Ngày 26/3, Phó Giám đốc Trung tâm dinh dưỡng Thành phố Hồ Chí Minh Đỗ Thị Ngọc Diệp cho biết, hiện nay, thành phố có 10% học sinh tiểu học bị béo phì, tỷ lệ thừa cân lên đến 17%.
Học sinh bị béo phì do thường xuyên dùng thức ăn nhanh, nước giải khát có ga, thực phẩm chứa nhiều đường và chất béo. (Ảnh chỉ có tính minh họa. Nguồn: internet)
Đây là con số báo động về tình trạng rối loạn dinh dưỡng ở trẻ, do trẻ thường xuyên dùng thức ăn nhanh, nước giải khát có ga, thực phẩm chứa nhiều đường và chất béo.
Tại các trường học cũng chưa có chế độ ăn riêng cho trẻ thừa cân, béo phì. Ngoài ra, ngày càng nhiều trẻ có thói quen giải trí là chơi game, xem truyền hình, ít vận động và tham gia các môn thể thao.
Hậu quả của thừa cân, béo phì là làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính không lây như đái tháo đường, tim mạch, ung thư; làm ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất và tinh thần của trẻ.
Năm 2010, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ ưu tiên thực hiện các biện pháp can thiệp để giảm tình trạng béo phì ở trẻ em, đặc biệt chú trọng can thiệp từ lứa tuổi tiểu học vì đây là giai đoạn trẻ đủ lớn để tiếp thu các kiến thức truyền thông.
Trung tâm dinh dưỡng Thành phố Hồ Chí Minh sẽ phối hợp với các trường để truyền thông về dinh dưỡng cho giáo viên, học sinh và phụ huynh; thiết kế những trò chơi vận động và trang bị các dụng cụ thể dục thể thao cho các trường học.
Ngoài ra, trung tâm còn tổ chức hướng dẫn các đơn vị cung cấp suất ăn cho học sinh điều chỉnh cấu trúc bữa ăn, tránh lạm dụng đường và các chất béo./.
(Theo Vietnam+)