Năm nào cũng thế, khi những cơn mưa đầu mùa bắt đầu rả rích xua tan không khí nóng bức của mùa hè cũng là lúc thu trong trẻo mát dịu vào mùa. Trong ký ức của hầu hết những trẻ em Việt Nam, ý nghĩa về những mùa thu luôn thật ấm áp, vui vẻ. Đó không chỉ là mùa tựu trường, mùa tung tăng cùng áo mới, sách vở mới và bao bạn bè mới, mà còn là mùa được nô đùa vui thích trong ánh trăng tròn vành vạch tháng Tám - trăng trung thu.
Chắc hẳn trong mỗi người lớn chúng ta, không ít thì nhiều cũng có những kỷ niệm về một cái Tết trung thu rất đỗi đáng yêu. Và hẳn chúng ta cũng muốn làm gì đó cho đứa con bé bỏng của mình có một đêm rằm nhiều kỷ niệm thú vị? Hãy cùng Webtretho đến với những gia đình thường có những mùa trung thu thú vị cho con trẻ xem họ làm gì nhé!
Lồng đèn luôn là món quà thù vị cho trẻ trong dịp trung thu. Ảnh: Images
Cùng mẹ làm bánh "trăng"
Bánh trung thu là món ăn không thể thiếu trong đêm rằm tháng Tám, là món quà nhiều ý nghĩa cho trẻ con trong tiệc phá cỗ, rước đèn. Với cách làm cầu kỳ, món bánh này cũng trao gởi thật nhiều thông điệp đến người được nhận. Vì thế, hãy để cho con bạn hiểu được những giá trị đó. Nếu gia đình bạn có thói quen tự làm món bánh "trăng" này mỗi năm thì năm nay đừng ngần ngại cho bé cùng tham gia. Vừa làm, bạn có thể vừa giải thích cho con về ý nghĩa của món bánh, vừa kể cho con nghe câu chuyện cổ tích tết trung thu.
Gia đình chị Bích Chi (Q. Tân Bình, TP. HCM) có gốc là người Hoa, năm nào nhà chị cũng làm bánh để biếu người thân và làm quà cho con cháu trong đên phá cỗ. Ba mẹ chị có tới 7 anh chị em, người nào cũng lập gia đình vì thế mỗi khi có dịp quây quần thì rất đông đúc. Dịp Tết nguyên đán và Tết trung thu cả nhà tề tựu đầy đủ nhất. Và không năm nào nhà chị bỏ qua món bánh trăng cầu kỳ.
Con gái chị năm nay 5 tuổi nhưng bé đã có thể kể vanh vách làm món bánh ấy cần những nguyên liệu gì, quy trình ra sao... và chị kể: "Tôi còn nhớ, năm bé 4 tuổi, khi ấy bé cứ khăng khăng để tự con làm bánh, khi bánh nướng xong, bé hồ hởi gói vào một tở giấy kiếng một cách rất cẩn thận rồi mang cất. Bé bảo tối trung thu con sẽ mang tặng người con yêu nhất. Đêm rằm cũng đến, khi cả nhà tập hợp đông đủ, bé bẽn lẽn mang bánh ra tặng bố mẹ. Cả nhà lúc đó ai cũng khen bé ngoan, còn vợ chồng tôi lại thấy xúc động vô cùng!"
Hẳn là các con của bạn, dù là con gái hay con trai cũng sẽ rất thích khi được cùng mẹ nhào bột, cắt nhân, nặn bánh, được tự làm một cái bánh riêng cho mình. Bạn cũng có thể gợi ý cho con làm thêm những cái để tặng cho ông bà, bạn bè, những người mà con yêu quý nhất. Đây là dịp để bạn nhắc nhở cho con về lòng biết ơn, sự yêu thương và chia sẻ...
Làm đèn, làm lân
Chị Linh Trang (Q.12, TP. HCM) có một cô con gái 7 tuổi, chia sẻ: "Từ khi bé 2-3 tuổi năm nào tôi cũng bày cho con làm lồng đèn để bé chơi trung thu. Bé rất thích và nhớ cách làm rất giỏi. Mỗi năm tôi đều phải nghĩ ra những kiểu mới để bé không nhàm chán, năm thì đèn ông sao, năm lại đèn trái bí. Ba của bé làm bên ngành sáng tạo nên rất khéo tay hay giúp chúng tôi trang trí những bức hình nho nhỏ, sinh động. Năm nay chúng tôi vừa chuyển về nhà mới, trong xóm có rất nhiều trẻ con, hôm qua bé thủ thỉ là năm nay mình làm ông lân được không mẹ? Con muốn làm lân múa cho các em rước đèn! Tôi nghe con nói mà vui vô cùng. Tất nhiên rồi, đó là một ý hay mà. Chồng tôi hứa cuối tuần này anh sẽ bày con làm, vì đó là "nghề" của anh hồi bé mà!"
Chị Linh Trang cùng con gái Thảo Nhiên.
Lân, đèn là một trong những thứ đặc trưng của tết trung thu. Năm xưa, ở những vùng quê nghèo, trẻ con chỉ cần một chiếc lồng đèn ông sao, một ánh nến hồng thắp sáng lung linh là đã có thể tung tăng cùng trăng cả đêm. Làng xóm chỉ cần nghe tiếng trống lân từ xa vọng lại là đã rộn ràng, trẻ con háo hức đón chờ lân tới để được rước đèn đi theo...
Và ngày nay dù bé sinh ra và lớn lên ở thành thị, đầy đủ vật chất, nhưng những món ăn tinh thần rất đỗi bình dị ấy sẽ mãi không nhàm chán với trẻ thơ.
Tiệc phá cỗ
Một chị trên diễn đàn WTT chia sẻ kinh nghiệm, mấy năm nay nhà chị toàn tổ chức trung thu tại nhà, vừa đỡ tốn kém lại rất vui. Khách mời là những đứa nhóc trong xóm, bạn của bé Tina, con chị. Dù Tina mới 3 tuổi nhưng bé đã học được cách chia sẻ, không ganh ghét, tranh giành với bạn bè. Bé biết chia kẹo cho bạn, chia nón và những chiếc lồng đèn nhỏ cho bạn rất thành thạo.
Chị Uyên và bé Tina, 3 tuổi.
Tổ chức như thế nào cho thú vị? ID Gau & Tho của diễn đàn WTT chia sẻ thêm: "Chị cũng làm nhiều lần rồi. Mỗi năm một thay đổi. Thú vị nhất là nên có một mâm cỗ bày nhiều hoa quả và bánh trái (để các bé biết về nét văn hóa này của người VN chúng ta). Và thú vị nữa là bọn trẻ rồng rắn lên mây cùng nhau cầm đèn đi lòng vòng theo điệu nhạc".
ID này còn cụ thể một số cách làm như sau: Đầu tiên hãy làm cho các bé một vài chiếc lồng đèn, không thì bạn có thể mua những cái lồng đèn bằng giấy, vừa đẹp mắt mang dáng dấp trung thu xưa, vừa tiết kiệm. Nếu có thời gian bạn mua nguyên vật liệu rồi bày cho các cháu làm vài loại lồng đèn đơn giản, hẳn bé sẽ rất vui sướng khi được tung tăng với chiếc đèn của mình. Để bữa tiệc rôm rả, bạn hãy chuẩn bị một ít bánh mứt, hoa quả. Chuẩn bị một cái đài, bật băng có bài "Chiếc đèn ông sao" chẳng hạn, rồi hô hào cho các bé cùng cầm đèn tung tăng chạy nhảy theo tiếng nhạc bài hát. Chúng ta cũng có thể chuẩn bị một cái đầu lân hay sư tử nho nhỏ, nhờ người đánh trống rồi múa cho các con bé thích thú hào hứng. Một bữa tiệc càng "gây ấn tượng" càng biến ngày rằm trung thu thành một ngày thật ý nghĩa cho bé.
Đâu đó dưới những mái nhà Việt, còn rất nhiều những đêm trung thu ấm áp nhiều kỷ niệm khác mà chúng ta chưa biết. Và chỉ cần một chút thôi, một hình thức mang dáng dấp trung thu nho nhỏ thôi là bạn đã có thể mang đến cho những đứa con bé nhỏ của mình một đêm thật nhiều kỷ niệm vá ý nghĩa biết bao. Đó cũng là dịp để nhắc nhở với con về cội nguồn, về một truyền thống tốt đẹp của cha ông ta.
Theo WTT