Xã hội
   Khổ như… học sinh lớp 1!
 

Minh họa: Dad
Hầu hết phụ huynh có con vào lớp 1 đều than các cháu học vất vả quá. Trong khi đó người dạy thì đổ lỗi cho chương trình, còn người thiết kế chương trình lại đổ lỗi cho... cách dạy.

Chưa học trước thì phải học thêm
Lịch của một trẻ lớp 1 bắt đầu từ 6 giờ sáng, thức dậy làm vệ sinh cá nhân, ăn sáng và vội vã đến trường để đúng 7 giờ 15 phải có mặt ở trường để các anh chị Sao đỏ đi chấm điểm thi đua. Đến 4 giờ 30 buổi chiều, các cháu được đón về, tắm rửa, ăn uống và lại tiếp tục ngồi vào bàn học để hoàn thành các bài tập về nhà. Không chỉ có đọc, viết, làm toán... các cháu còn phải làm cả bài tập thủ công, bài tập mỹ thuật, viết chính tả...

Chị Ngọc Bích, một phụ huynh có con học lớp 1 đã chỉ biết than trời khi hướng dẫn con làm bài tập về nhà. Sau chưa đầy 1 tháng bước vào lớp 1 mà cô giáo đã giao bài tập về nhà với nội dung "tìm x", "tìm số", yêu cầu tìm hai số mà cộng lại với nhau ra được kết quả lớn hơn 2 và nhỏ hơn 5. Hướng dẫn một hồi nhưng cháu nhà chị vẫn cắn bút ngồi khóc vì không hiểu bài.

Chưa dừng ở đó, mặc dù đã được học 2 buổi/ngày ở lớp nhưng ngày nào cháu cũng có bài tập về nhà và đã phải tập viết chính tả ít nhất khoảng 1 tiếng đồng hồ nữa.

Trong khi đó, hướng dẫn của Sở GD-ĐT thành phố Hà Nội có nêu rõ: Đối với trường, lớp dạy học 2 buổi/ngày cần tạo mọi điều kiện để học sinh hoàn thành bài học tại lớp, tuyệt đối không yêu cầu học sinh làm thêm bài tập ở nhà, nghiêm cấm việc tổ chức dạy thêm cho học sinh lớp mình phụ trách (kể cả các ngày nghỉ). Các trường khi xếp thời khóa biểu mỗi ngày học ít nhất có 1 tiết hướng dẫn học ở cuối buổi thứ hai để giúp học sinh hoàn thành các bài học trong ngày.

Vào năm học chưa được 1 tháng mà các cháu lớp 1 đã phải viết chính tả, vừa khai trường có cháu chưa kịp làm quen với việc cầm bút đã phải nhận điểm 0, điểm 2, 3, 4 đầy vở, nhìn thật đau lòng!.
Phụ huynh Lê Định

Phụ huynh Lê Định (nhà ở Nghĩa Tân, Q.Cầu Giấy, Hà Nội) nhận định: "Chương trình lớp 1 của các cháu thật quá nặng. Thật sự nếu không cho cháu đi học trước thì giờ đây phải gửi cô kèm thêm sau giờ học ở trường. Vào năm học chưa được 1 tháng mà các cháu lớp 1 đã phải viết chính tả, vừa khai trường có cháu chưa kịp làm quen với việc cầm bút đã phải nhận điểm 0, điểm 2, 3, 4 đầy vở, nhìn thật đau lòng!". Phụ huynh khác thì than: tuy mới chỉ học lớp 1 được đúng 1 tuần nhưng buổi họp phụ huynh đầu năm học mới, cô giáo chủ nhiệm đã nhận xét về... học lực của từng cháu: cháu này viết chậm, cháu kia viết nhanh... Phụ huynh này cho biết: "Con tôi được cô giáo khen là đọc đã đạt yêu cầu (nhanh và trôi chảy) nhưng viết thì xấu và làm toán chậm".

Một phụ huynh khác thì phàn nàn về sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 có những câu hỏi mang tính chất "gợi mở" nhưng lại rất ngô nghê, ví dụ "được điểm 10 con có vui không?", "con trâu và bác nông dân ai khỏe hơn?"...

Vì đâu?
Bà Đặng Huỳnh Mai - nguyên Thứ trưởng phụ trách bậc tiểu học Bộ GD-ĐT phát biểu: trẻ khi vào lớp 1 về mặt kiến thức được phép như một tờ giấy trắng. Nhà trường tiểu học có trách nhiệm dạy các cháu những nét chữ đầu tiên và phải dạy theo cách các cháu hoàn toàn chưa biết gì.

Mặc dù quy định của ngành giáo dục là không được dạy trước chương trình phổ thông cho trẻ mẫu giáo sắp đến tuổi đi học, nhưng có rất nhiều phụ huynh mà trong đó có cả những người là giáo viên vẫn phải cho con đi học trước khi chính thức bước vào lớp 1. Vì ai cũng biết rằng, nếu vào năm học chính thức mới để con làm quen với chương trình thì e rằng các con không theo kịp.

Một giáo viên của trường Tiểu học Khương Thượng nói: Nguyên nhân chính là do chương trình nặng. Ví dụ như môn toán, trong tháng đầu tiên của năm học, mặc dù chỉ trong phạm vi từ 1 đến 5, nhưng các em phải làm dưới nhiều hình thức để phân biệt số lớn, số bé, số nào ít hơn, nhiều hơn. Và cái khó chính là ở chỗ nhiều hình thức này. Cô giáo này còn nói: "Theo tôi, vì chương trình đã vậy, bây giờ nói thay đổi hoặc giảm tải ngay thì không thể, cho nên chi bằng với những học sinh không đi học trước chương trình, về nhà phụ huynh nên luyện tập nhiều và thậm chí dạy trước được bài nào hay bài ấy".

Trong khi đó, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Lê Tiến Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học cho rằng: nếu giáo viên đổ lỗi cho chương trình nặng và yêu cầu học sinh phải làm bài tập ở nhà hoặc học thêm thì cần phải xem lại cách dạy của chính giáo viên đó. Cũng theo ông Thành, năm học vừa qua, khi xã hội phàn nàn học ở tiểu học nặng, Bộ đã rà soát lại chương trình, sách giáo khoa và đã soạn hướng dẫn dạy học theo chuẩn. Sở dĩ phải làm việc này vì giáo viên dạy học vẫn coi sách giáo khoa là "pháp lệnh" và thường dạy tất cả sách giáo khoa. Trong khi đó, theo thiết kế thì sách giáo khoa sẽ được dùng trong khoảng thời gian từ 10-15 năm nên có những phần nặng hơn so với chuẩn chương trình. "Khó và nặng ở chỗ giáo viên dạy hết cả phần kiến thức nâng cao cho tất cả học sinh. Hướng dẫn dạy học theo chuẩn kỹ năng chỉ ra cho giáo viên biết trong sách giáo khoa có một phần cơ bản chỉ dạy cho đại trà học sinh. Ví dụ, có 5 bài tập, dạy 3 bài tập nhưng nhắc riêng một số nhóm đối tượng phù hợp làm thêm 2 bài còn lại" - ông Thành cho hay.

Không phải chính tả?
Một phụ huynh có con học lớp 1 tại trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, Q.4, TP.HCM bức xúc: "Thời khóa biểu của con tôi hầu như ngày nào cũng có môn Chính tả. Lúc đầu thì cô viết mẫu rồi cháu viết lại, bây giờ cô đọc chữ nào cháu viết chữ đó".

Bà Nguyễn Thúy Hà - Hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, Q.4, TP.HCM cho biết: thực chất của môn Chính tả là luyện tập tiếng Việt nhưng do giáo viên quen miệng gọi cho nhanh! Chương trình học chính khóa của HS lớp 1 tại trường có 2 tiết học vần/1 buổi, buổi chiều luyện tập tiếng Việt có 3 tiết/tuần. Hiện nay đang ở tuần thứ 7 của chương trình học nên các em chỉ tập viết lại các âm đã học chứ không phải viết chính tả như phụ huynh nghĩ.

Theo cuốn Hướng dẫn thực hiện chuẩn kiến thức, kỹ năng các môn học ở lớp 1 do Bộ GD-ĐT ban hành, bắt đầu từ tuần thứ 25 của năm học, HS mới bắt đầu có môn Chính tả. Theo đó, môn Chính tả ở lớp 1 cũng chỉ dừng lại ở việc HS nhìn vào sách hoặc bảng để chép lại cho đúng 1 câu hoặc 1 đoạn văn ngắn trong thời gian từ 15 - 20 phút.

Ông Lê Ngọc Điệp - Trưởng phòng Giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: "Thực ra các cô giáo gọi chính tả theo thói quen thôi, chứ chỉ đơn giản là HS vừa học xong âm đó, vần đó các cô đọc lại, đánh vần và cho HS tập viết lại để nhớ. Có trường cô giáo đọc, HS viết bằng bảng con, có trường thì viết trong tập. Hình thức đọc - viết này các cô giáo cho là chính tả. Nên nhớ, trẻ con có thể thuộc lòng một loạt bài rất nhanh nhưng khi tách từng chữ ra thì không nhớ. Vì vậy mục đích "chính tả" là thao tác để giúp trẻ nhớ mặt chữ nhanh hơn. Sở GD-ĐT cũng đã chỉ đạo các trường không sử dụng từ chính tả mà có thể thay là môn Học vần (gồm đọc và viết) trong thời khóa biểu để phụ huynh khỏi ngộ nhận".

Theo Thanh Niên

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Cấm các trường thu tiền phụ huynh để gắn máy điều hòa (5/10)
 Trại hè giới tính cho trẻ (2/10)
 Sách tập viết cũng sai!? (2/10)
 Bỉ: Thị trường đồ chơi "miễn dịch" khủng hoảng (2/10)
 Nhà trẻ cho khu công nghiệp (2/10)
 Gian nan dạy trẻ thiểu năng (1/10)
 "Phương án 0 tuổi" phát triển tố chất đặc biệt của trẻ (1/10)
 Học phí phổ thông sẽ chiếm 4 - 8% thu nhập (1/10)
 Bệnh viện thiếu thuốc do dịch bệnh tăng mạnh (30/9)
 Rước hoạ đồ chơi (30/9)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i