Doanh nghiệp sẵn sàng hỗ trợ tiền gửi trẻ chứ không thể xây nhà trẻ.
Hiện nay, các lao động nữ trong các khu công nghiệp vẫn còn thiếu chỗ gửi con như thế này. (Ảnh chụp tại trường mầm non trong Khu công nghiệp Tân Tạo, quận Bình Tân, TP.HCM) Ảnh: HTD
Đoàn công tác của Ủy ban Các vấn đề xã hội Quốc hội đã có ba ngày (27, 28 và 29-8) tổ chức hội thảo khu vực phía Nam về việc thực hiện pháp luật về lao động nữ.
Theo tiến sĩ Lê Văn Diêu, lao động nữ chiếm tỷ lệ 80%-95% tổng số lao động làm việc ở ngành dệt may, da giày, điện tử, thủy sản. Chính sách cho lao động nữ có khá nhiều ưu tiên nhưng nhiều quy định đang bị vi phạm. Thậm chí cũng có chính sách không thể thực hiện được, không phù hợp với cơ chế mới.
Mẹ làm trong xưởng lo con ở nhà
Tại buổi đối thoại giữa đại biểu Ủy ban Các vấn đề xã hội Quốc hội với gần 50 nữ công nhân Khu chế xuất Linh Trung, các lao động này cho biết thời gian thai sản phụ nữ phải đối mặt với nguy cơ bị trừ lương, cắt giảm trợ cấp, thậm chí mất việc làm. Theo luật, chỉ được nghỉ thai sản bốn tháng nhưng các trường mầm non tư nhân chỉ giữ trẻ trên sáu tháng tuổi. Vì vậy, rất khó khăn trong việc gửi con để đi làm.
Bà Nguyễn Phước Mạnh, Liên đoàn Lao động Đồng Nai, cho rằng đa số các trường giữ trẻ công lập, ngoài công lập chỉ nhận trẻ trên 18 tháng tuổi. Các cơ sở tư nhân nhận nuôi trẻ ở độ tuổi dưới 18 tháng tuổi thì chi phí cao, công nhân không kham nổi. Vì vậy, nữ công nhân chỉ còn cách gửi con về quê cho ông bà chăm sóc.
Phía doanh nghiệp có sử dụng nhiều lao động nữ cho rằng rất muốn xây dựng nhà trẻ nhưng vướng các quy định của pháp luật. Theo luật giáo dục, muốn xây dựng trường mầm non, doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định về giáo viên, hiệu trưởng quản lý lẫn giáo trình. Vì vậy, doanh nghiệp không thể nào vừa sản xuất lại vừa lo giáo dục. Việc xây dựng nhà trẻ ở các doanh nghiệp trong nước đã khó, còn ở doanh nghiệp nước ngoài thực hiện thế nào? Các ông chủ này chỉ thuê đất hoạt động sản xuất ở Việt Nam một thời gian rồi rút nên còn đâu đất dành cho nhà trẻ. Muốn có nhà trẻ ở khu công nghiệp thì nhà nước, ban quản lý khu công nghiệp phải có quỹ đất.
Có ý kiến cho rằng đòi hỏi nhiều quyền lợi cho phụ nữ quá lại gây cản trở cho phụ nữ. Bởi đòi hỏi nhiều quá, doanh nghiệp sẽ không tuyển dụng phụ nữ vào làm việc nữa.
Hỗ trợ nữ công nhân bằng cách nào?
Đại diện một công ty nước ngoài cho rằng luật lao động cần quy định doanh nghiệp hỗ trợ tiền nhà trẻ cho lao động nữ thì hợp lý hơn là bắt họ phải xây dựng nhà trẻ. Trưởng phòng Nhân sự Công ty Giày Trường Lợi bổ sung: "Công ty có nhiều lao động nữ nên đã thử tổ chức một tổ chuyên giữ trẻ cho lao động nữ nhưng đã phải đóng cửa vì không có chuyên môn".
Bà Trương Thị Thu Hằng, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, băn khoăn: "Trước đây khoảng 10 năm, ở các nhà máy, bệnh viện đều có nhà trẻ. Sau đó tư duy làm khu công nghiệp đã tách nhà trẻ ra khỏi vì lý do môi trường, bây giờ lại muốn quay trở lại liệu có phù hợp?". Bà Lê Thị Dung, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang, cho rằng pháp luật lao động nữ đừng ép doanh nghiệp nhiều quá. Các nhà làm chính sách phải phân biệt được cái gì nhà nước phải làm, cái gì doanh nghiệp làm, cái gì cho xã hội hóa. Nhà nước cần có chính sách cho lao động nữ, chẳng hạn như phụ cấp nuôi con chứ không phải cái gì cũng đẩy cho doanh nghiệp.
Quy hoạch khu công nghiệp phải nghĩ đến nhà trẻ
Đại diện Bảo hiểm xã hội Cần Thơ cho biết trước đây Khu công nghiệp Trà Nóc đã họp bàn với Phòng Giáo dục huyện xây dựng một trường mầm non nhưng không thành công. Vì vậy, việc quy hoạch nhà trẻ cho lao động nữ là trách nhiệm của nhà nước chứ không phải doanh nghiệp.
Theo ông Lê Đức Vinh, Phó Giám đốc nhân sự, kiêm Trưởng phòng Đào tạo và phát triển Công ty Fujitsu Việt Nam (có 70% là lao động nữ), công ty này sẵn sàng tuân thủ pháp luật về lao động nữ. Thế nhưng việc thực hiện quy định cho lao động nữ trong thời kỳ thai sản nghỉ sớm một tiếng cho con bú rất khó thực hiện. Công ty có 20 xe đưa rước công nhân, không thể phục vụ riêng cho những người lao động nghỉ sớm. Mỗi ngày nghỉ một tiếng, công ty linh động cho nữ lao động cộng dồn lại để nghỉ một ngày/tuần thì lại sai luật.
Vì vậy, tiến sĩ Lê Văn Diêu, chuyên gia Dự án 00049114, kiến nghị nhà nước phải bãi bỏ quy định các doanh nghiệp phải tổ chức nhà trẻ, mẫu giáo. Bởi vì công việc của doanh nghiệp là lo sản xuất chứ không phải chăm sóc trẻ cho lao động nữ. Công việc này hãy chuyển cho chính quyền và các nhà quản lý xã hội quy hoạch ngay từ khi lập dự án xây dựng khu công nghiệp.
Theo Báo Pháp Luật