"Tại sao bạn ấy không thích chơi với con nữa?", "Mẹ, sao con không có bạn nào cả?" - Đây có lẽ là những câu hỏi khó nhất mà các vị phụ huynh sẽ phải trả lời.
Để giúp con học được những kỹ năng ứng phó và thích nghi với xã hội, các vị phụ huynh hãy tham khảo những lời khuyên sau:
Không có ai cả đời hạnh phúc
Hầu hết các bậc phụ huynh đều sẽ nói: "Tôi chỉ muốn con mình được hạnh phúc". Chính điều này tạo ra những kỳ vọng không có thực cho trẻ. Có ai là luôn luôn hạnh phúc? Trẻ cần hiểu rằng nỗi thất vọng và xung đột chính là một phần tự nhiên của cuộc sống hàng ngày, và chúng hoàn toàn có thể ứng phó được.
Các tình huống xã hội
Tiếp xúc với trẻ lớn tuổi hơn sẽ cho trẻ nhỏ một hình mẫu để học cách cư xử thích hợp trong xã hội, và tiếp xúc với trẻ nhỏ tuổi hơn sẽ cho trẻ lớn cơ hội "khoe" những kĩ năng mới học được.
Bạn sẽ nhận thấy điều này rất rõ khi trẻ bắt chước lời nói của chúng ta để áp dụng với những đứa em nhỏ tuổi hơn: "Này, nếu em muốn lấy cái xe của anh thì em phải hỏi tử tế nhé!".
"Đóng kịch" với bạn bè cùng lứa
Tình bạn được hình thành với người bạn mà trẻ gặp thường xuyên, người sẵn sàng chia sẻ đồ chơi với trẻ. Trẻ ở tuổi đến trường dễ tìm bạn có chung sở thích hơn, và có thể duy trì tình bạn mà không nhất thiết phải gặp nhau thường xuyên. Trẻ cũng hiểu được rằng không nhất thiết phải "hít le" nhau mỗi khi có xích mích.
Môi trường xã hội
.. sẽ giúp trẻ học được cách quyết đoán, hợp tác, và thỏa hiệp. Chúng ta nên để trẻ tự giải quyết những vụ cãi vặt của chúng (tất nhiên nếu trẻ bị đối xử thô bạo thì bằng mọi cách bạn phải can thiệp ngay). Dạy trẻ biết chúng nên nói gì và làm gì, sau đó cho trẻ luyện tập. Ví dụ, nếu con bạn để cho đứa trẻ khác lấn át và lợi dụng, thì bạn nên dạy con cách tự đứng lên và phải dùng lời lẽ hiệu quả nhất, ví dụ nói dứt khoát: "Không, tớ không thích bạn làm thế".
Không phải ai sinh ra cũng làm lãnh đạo
Cần biết chấp nhận rằng con cái mình có thể sẽ thoải mái hơn khi quan sát các mối quan hệ xã hội từ khoảng cách an toàn rồi dần dần bước vào "vở kịch" đó khi chúng đã quen hơn. Tránh "gắn mác" cho trẻ trước mặt người khác, đại loại như "Bi nhút nhát", vì điều này dễ gợi cho trẻ cảm giác mình vô dụng.
Cách hữu hiệu hơn để khuyến khích bé là: "Bi sẽ cùng chơi khi nào bé cảm thấy thoải mái nhé". Khi nghe như vậy trẻ sẽ biết rằng nó có thể chờ một chút trước khi tham gia vào một hoạt động cụ thể nào đó.
Khi trẻ bị bạn bè cô lập
Đột nhiên trẻ không còn thân thiết với nhóm bạn trước kia, đây không hẳn là vấn đề bắt nạt, mà là sự thất thường trong tình bạn của trẻ. Bạn nên tổ chức vài ngày vui chơi cùng với những đứa trẻ khác để tạo ra một mạng lưới xã hội rộng hơn, giải thích cho trẻ rằng người mà chúng kết bạn sẽ đổi thay rất nhiều theo thời gian, đồng thời cũng nhìn nhận và đánh giá lại xem điều gì là nguyên nhân gây ra khó khăn cho tình bạn giữa trẻ và bạn bè chúng.
Rắc rối trong tình bạn không tồn tại lâu
Trước khi tra hỏi xem tại sao A lại không muốn chơi cùng B nữa, thì bạn có thể chờ đến hôm sau xem mọi chuyện có bị rơi vào quên lãng hay không. Tuy nhiên, nếu những rắc rối đó vẫn tiếp diễn, gây buồn bã, hay chuyển sang bắt nạt thì bạn cần hành động mạnh tay hơn (nên nói chuyện với phụ huynh, người chăm sóc trẻ hoặc giáo viên).
Đọc cho trẻ nghe những câu chuyện về tình bạn và các kĩ năng xã hội có thể là một cách rất tốt giúp giải thích những mối liên hệ trong xã hội với trẻ nhỏ.
Nếu bạn thấy rằng con mình thuộc trường hợp cá biệt, đáng lo lắng, và không có khả năng tự mình thay đổi để thoát khỏi các vấn đề xã hội, có lẽ lời khuyên tốt nhất là nên tìm ngay các chuyên gia để yêu cầu giúp đỡ.
Theo http://dantri.com.vn