|
Học sinh phải được học tập với những bàn ghế phù hợp. Ảnh: Hải Linh |
Theo số liệu mới nhất của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, tỷ lệ học sinh bị cận thị là 26,14% và gia tăng theo cấp học.
Cũng như vậy, kết quả "Nghiên cứu về bệnh cong vẹo cột sống (CVCS) ở học sinh phổ thông Hà Nội - thực trạng và giải pháp can thiệp" của TS.BS Trần Thị Mùi (Viện Nghiên cứu Dân số và Phát triển, Tổng cục Dân số) thì tỷ lệ mắc CVCS ở học sinh Hà Nội được nghiên cứu (tại 4 quận, huyện Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Sóc Sơn, Gia Lâm) là 18,9%.
Bệnh học đường gia tăng theo cấp học
Bác sĩ Trịnh Thị Bích Ngọc, Phó giám đốc BV Mắt Hà Nội cho biết: Năm 2009, bệnh viện đã tổ chức khảo sát tình trạng mắt học sinh trên 16.000 học sinh tiểu học, THCS, THPT, tỷ lệ học sinh cận thị ở bậc tiểu học là 20%, THCS 30% và cao nhất là bậc THPT chiếm trên 50%. Các yếu tố ảnh hưởng đến mắt của học sinh có nhiều, nhưng hai yếu tố nguy cơ chủ yếu gây CVCS là tư thế ngồi sai và bàn ghế không phù hợp với tầm vóc học sinh.
Giám đốc Công ty cổ phần Thiết bị trường học Việt Nam Lê Anh Dũng, người đã dành gần 20 năm đi tìm giải pháp công nghệ để học sinh được học tập với bàn ghế phù hợp, thì các tiêu chuẩn về bàn ghế học sinh mới tập trung giải quyết về mặt thông số, kích thước. Mặc dù chỉ là những tiêu chuẩn rất giản đơn nhưng trên thực tế chúng cũng không được tuân thủ đầy đủ. Khảo sát của đề tài cho thấy, đa số bàn ghế trong các trường được tìm hiểu không đạt các kích thước chức năng theo tiêu chuẩn TCVN 7490:2005 và chưa bố trí được như TCVN 7491:2005 yêu cầu. Ông Dũng khẳng định: Hiện nay, cấu trúc của bàn liền ghế không phù hợp với chương trình đổi mới trong giáo dục, là dạy học tích cực, tăng cường học nhóm và tự học, phát huy tính chủ động cá nhân. Do bàn ghế liền nên độ xa gần không điều chỉnh được... Thực tế nghiên cứu tại trường Tiểu học Tây Mỗ (huyện Từ Liêm) cho thấy: Khi để mặt bàn phẳng học sinh ngồi gục đầu nhiều hơn, nhưng khi điều chỉnh mặt bàn nghiêng học sinh ngồi ngay ngắn hơn. Mặt bàn phẳng cũng là một trong những nguy cơ dẫn đến cổ sống c5 và c6 bị chèn ép, làm tổn thương dây thần kinh điều khiển hệ vận động, làm rối loạn chức năng vận động của tim, phổi, mắt và một số bộ phận khác...
Giải pháp nào để hạn chế bệnh học đường
Thầy Vũ Trọng Khang, Hiệu trưởng trường THCS Kim Giang (quận Thanh Xuân) cho rằng, nguyên nhân gây tỷ lệ học sinh bị cận thị, CVCS không chỉ như theo suy nghĩ của các bậc cha mẹ học sinh là do chương trình học quá tải, học sinh phải học nhiều mà còn phải tính đến chuẩn bàn ghế phù hợp với các em. Với học sinh bán trú, bàn ghế vừa để học nhưng cũng vừa để làm giường ngủ trưa. Cần phải nghiên cứu để sản xuất những bộ bàn ghế "hai trong một" vừa đảm bảo tư thế ngồi hợp lý vừa phòng tránh mệt mỏi, từ đó có hiệu suất cao trong học tập.
Ông Phạm Ngọc Phương, Phó Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học - đồ chơi trẻ em, Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ đang phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Y tế đưa ra chuẩn về thiết kế phòng học, bàn ghế, bảng viết, ánh sáng... Tuy nhiên, một số chuẩn khi đưa vào áp dụng thực tế chưa phù hợp. Tiêu chuẩn bàn ghế bất cập ở chỗ chưa có quy định bàn ghế cho từng nhóm tuổi học sinh, đặc biệt là quy định chuẩn bàn ghế theo thể trạng học sinh. Hiện tại, phần lớn các trường tiểu học vẫn đang sử dụng chung một loại bàn ghế cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 5, thậm chí là dùng chung cho cả học sinh tiểu học và THCS.
Hiện nay, cũng không thể phủ nhận thực tế là do học sinh quá đông (nhất là ở các trường có uy tín), thời gian học dày đặc nên giáo viên không thể uốn nắn được tư thế ngồi học chuẩn cho từng học sinh. Bên cạnh đó, khi trẻ ở nhà, nhiều phụ huynh cũng chưa quan tâm đến tư thế ngồi học, hay đọc sách, xem tivi của con cũng là tạo cơ hội cho các tật khúc xạ, CVCS tăng nhanh. Vì thế, để rèn thói quen có một tư thế ngồi học đúng là điều không mấy dễ dàng. Hiệu trưởng trường Tiểu học Kim Liên - bà Phan Lan Phương cho rằng, tình hình mắc các tật khúc xạ đã được cải thiện. Học sinh đã có thói quen ngồi thẳng lưng, cao đầu khi viết. Tuy nhiên, các trường cũng phải cân nhắc đến yếu tố kinh phí khi muốn trang bị đại trà sản phẩm này trong nhà trường.
Theo KTDT