SPMN và đều có kinh nghiệm dạy TTK. Tuy nhiên, khi đến lớp học vào buổi sáng thứ bảy, tôi chỉ nhìn thấy ba cô, ba trò. Thắc mắc của tôi nhanh chóng được giải đáp: "Hai cô hôm nay nghỉ vì đang làm luận án tốt nghiệp ĐH!". Thoáng thấy một cô giáo rất trẻ chạy theo một bé trai khoảng bốn, năm tuổi, tôi hỏi: "Cô giáo trẻ quá, chắc học sư phạm mầm non?". Cô C. xác nhận: "Em này mới vừa tốt nghiệp"

Bày tỏ ý định muốn hợp tác mở trường dạy TTK tại nhà để có điều kiện chăm sóc con thuận tiện hơn, tôi được cô C. cho biết: "Thủ tục, giấy tờ không không khó, chỉ khó ở chỗ tìm được đội ngũ giáo viên, bảo mẫu". Cũng theo cô C., khá nhiều phụ huynh có con bị tự kỷ đã tham khảo ý kiến cô về việc mở trường dạy TTK, nhưng không thực hiện được vì không tìm đâu ra giáo viên.

Lãng phí thời gian vàng
BS Phạm Quỳnh Diệp - Trưởng phòng khám Tâm thần trẻ em (BV Tâm Thần TP.HCM) cho biết: "Để xác định trẻ có phải là TTK hay không, cần phải có một quá trình theo dõi chứ không chỉ phỏng đoán. Ngay cả BS, nếu không đúng chuyên môn và chưa nhiều kinh nghiệm về TTK cũng có thể chẩn đoán sai. Một số chủ trường, nhóm trẻ do phụ huynh có con là TTK nên đã từng tham khảo rất nhiều tài liệu, có thể nói vanh vách về bệnh tình, không thua BS. Không ít phụ huynh đưa con đến BV Tâm thần để khám quá trễ. Họ bức xúc bởi đã từng rất tin tưởng những lời hứa hẹn của một số địa chỉ dạy TTK, nhưng thấy con học hoài không khá, tìm cách theo dõi, họ mới phát hiện con mình thường bị bỏ mặc, không được dạy dỗ gì hoặc nằm ngủ vùi một góc cả buổi".

Can thiệp sớm, đúng và đủ sẽ giúp trẻ phát triển tốt hơn

BS Hà Thị Kim Yến - Trưởng khoa Vật lý trị liệu (BV Nhi Đồng I, TP.HCM), người từng tham dự nhiều khóa huấn luyện chăm sóc và điều trị cho TTK ở một số nước tiên tiến cho biết thêm: Hầu hết tại các điểm nuôi dạy, chăm sóc TTK, trẻ được can thiệp dựa theo phương pháp của giáo viên GDĐB hoặc kinh nghiệm của chủ cơ sở vốn là phụ huynh cũng có con bị tự kỷ. Mặc dù hầu hết các trường đều khẳng định giáo viên của mình nếu không được đào tạo chuyên ngành GDĐB sẽ được tham gia những khóa huấn luyện chuyên môn. Thực tế, từ nhiều năm nay, BV Nhi Đồng I đã tổ chức những chương trình huấn luyện kỹ năng chăm sóc, can thiệp sớm cho TTK với học phí chỉ 600.000đ/tháng/người, nhưng chưa thấy có nơi nào đến đặt vấn đề huấn luyện cho nhân viên, giáo viên".

Theo BS Yến, điều trị cho TTK là một quá trình phối hợp gồm bác sĩ chuyên khoa thần kinh nhi, chuyên viên vật lý trị liệu, chuyên viên ngôn ngữ trị liệu, chuyên gia tâm lý và giáo viên ngành giáo dục chuyên biệt. Đây cũng là mô hình đang được áp dụng điều trị cho TTK ở tất cả các nước tiên tiến trên thế giới. Chắc chắn việc điều trị sẽ không đạt hiệu quả nếu thiếu một trong các chuyên viên trên.

Thế nhưng ở TP.HCM hiện nay, hầu hết những trường dạy TTK chỉ mới có vai trò của giáo viên GDĐB. Một số trường, trung tâm nuôi dạy TTK tuyển dụng thêm giáo viên sư phạm mầm non, ngành thể dục để giúp trẻ tập các bài tập tâm thức và vận động.

Bà Kim Yến khẳng định: "Cho đến nay, thế giới vẫn chưa tìm được phương pháp điều trị để TTK có thể trở thành một người hoàn toàn bình thường". Theo BS Phạm Quỳnh Diệp: "Trẻ được giới thiệu là đã khỏi bệnh tự kỷ có thể do trẻ đã được chẩn đoán sai. Tự kỷ là một dạng rối loạn tâm thần nặng. Hiện nay, những phương pháp can thiệp sớm, đúng và đủ mới chỉ có thể ngăn chặn những tiến triển xấu và nặng nề ở trẻ. TTK không phải là trẻ chậm phát triển trí tuệ, thậm chí trẻ có thể có những khả năng rất đặc biệt. Phụ huynh đừng quá quan tâm đến một số khả năng đặc biệt của trẻ để cho rằng trẻ đang được điều trị đúng hướng. Điều cần nhất đối với TTK là khả năng giao tiếp, thiết lập quan hệ và khả năng tự chăm sóc mình. Và chỉ có BS chuyên ngành và am hiểu về lĩnh vực TTK mới có thể đánh giá đúng thực trạng của trẻ, biết trẻ đang ở giai đoạn nào để điều phối trẻ đến với chuyên viên điều trị thích hợp trong từng giai đoạn".

Việc không hiểu đúng về bệnh của con mình, tự ý gửi con vào các trường dạy TTK với mong muốn con trở lại như bình thường là... điều không tưởng. Bởi, nếu gặp những giáo viên "tay ngang" thì xem như các bậc cha mẹ đang lãng phí mất "thời gian vàng" trong điều trị tự kỷ. Sự can thiệp sau này của các BS càng muộn càng khó khăn và tốn thời gian hơn.

Theo Tin Tức

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:


guest

một vài suy nghĩ cá nhân
Ngày gửi: 5/3/2010 2:01:38 PM

Xin chào các bạn.
Tôi chỉ là một người bình thường. Tôi cũng đã có gia đình và có một em bé. Rất may, bé của tôi vẫn bình thường, vì nó còn quá nhỏ, chưa biết liệu sau này có chuyện gì xảy ra hay không? Tôi cũng không dám chắc được. Phận làm cha mẹ, tôi cũng chỉ biết cố hết sức mình để con được phát triển tốt nhất trong khả năng của tôi. Lạy trời, nó đừng bị tự kỉ nhé!
Nói thực, tôi cũng không hiểu nhiều về trẻ tự kỉ lắm, cả về tâm lý cũng như các phương pháp giáo dục thế nào cho tốt, nhưng tôi rất thông cảm với những phụ huynh có con tự kỉ. Tôi cũng rất đau lòng trước những em bé không may đó. Và trẻ tự kỉ hiện nay, không chỉ là mối quan ngại của chỉ Việt Nam mà đã trở thành một vấn nạn đặt ra cho toàn thế giới. Vậy chúng ta cũng cần làm một việc gì đó để giúp đỡ những phụ huynh có con tự kỉ và còn để giúp chính những trẻ tự kỉ đó nữa! Nhưng tôi lại chưa biết mình có thể làm gì....
Tuy nhiên, khi đọc bài báo này, tôi thấy tác giả vẫn chưa nêu rõ ý kiến của mình (ý kiến khoa học) về trẻ tự kỉ như thế nào, phương pháp giáo dục, cách tiếp cận tâm lý ra làm sao hay phải làm gì để giúp những trẻ đó... Tôi không thấy điều đó. Vậy bài viết tập trung vào mục đích gì? Cái môi trường giáo dục lý tưởng đó hiện nay đã có chưa hay chỉ là trên lý thuyết? Tôi vẫn biết hiện cũng có nhiều trường được mở ra với nhiều mục đích khác nhau. Song không phải là tất cả. Hơn nữa, những lý lẽ trong bài viết trên chưa thỏa đáng. Tại sao lại chỉ là 2 trường, và chỉ ở Bình Thạnh? Tại sao chúng ta không tìm hiểu cho kĩ và chúng ta phải làm gì để họ tốt hơn nữa chứ? Đây là một hiện tượng xã hội. Xã hội cũng như các phương tiện truyền thông cần phải có trách nhiệm giúp đỡ chính những đứa con đẻ của mình. Vì báo chí sinh ra là nơi để lên tiếng bênh vực quyền lợi của con người. Báo chí cũng là cha, là mẹ cần phải lên tiếng bảo vệ chính những đứa con – những con người không may của chính xã hội đó.
Tôi rất mong, sau bài báo này, sẽ có nhiều tiếng nói hơn của tất cả chúng ta, để chúng ta có thể bênh vực, bảo vệ và che chở cho những người không được may mắn như chúng ta cũng như con em chúng ta.



guest
Chia sẻ những khó khăn khi dạy trẻ tự kỷ.
Ngày gửi: 5/3/2010 4:24:03 PM


Chúng tôi đã nhận được các ý kiến phản hồi từ giáo viên và phụ huynh đang có con bị tự kỷ. Qua đó phần nào hiểu được những khó khăn mà hàng ngày họ đang phải trải qua đồng thời thấy được tính xác thực của bài báo. Mời các bạn vào đường link: http://mamnon.com/forum/Threads.aspx?threadID=21707&categoryID=45 để cùng chia sẻ về vấn đề này.
Thân ái!




guest

Nước mắt và nụ cười
Ngày gửi: 5/4/2010 6:40:49 PM

Các bạn hãy vào đây và xem nhé!
http://www.youtube.com/watch?v=JdbQuZKZuEs (phan 1)
http://www.youtube.com/watch?v=9votpUwooq4 (phan 2 )



guest
Xã hội ơi, xin hãy đón nhận chúng tôi!
Ngày gửi: 5/24/2010 3:43:27 PM


THƯ MỜI


Kính mời toàn thể bác sĩ, nhà chuyên môn, giáo viên, sinh viên, phụ huynh trẻ tự kỷ và những người có quan tâm … đến tham dự Hội thảo chuyên đề “TRƯỜNG HỌC NÀO CHO TRẺ TỰ KỶ?” được DRD (Chương trình khuyết tật và phát triển) kết hợp với các Nhóm phụ huynh trẻ tự kỷ trên cả nước tổ chức tại Khách sạn Hoàng Đế, 117 Nguyễn Đình Chiểu, phường 6, quận 3, TP.HCM, ngày 5/6/2010, từ 8g00 đến 11g30.


Trân trọng.




guest

Trường mầm non đạt chuẩn quốc gia
Ngày gửi: 5/29/2010 9:14:11 AM

Tôi nghĩ có nên xem lại tiêu chuẩn của một trường mầm non đạt chuẩn quôc gia không? Điều kiện hay tiêu chuẩn để đạt chuẩn quốc gia đã bị chúng ta xem nhẹ quá có khi còn bỏ qua rất nhiều vấn đề thật sự quan trọng: môi trường, giáo viên, quản lý?...tất cả đều phải chuẩn. Phụ huynh khi gửi con cũng chỉ mong con mình được sống trong môi trường lành mạnh, đươc chăm sóc tận tình và được học nhiều điều tốt đẹp ở trường mầm non. Tôi lấy ví dụ cụ thể cho các bạn xem nhé: trường mầm non là môt trường đạt chuẩn quốc gia. Vậy mà bộ máy bên trong hoạt động thật là kém, kém từ trên xuống dưới. Tôi bắt đầu kể về một góc nhỏ của ngôi trường này, đó là bếp ăn của trường.những cô nấu bếp không có trình độ nấu nướng, vậy mà từ bao năm nay vẫn nấu ăn cho các cháu. Nhưng món ăn mà các cháu ăn hàng tháng vẫn được đánh giá là nấu ăn ngon, chế biến sạch sẽ. Thật không thể chịu nổi cách làm như vậy các bạn ạ. Trẻ em rất khôn miệng khi ăn uống nhưng đến lớp thì phải ăn hết suất mặc dù đồ ăn đó không ngon. Từ cách chế biên cho đến khâu vệ sinh đều mất an toàn thực phẩm. Thức ăn chế biến cho các lứa tuổi không phù hợp, những thứ gì bán ngoài thị trường rẻ nhất thì trường tiêu thụ cho các cháu ăn, từ bữa chính cho tới bữa phụ. Mọi người biết bữa ăn của giáo viên như thế nào không? Trẻ ăn gì cô giáo ăn thứ ấy, có hôm các cháu ăn cháo các cô ăn cơm không. Không có đồ ăn, tiền ăn hàng tháng các cô vẫn đóng đều, lúc hỏi đến thì nhận đươc câu trả lời rất vô trách nhiệm: chịu khó ăn như vậy một hôm. Tôi thấy không giáo viên ở đâu lại khổ đến vậy.không phải là một hôm mà là nhiều hôm.mặc dù chúng tôi là giáo viên thật đấy. Nhưng cường độ chúng tôi làm việc trong một buổi sáng thì khá là vất vả, cứ giáo viên mầm non thì vất vả như vậy đấy. Vậy mà bữa ăn trưa cũng không được đảm bảo thì tiếp tục làm việc như thế nào? Buổi trưa hiệu trưởng, hiệu phó về hết, chỉ có các giáo viên ở lớp thôi,ví dụ có chuyện gì xảy ra thì...!trường đạt chuẩn mà rèn trẻ cả năm không thuộc một bài thể dục sáng nào hết, đạt chuẩn mà các kỹ năng đơn giản nhất của trẻ cũng không được hình thành, trẻ không được tham gia đầy đủ các hoạt động trong ngày. Điều đáng nói nhất là trẻ không được tham gia chơi hoạt động góc, chất lượng giáo viên thì được đánh giá theo đồng tiền, tiền ai mạnh đi sếp nhiều thì người đó trong năm dù có mắc lỗi gì đến cuối năm tất cả các danh hiệu đều đạt, đều đươc biểu dương. Quay về đời sống thật không biết gì hết. Còn những giáo viên có năng lực thực sự thì không ai nhòm ngó tới, bỏ rơi vào quên lãng.


Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Một giáo viên mầm non bị phát hiện dán băng dính vào miệng trẻ (26/4)
 Trường MN Rạng Đông 6 công nhận Trường Mầm non đạt chuẩn Quốc gia (26/4)
 Dẹp “loạn” chạy vào lớp 1 (22/4)
 Bình Chánh, Cần Giờ: Sớm tháo gỡ những khó khăn (22/4)
 Dạy Internet cho trẻ em: Câu chuyện từ nước Mỹ (22/4)
 Học sinh mầm non phải học nhờ... trường tiểu học (22/4)
 Trường MN Sơn Ca 11 - Quận Phú Nhuận nhận Trường Mầm non đạt chuẩn Quốc gia (21/4)
 Hiệu trưởng... “thi tài” (21/4)
 Công ty Cổ phần Mạng trực tuyến Việt Sin - Mở rộng vòng tay nhân ái! (21/4)
 TP.HCM: chính thức bỏ “thi” tiếng Anh vào lớp 1 (21/4)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i