|
Giáo dục kỹ năng sống từ những việc nhỏ nhất |
Việc Bộ GD-ĐT đang gấp rút đưa môn kỹ năng sống lồng ghép vào chương trình giáo dục hiện hành là điều vô cùng cần thiết. Thực hiện việc làm này thật sự không đơn giản, không chỉ riêng ngành giáo dục làm mà cần cái bắt tay từ nhiều phía.
Rõ ràng, việc dạy chữ thuộc về ngành giáo dục nhưng để dạy làm người, trở thành người có ích cho xã hội thì trách nhiệm không chỉ riêng của ngành giáo dục mà còn có cả gia đình và xã hội.Tầm quan trọng của giáo dục kỹ năng sống chắc hẳn ai cũng biết, song giáo dục như thế nào, bắt đầu từ đâu thì không phải ai cũng hiểu. Trong xã hội hiện đại, ngoài kiến thức tiếp thu được từ nhà trường, mỗi con người cần phải có những kỹ năng cần thiết để hoàn thiện mình.
Chương trình giáo dục kỹ năng sống phải được biên soạn phù hợp với lứa tuổi, từng bậc học cụ thể, ngay cả phải thích hợp với văn hóa, phong tục tập quán của từng vùng miền. Đội ngũ biên soạn phải được chọn lọc và thành lập một hội đồng bao gồm các nhà sư phạm, tâm lý học... Nội dung chương trình phải sát với đời sống thực tế mà các em ngày ngày va chạm, chứ không phải chỉ là những kinh nghiệm của người đi trước hoặc những lời nói suông, thiếu thực tế.
Giáo dục kỹ năng sống bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, gần gũi với cuộc sống hàng ngày để tạo cho trẻ một thói quen với những câu từ đơn giản, dễ hiểu, phù hợp với tâm lý lứa tuổi của từng bậc học. Giáo dục kỹ năng sống tuyệt đối không được áp đặt suy nghĩ chủ quan của người lớn. Không ít thầy cô giáo, các bậc phụ huynh thẳng thắn phê bình khi các em làm điều chưa tốt mà không tìm hiểu cặn kẽ nguyên nhân dẫn đến việc trẻ làm sai. Dorothy Holte chuyên gia tâm lý học người Nga đã nói: "Nếu trẻ sống với sự phê bình, thì trẻ sẽ học cách chỉ trích". Vì vậy, chương trình giáo dục kỹ năng sống phải làm sao xóa bỏ tư tưởng này.
Sự quan trọng của giáo dục kỹ năng sống là thế nhưng lâu nay trong trường học chỉ dừng lại ở các tiết học đạo đức, giáo dục công dân. Đáp ứng yêu cầu phát triển và từ thực tế xã hội, nhiều công ty có chức năng giáo dục kỹ năng sống với những khóa học ngắn hạn thu hút rất đông người học. Nhưng điều đáng bàn là hiện nay, mỗi nơi dạy kỹ năng sống theo mỗi kiểu khác nhau tùy vào giáo viên. Vì vậy, Bộ GD-ĐT cần nhanh chóng biên soạn một bộ chương trình chuẩn về giáo dục kỹ năng sống để các trường, các cơ sở giáo dục căn cứ vào đó giảng dạy. Người trực tiếp giảng dạy kỹ năng sống phải có kiến thức chuyên môn, am hiểu tận tường tâm sinh lý của người học để có cách dạy hiệu quả. Các tổ chức xã hội, đoàn thể phải thường xuyên nêu gương điển hình người tốt việc tốt để các em noi theo. Bên cạnh đó cần phối hợp chặt chẽ với nhà trường, gia đình để làm tốt hơn nữa công tác giáo dục kỹ năng sống.
Hiện nay, khi giáo dục kỹ năng sống chưa chính thức đưa vào chương trình học thì một khóa học ngắn hạn về giáo dục kỹ năng sống có mức học phí lên đến vài triệu đồng. Với mức học phí cao ngất ngưởng như thế nhưng người học chỉ được học những kỹ năng như thuyết trình, làm MC... Những kỹ năng này chưa thật sự đáp ứng yêu cầu thực tế mà xã hội cần. Việc thanh tra, rà soát cách tổ chức giảng dạy, mức thu học phí và nội dung chương trình rất cần các cơ quan chức năng vào cuộc.
Dương Minh Trường
(SV Khoa Tâm lý học, ĐH Văn Hiến)
"Trong thời gian qua, các tổ chức đoàn, các đơn vị trường học ở một số thành phố lớn cũng đã chú trọng đến việc giáo dục kỹ năng sống. Tuy nhiên, chương trình này chỉ dừng lại ở các hoạt động vui chơi ngoại khóa, các ngày lễ hội... Tất cả các hoạt động trên chỉ là một sự khởi đầu bởi kỹ năng sống là vô hạn. Ngay ở lứa tuổi mầm non, trẻ đã đang hình thành hành vi cá nhân, chính vì vậy giáo dục kỹ năng sống một cách khoa học ở lứa tuổi này sẽ giúp các em trong việc định hình những hành vi tốt đẹp và mang lại hiệu ứng của xã hội". Chuyên gia tâm lý Lý Thị Mai khẳng định.
Theo Báo Giáo Dục