"Ngay từ bây giờ, PHHS đã cho con đi học luyện thi tăng cường tiếng Anh (TCTA). Việc dạy thêm - học thêm cho trẻ nhỏ chưa bắt đầu vào lớp 1 đã "nhen nhóm" trong xã hội.
Một cơ chế giải quyết triệt để nhất vấn đề trên là không khảo sát TCTA ngay từ đầu năm mà xét tuyển trong học kỳ II" - TS Huỳnh Công Minh - Giám đốc Sở GD- ĐT TP.HCM đã khẳng định như thế về chương trình TCTA năm học 2010 - 2011 tại Hội nghị triển khai kế hoạch tuyển sinh đầu cấp vào ngày 21/4/2010.
Thông tin mới về bỏ thi đầu vào TCTA lớp 1 chưa đến "tai" PHHS nên một lớp
học luyện thi TCTA vẫn rất nghiêm túc - Ảnh: Trần Huy
Cách giải quyết trên thật sự là một tin mừng vì chấm dứt ngay được tình trạng trẻ chưa đến trường đã phải học thêm. Như lời ông Huỳnh Công Minh, hãy để trẻ vào lớp 1 như "tờ giấy trắng". Do vậy, thay vì chỉ quyết định trong vài phút việc trẻ đậu hoặc rớt, hãy để trẻ trải qua một học kỳ. Nếu trẻ thể hiện khả năng nổi trội, GV sẽ bàn với PHHS xem em nào có khả năng sẽ xét tuyển vào lớp TCTA vào đầu học kỳ 2.
"Những năm trước đây, khảo sát TCTA được về mặt quản lý nhưng không được về mặt xã hội", ông Huỳnh Công Minh thẳng thắn. Chủ trương của ngành GD-ĐT TP.HCM là: Nếu HS có khả năng học, cần ủng hộ và như vậy, số lớp TCTA không bị giới hạn. Ngành GD-ĐT tạo điều kiện tối đa cho trẻ học cũng như đáp ứng nhu cầu của PHHS. Nhưng đến đây, câu hỏi đặt ra là các trường tiểu học sẽ giải quyết thế nào khi nhu cầu muốn cho con học TCTA cao hơn khả năng thu nhận của trường? Mỗi năm học, mỗi trường chỉ có thể mở hai lớp TCTA vì sĩ số ít 35 HS/lớp, lại phải học cả ngày ở trường, rất "hao" phòng. Vì thế ở những trường quá tải HS tại các quận Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp, Bình Tân... chỉ có các lớp TCTA được ưu tiên cơ sở vật chất. Nay, với chủ trương không giới hạn số lớp, các trường sẽ lúng túng và có thể bị PHHS "kiện" nếu con em họ đủ khả năng mà không được học. Rồi giáo viên (GV) cho TCTA - vốn có số lượng "bấp bênh" - chắc chắn sẽ không đáp ứng được trước hiện tượng "bùng nổ" các lớp TCTA. Mặt khác, việc xét chọn xem HS nào được chọn, HS nào không sẽ như thế nào? Lãnh đạo Sở GD-ĐT hứa: "Việc xét tuyển TCTA sẽ do hội đồng xét tuyển, hiệu trưởng, thanh tra giám sát nên sẽ hạn chế được cảm tính của GV".
Tuy nhiên, hiện ngành GD-ĐT vẫn chưa công bố tiêu chí xét tuyển nên PHHS và cả nhà trường cũng khó hình dung sự công bằng, khách quan đó sẽ như thế nào. Một hiệu trưởng tiểu học Q.Gò Vấp nói: "Ngành GD-ĐT đã bỏ rắc rối này để rước một rắc rối khác".
Có vẻ như nhận định trên hơi bi quan, song tâm trạng mơ hồ với những thay đổi của chương trình TCTA là rất rõ. Chỉ mong việc cải cách đầu vào TCTA phải thật sự triệt để, từ khâu xây dựng tiêu chí xét tuyển, đến việc đảm bảo được cơ sở vật chất cũng như GV cho chương trình. Đừng để áp lực vào TCTA giảm ở "hiện tượng" nhưng "bản chất" vẫn là "rượu cũ".
Theo PN