Nhìn con xịu mặt, chờ mãi nhưng vẫn chưa đến lượt chơi đu quay, dù hai mẹ con đến từ rất sớm mà mẹ thương quá đỗi.
Có lẽ con luôn ý thức từ lời dạy bảo của mẹ "phải tôn trọng, chia sẻ, nhường nhịn mọi người chung quanh", dù đôi lúc việc chia sẻ, nhường nhịn ấy dường như không công bằng đối với con. Để con được gọi là một đứa trẻ ngoan, vô tình mẹ đã dạy con đặt bản thân mình dưới tận cùng của mọi sự ưu tiên, chấp nhận sự sắp đặt của người khác.
Và, mẹ thật sự lo lắng khi phát hiện vết bầm ở chân con sau một ngày đi học. Gặng hỏi mãi, con mới trả lời là do: "Bạn đá vào chân khi đang xếp hàng uống nước, bạn đứng sau nhưng muốn được uống trước!". Đúng là bạn vô lý thật nhưng điều mẹ quan tâm chính là thái độ của con khi tiếp nhận sự việc. "Thế con có méc cô không?", "Bạn nói con không được méc. Với lại, bạn đó bự con và hung dữ lắm, hay đá các bạn khác nữa nên con nhường bạn luôn cho xong!".
Lý do con nhường bạn là e ngại lời đe dọa, chứ không phải là thái độ tôn trọng hay nhường nhịn. Đó là thái độ chấp nhận nhún nhường trước bất công. Có thể mẹ chỉ chăm chăm dạy con tạo hành vi tốt bên ngoài mà chưa giải thích cho con phân biệt rõ giữa "nhường nhịn" khác với "nhún nhường" như thế nào. Mẹ cũng thấy được sự tức tối kìm nén của con khi kể lại câu chuyện và mẹ nhận ra rằng, khi phải nhường nhịn (kể cả nhún nhường) quá nhiều, vô tình con hình thành thói quen miễn cưỡng chấp nhận, đè nén cảm xúc, không phản kháng trước sự vô lý xảy ra trước mắt mình.
Biết quan tâm, hòa đồng, chia sẻ với người khác là quan trọng, nhưng quý trọng bản thân mình cũng là điều đáng trân trọng không kém. Chính vì biết quý trọng bản thân, con mới ý thức được đâu là sự nhường nhịn đúng mực để không chấp nhận nhún nhường trước sự vô lý, bất công. Mẹ tin chắc rằng, một khi đã nhận thức rõ bản chất vấn đề, con sẽ có cách ứng xử phù hợp, con nhé!
Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Theo PNO