Lấy học sinh làm trung tâm là nội dung của phương pháp giáo dục tiểu học mới đang được áp dụng ở nhiều trường tiểu học trong cả nước.
Với sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), tỉnh Bắc Giang đã thí điểm dự án này cách đây 3 năm (2004 - 2007) và Trường tiểu học Tân Mỹ (xã Tân Mỹ, huyện Yên Dũng) là một trong những trường được tỉnh Bắc Giang chọn để đưa phương pháp giáo dục mới này vào áp dụng ngay sau thời gian thí điểm kết thúc (từ năm học 2007- 2008).
Bà Hoàng Thị Minh, Hiệu trưởng TH Tân Mỹ cho biết, kể từ khi áp dụng dự án này thì giáo viên trong trường có thay đổi hẳn về suy nghĩ trong cách giảng dạy. Đặc biệt là tính tự giác trong công việc, thoát ly khỏi sách giáo khoa. "Thay vì phụ thuộc vào sách giáo khoa là bây giờ giáo viên "phụ thuộc" vào học sinh. Trong quá trình giảng dạy, lấy học sinh làm trọng tâm, khơi nguồn kiến thức từ chính bản thân các em. Giáo viên không còn mắng mỏ học sinh, thay vào đó là tìm ra nguyên nhân của vấn đề và giải quyết nó một cách hợp lý", bà Minh phân tích.
Học sinh được coi là trọng tâm - phương pháp giáo dục tiểu học mới đang được áp dụng.
(Ảnh: T.N.Linh)
Một ưu điểm của phương pháp dạy học mới này đó là các trường tiểu học có thể giao lưu trao đổi với nhiều nền giáo dục trong và ngoài khu vực (Nhật Bản, Hàn Quốc, Sinhgapo...). Từ sự hỗ trợ của JICA, các giáo viên tình nguyện trẻ của Nhật Bản đã có mặt tại các trường tiểu học ở Bắc Giang để cùng các giáo viên thay đổi phương pháp giảng dạy.
Bà Michiko - giáo viên tình nguyện tại TH Tân Mỹ từ năm học 2008 - 2009 cho biết: "Giáo dục Việt Nam và Nhật Bản không khác nhau hoàn toàn nhưng cũng có những nét riêng. Giáo viên Nhật luôn bận rộn nhưng họ vẫn luôn vui vẻ và hài hước trong mỗi giờ dạy tạo nên không khi học tập khá sôi nổi. Còn ở Việt Nam, tôi thấy có sự nghiêm khắc trong tất cả các giờ giảng".
Theo Báo Đất Việt