|
Bà Trần Thị Ngọc Anh, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP cùng đoàn giám sát thăm cơ sở vật chất tại một trường học ở huyện Bình Chánh. Ảnh: D.B |
"Ban Văn hóa - Xã hội, Hội đồng Nhân dân (HĐND) TP.HCM sẽ có các kiến nghị để xây dựng trường lớp, nâng cao chất lượng giáo dục, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho giáo viên...". Đó là phát biểu của bà Trần Thị Ngọc Anh, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM trong buổi khảo sát và giám sát của đoàn đại biểu HĐND TP.HCM tại huyện Bình Chánh và Cần Giờ mới đây.
Bình Chánh: Thiếu trường mầm non
Ông Trần Trọng Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh cho biết: "Để đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân, huyện đã chủ động đề ra các kế hoạch, tập trung thực hiện nâng cấp, mở rộng và xây mới các công trình trường học".
Theo báo cáo của Ban quản lý đầu tư và xây dựng công trình huyện, cơ sở vật chất trường lớp được huyện thường xuyên sửa chữa với ngân sách hàng năm lên đến 5 tỷ đồng. Đồng thời, nhằm tăng cường thiết bị hỗ trợ cho công tác đổi mới phương pháp giảng dạy, đổi mới quản lý các trường công lập, UBND huyện đã chọn năm 2009 là năm trang thiết bị trường học và ban hành quyết định phê duyệt dự toán mua sắm trang thiết bị trường học trong năm 2009 với tổng chi phí hơn 6 tỷ đồng. Đến nay, huyện đã thực hiện xong gói thầu thứ nhất về trang thiết bị bàn ghế cho các trường với hơn 1,8 tỷ đồng.
Trong những năm qua, cơ sở vật chất trường học ở huyện Bình Chánh đã từng bước được cải thiện, tuy nhiên, do là huyện ngoại thành, vẫn còn nhiều hộ gia đình nghèo nên chính sách phát triển giáo dục của huyện gặp khá nhiều trắc trở.
Huyện Bình Chánh hiện có 16 xã nhưng chỉ mới xây dựng 10 trường mầm non và 6 trường mẫu giáo. Như vậy, 6 xã sẽ thiếu trường mầm non và 10 xã không có trường mẫu giáo. Do đó, việc gửi trẻ đến trường của các bậc phụ huynh trở nên rất khó khăn. Ông Trần Trọng Tuấn cho biết, trong năm 2010 này, thêm 3 xã trong huyện sẽ có trường mầm non (nhận các trẻ 36 tháng tuổi trở lên).
Ông Nguyễn Minh Châu, Trưởng phòng GD-ĐT chia sẻ: "Cũng giống như các quận ngoại thành khác, hiện trên địa bàn huyện thường xuyên có dân nhập cư, dân số ngày càng tăng nên sĩ số HS trong một lớp khá đông, đặc biệt là HS tiểu học và mẫu giáo". Cũng chính vì những lý do này mà trong mấy năm gần đây, việc dạy và học hai buổi/ ngày của các trường trên địa bàn huyện không đồng đều, cụ thể là bậc tiểu học có 22/26 trường, bậc trung học có 11/17 trường (dạy 2 buổi/ ngày).
Với tình hình vẫn còn nhiều khó khăn về mạng lưới trường học, ông Trần Trọng Tuấn cho biết: "Chúng ta cần phải đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng xã hội, đặc biệt là trường học nhiều hơn nữa".
Cần Giờ: Giáo viên thiếu, học sinh bỏ học nhiều
Báo cáo với đoàn đại biểu HĐND TP.HCM, thầy Lê Hữu Hân, Hiệu trưởng Trường THPT Cần Thạnh cho biết năm nào trường cũng thiếu giáo viên. Đặc biệt, các môn tin học, kỹ thuật công nghiệp phải thuê giáo viên THCS thỉnh giảng, giáo viên bộ môn sử được chuyển sang dạy môn giáo dục công dân... Ông Đoàn Văn Thanh, Phó chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cho hay: "Tình trạng thiếu giáo viên là vậy nhưng được biết sắp tới sẽ chuyển một số giáo viên có kinh nghiệm của hai trường THPT Bình Khánh và THPT Cần Thạnh sang Trường THPT An Nghĩa (sắp đi vào hoạt động - PV) sẽ thêm một gánh nặng lớn cho hai trường nói trên". Không những thế, một số bộ môn do thiếu giáo viên, các trường phải thỉnh giảng cả giáo viên THCS để dạy, như môn tin học ở Trường THPT Cần Thạnh là một ví dụ.
Trường THPT Cần Thạnh có 20 lớp với tổng số 904 học sinh. Trong năm học này, trường có đến 72 em bỏ học, trong đó học sinh hộ nghèo là 33 em, hộ cận nghèo là 4 em và học sinh cá biệt là 35 em.
Trước tình hình HS bỏ học nhiều, bà Trần Thị Ngọc Anh, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP.HCM đề nghị UBND huyện, Phòng GD-ĐT cần có biện pháp hỗ trợ nhà trường mở phòng tư vấn tâm lý để nắm bắt và có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Bên cạnh đó, giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm cần quan tâm hơn nữa đến các em, tổ chức phụ đạo HS yếu... HĐND sẽ bàn bạc và sớm tháo gỡ những khó khăn mà Trường THPT Cần Thạnh gặp phải để nâng cao chất lượng dạy và học tương xứng với các trường trên địa bàn thành phố.
Ông Nguyễn Văn Minh, Phó trưởng ban Văn hóa Xã hội HĐND TP.HCM cho biết, để giải quyết khó khăn của nhà trường, HĐND TP sẽ sớm bàn với Sở Nội vụ giải quyết việc thiếu giáo viên, phối hợp với địa phương sử dụng nguồn nhân lực tại chỗ, chuyển giáo viên cốt cán từ hai trường THPT Cần Thạnh và THPT Bình Khánh sang Trường THPT An Nghĩa là cần thiết nhưng không để xảy ra tình trạng thiếu giáo viên tại hai trường cũ.
Theo Báo Giáo Dục