Nhu cầu gửi con được chẩn đoán là trẻ tự kỷ (TTK) hoặc có những dấu hiệu của TTK của các phụ huynh ngày càng tăng. Nhanh chóng nắm bắt nhu cầu bức thiết của nhiều bậc cha mẹ, không ít trường dạy TTK đã ra đời. Chơi cùng trẻ tự kỷ tại BV Nhi T.Ư Giáo viên: chuyện nan giải! Tuy nhiên, khi ghé trường này - Trường mầm non tư thục N. (P.28, Q.Bình Thạnh) - do muốn tìm hiểu thực hư việc dạy TTK ra sao, tôi đã chuyển sang vai một phụ huynh có con bị tự kỷ. Tiếp chúng tôi là hiệu trưởng nhà trường, tên T. Sau một hồi thuyết giảng về bệnh tự kỷ ở trẻ, cô T. cho biết, học phí ở đây từ 5,5 triệu đến 6 triệu/tháng/bé với cam kết bé sẽ tiến bộ. "Nhưng thời gian không tính bằng tháng mà phải đo bằng năm. Phụ huynh nên lường trước để tính toán tài chính". Cô T. cũng giới thiệu, tất cả giáo viên của trường đều tốt nghiệp ĐH hoặc CĐSP ngành giáo dục đặc biệt (GDĐB), được tham gia những khóa huấn luyện để dạy và giúp TTK phát triển. Dạo một vòng quanh trường N., chúng tôi thấy khoảng 30 học sinh từ 4 đến 14 tuổi đang nô đùa trong các phòng học được thiết kế đơn giản, mỗi phòng là một vài bàn học với dụng cụ chủ yếu là những khối màu, hình ảnh đồ vật, con vật, hai máy vi tính. Tại một phòng học ở tầng ba, trong phòng trải đầy những tấm nệm bọc simili nhiều màu, vài quả bóng nhựa, một chiếc xích đu nhỏ với gần 20 trẻ. Cô và trò ai làm việc nấy, một số trò đang tập bước chân trên đệm, tập bò. Số khác uể oải nửa nằm, nửa ngồi ở góc phòng... còn hai cô giáo thì đang mải... cạo gió cho nhau! Tìm hiểu, chúng tôi được biết trường chỉ có hai giáo viên có kinh nghiệm chăm sóc TTK, vì hai cô có con là TTK. Số còn lại thì "tay ngang", giống như tôi. Tại một nhóm trẻ khác ở P.27, Q.Bình Thạnh, dù mới được sửa sang, khuôn viên chăm sóc trẻ cũng chỉ vỏn vẹn ba phòng học, mỗi phòng khoảng 12m2, một phòng học tâm thức và vận động chưa tới 30m2. Cô C., người phụ trách nhóm trẻ giới thiệu cô đã tốt nghiệp ĐHSP ngành GDĐB và đã có thâm niên hơn ba năm dạy TTK. Người thành lập nhóm trẻ cũng là một phụ huynh có con bị tự kỷ. Học phí ở đây ở mức sáu triệu/tháng. Theo cô C., trường hiện đang có sáu bé, một bé đã được can thiệp tốt, hoàn toàn bình thường và sẽ chuyển sang trường bình thường học vào đầu năm học tới(?!), trường sẽ giới hạn sĩ số tối đa trong 10 bé; các cô giáo ở trường đều tốt nghiệp ĐHSP ngành GDĐB hoặc SPMN và đều có kinh nghiệm dạy TTK. Tuy nhiên, khi đến lớp học vào buổi sáng thứ bảy, tôi chỉ nhìn thấy ba cô, ba trò. Thắc mắc của tôi nhanh chóng được giải đáp: "Hai cô hôm nay nghỉ vì đang làm luận án tốt nghiệp ĐH!". Thoáng thấy một cô giáo rất trẻ chạy theo một bé trai khoảng bốn, năm tuổi, tôi hỏi: "Cô giáo trẻ quá, chắc học sư phạm mầm non?". Cô C. xác nhận: "Em này mới vừa tốt nghiệp" Bày tỏ ý định muốn hợp tác mở trường dạy TTK tại nhà để có điều kiện chăm sóc con thuận tiện hơn, tôi được cô C. cho biết: "Thủ tục, giấy tờ không không khó, chỉ khó ở chỗ tìm được đội ngũ giáo viên, bảo mẫu". Cũng theo cô C., khá nhiều phụ huynh có con bị tự kỷ đã tham khảo ý kiến cô về việc mở trường dạy TTK, nhưng không thực hiện được vì không tìm đâu ra giáo viên. Lãng phí thời gian vàng Can thiệp sớm, đúng và đủ sẽ giúp trẻ phát triển tốt hơn BS Hà Thị Kim Yến - Trưởng khoa Vật lý trị liệu (BV Nhi Đồng I, TP.HCM), người từng tham dự nhiều khóa huấn luyện chăm sóc và điều trị cho TTK ở một số nước tiên tiến cho biết thêm: Hầu hết tại các điểm nuôi dạy, chăm sóc TTK, trẻ được can thiệp dựa theo phương pháp của giáo viên GDĐB hoặc kinh nghiệm của chủ cơ sở vốn là phụ huynh cũng có con bị tự kỷ. Mặc dù hầu hết các trường đều khẳng định giáo viên của mình nếu không được đào tạo chuyên ngành GDĐB sẽ được tham gia những khóa huấn luyện chuyên môn. Thực tế, từ nhiều năm nay, BV Nhi Đồng I đã tổ chức những chương trình huấn luyện kỹ năng chăm sóc, can thiệp sớm cho TTK với học phí chỉ 600.000đ/tháng/người, nhưng chưa thấy có nơi nào đến đặt vấn đề huấn luyện cho nhân viên, giáo viên". Theo BS Yến, điều trị cho TTK là một quá trình phối hợp gồm bác sĩ chuyên khoa thần kinh nhi, chuyên viên vật lý trị liệu, chuyên viên ngôn ngữ trị liệu, chuyên gia tâm lý và giáo viên ngành giáo dục chuyên biệt. Đây cũng là mô hình đang được áp dụng điều trị cho TTK ở tất cả các nước tiên tiến trên thế giới. Chắc chắn việc điều trị sẽ không đạt hiệu quả nếu thiếu một trong các chuyên viên trên. Thế nhưng ở TP.HCM hiện nay, hầu hết những trường dạy TTK chỉ mới có vai trò của giáo viên GDĐB. Một số trường, trung tâm nuôi dạy TTK tuyển dụng thêm giáo viên sư phạm mầm non, ngành thể dục để giúp trẻ tập các bài tập tâm thức và vận động. Bà Kim Yến khẳng định: "Cho đến nay, thế giới vẫn chưa tìm được phương pháp điều trị để TTK có thể trở thành một người hoàn toàn bình thường". Theo BS Phạm Quỳnh Diệp: "Trẻ được giới thiệu là đã khỏi bệnh tự kỷ có thể do trẻ đã được chẩn đoán sai. Tự kỷ là một dạng rối loạn tâm thần nặng. Hiện nay, những phương pháp can thiệp sớm, đúng và đủ mới chỉ có thể ngăn chặn những tiến triển xấu và nặng nề ở trẻ. TTK không phải là trẻ chậm phát triển trí tuệ, thậm chí trẻ có thể có những khả năng rất đặc biệt. Phụ huynh đừng quá quan tâm đến một số khả năng đặc biệt của trẻ để cho rằng trẻ đang được điều trị đúng hướng. Điều cần nhất đối với TTK là khả năng giao tiếp, thiết lập quan hệ và khả năng tự chăm sóc mình. Và chỉ có BS chuyên ngành và am hiểu về lĩnh vực TTK mới có thể đánh giá đúng thực trạng của trẻ, biết trẻ đang ở giai đoạn nào để điều phối trẻ đến với chuyên viên điều trị thích hợp trong từng giai đoạn". Việc không hiểu đúng về bệnh của con mình, tự ý gửi con vào các trường dạy TTK với mong muốn con trở lại như bình thường là... điều không tưởng. Bởi, nếu gặp những giáo viên "tay ngang" thì xem như các bậc cha mẹ đang lãng phí mất "thời gian vàng" trong điều trị tự kỷ. Sự can thiệp sau này của các BS càng muộn càng khó khăn và tốn thời gian hơn. Theo Tin Tức |