Xã hội
   Luyện thi cho trẻ vào lớp 1: ác mộng của …trẻ em!
 

Ngày nay, điều kiện kinh tế có thay đổi cả về lượng và chất. Nhiều gia đình-nhất là ở thành thị, có điều kiện quan tâm cho trẻ đi học ngay từ lớp mẫu giáo nhỏ (3-4 tuổi). Đối với những gia đình khá giả thì thuê hẳn một cô giáo hoặc cô giáo "tương lai" (sinh viên đang học ở các trường sư phạm) về nhà để luyện chữ cho con mình; hoặc phụ huynh gửi gắm con đến các "lò luyện lớp 1". Ban ngày thì học mẫu giáo; tối 2-4-6 thì luyện chữ, 3-5-7 học ngoại ng; sáng chủ nhật học múa...Đó là thời khoá biểu của một cô bé 5 tuổi đang trong giai đoạn "luyện thi vào lớp 1" ở Hà Nội ...

Luyện thi trước...đi học sau
Đã không ít các bậc cha mẹ "than thở" với nhau rằng: "Chưa bao giờ tinh thần học tập trong dân ta lại cao và sôi nổi như vài năm trở lại đây. Nếu cứ duy trì phong trào học như hiện nay, nước nhà sẽ sản sinh ra ngày càng nhiều thần đồng!. Học sinh tuy chưa bước vào lớp 1 nhưng hầu hết đã đọc thông-viết thạo, làm toán trong phạm vi 20, thậm chí thuộc lòng bản cửu chương... Thực tế này đang trở nên phổ biến ở các thành phố lớn. Để được "giỏi giang" như vậy, các bé phải trải qua 4-6 tháng trời ôn luyện căng thẳng không thua kém gì đối với các anh chị thi vào "đại học".

Nhiều gia đình có điều kiện về kinh tế tìm thuê cho con mình hẳn một gia sư đến dạy con viết chữ, đánh vần để chuẩn bị thi vào lớp 1. Nhưng có lẽ hiện nay, "mốt nhất" vẫn là đưa con em mình đến tận nhà cô giáo đang dạy tại những trường tiểu học danh tiếng trong thành phố, để "nhờ cô" dìu dắt. Mặt khác, để chắc suất vào trường điểm, phần lớn các bậc phụ huynh đều gửi con vào những lớp luyện chữ do các cô đứng ra mở, thường là vào chập tối, khi các cháu vừa tan học lớp mẫu giáo và các cô cũng vừa tan buổi dạy. Anh Bùi Minh Sơn - C.ty thăm dò và khai thác dầu khí Hà Nội, cứ khoảng 5 giờ chiều lại vội vã đến trường đón cậu quý tử, sau đó đưa thẳng tới "lò luyện chữ". Chi phí này tiêu tốn từ 500-700 ngàn đồng mỗi tháng. Anh tâm sự: "Nhiều lúc thấy cháu uể oải nhìn cũng tội nghiệp. Nhưng không còn cách nào khác khi thấy trẻ con nhà khác đã đọc vanh vách!".

Đây cũng là suy nghĩ của không ít bậc làm cha làm mẹ nên cứ đến cuối giờ chiều là nhiều lớp mẫu giáo vắng tanh. Cô Huyền Nga, giáo viên một trường mầm non ở phường Ngọc Thuỵ-quận Long Biên-Hà Nội cho biết, bắt đầu từ cuối tháng 3, các bé lớp cô đã đổ xô đến các lò luyện chữ, nhiều em đến lớp rất mỏi mệt, hay ngủ gật, học bài không còn hào hứng như trước nữa vì "những thứ cô dạy các bé đều biết hết cả rồi!". Năm học vừa rồi (2006-2007), lớp chỉ còn 2/4 các bé theo học đến hết tháng 5, còn một nửa ở nhà đi luyện thi.

Có cầu ắt có cung. Các bậc phụ huynh bỏ ra 5-7 triệu đồng, thậm chí nhiều hơn để "chạy" bằng được cho con mình vào một trường điểm nào đó không còn là chuyện gì quá to tát. Một anh công an gần nhà tôi sau khi đã chắc suất cho con vào trường thuộc loại nhất nhì ở Hà Nội đã tuyên bố với bạn bè, hàng xóm rằng: "Chất lượng giáo dục phải được đảm bảo ngay từ khâu đầu tiên-đó mới là tinh thần của...ISO 900...!". Sau đó anh "truyền lại" bí quyết: "Cứ đăng ký cho con theo học lớp của cô giáo trường ấy trước hẳn nửa năm hoặc một năm, coi đó như là một chỗ giữ ghế thôi mà. Học phí tuy có cao một chút nhưng người ta phải giữ lấy cái uy cho mình, khi thi thế nào chả đỗ...".

Biết trước hay biết sau: Điều gì tốt cho trẻ?
Nếu đánh giá mặt lợi và mặt hại của việc cho trẻ "luyện thi" vào lớp 1, có lẽ xác đáng hơn cả là ý kiến của các giáo viên tiểu học. Cô giáo Thuỳ Dương, trường Tiểu học Đống Đa đánh giá: "Trong lớp cô dạy có đến 50-70% số trẻ đã được đi học chữ từ trước khi vào trường. Do biết trước rồi nên các em rất lơ là và hay nhanh nhảu, tỏ ra mình giỏi...Thực tế cho thấy, nhiều em cầm cây bút viết cũng không đúng cách, chữ xấu; tư thế ngồi viết vẹo vọ, không khoa học...Bên cạnh đó, nhiều em viết chữ còn sai nhưng cứ khăng khăng bảo "Cô con bảo thế!". Hầu hết các em đi học ở các lớp tư, tập viết trên những cuốn vở có cỡ chữ và độ rộng của con chữ không giống với quy định chuẩn của Bộ GD&ĐT nên rất khó sửa.

Điều quan trọng nhất ở bậc tiểu học là phải tạo cho trẻ sự hứng thú, nếu trẻ đã biết trước thì khi vào lớp 1 sẽ không còn hứng thú nữa, trẻ sẽ mang tư tưởng chủ quan. Cũng theo cô Hương: Chương trình mẫu giáo 5 tuổi rất cần thiết cho trẻ. Từ việc cho các em vẽ, xé dán, nặn, dạo chơi trong vườn...cho đến việc tô chữ, đặt hột theo nét chữ, đọc theo số...Đó cũng là sự chuẩn bị một cách toàn diện về năng lực học tập cho trẻ em khi bước vào lớp 1. Tuy không trực tiếp dạy cho trẻ biết viết chữ, biết làm toán, nhưng những nội dung và cách giảng dạy khoa học ấy theo ba bước phát triển tư duy của trẻ nhỏ: Tư duy trực quan hành động đến tư duy trực quan hình ảnh, sau đó mới đến tư duy logic.

Còn theo thầy Đặng Đình Đại - Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Gia Thiều - quận Long Biên - Hà Nội: Nguyên nhân chính của việc phụ huynh thi nhau cho con đi học chữ trước một phần là do còn tồn tại "trường chuyên, lớp chọn" trong hệ thống giáo dục hiện nay. Cũng theo thầy Đại: Trẻ em 4-5 tuổi thường lơ đãng vì sự chú ý của các em là chú ý không chủ định, các em chỉ có thể chú ý trong thời gian ngắn. Trong khi đó, các bậc cha mẹ học sinh thường cho con đi học với thời gian ít nhất từ 60 phút trở lên, gò ép các em phải học bằng kỷ luật...Chính điều đó đã khiến các em rất mỏi mệt về thể lực, đồng thời tạo ra tâm lý phải có sự kiểm soát của người lớn thì các em mới tập trung học chứ không tự giác. Nhiều em mới 4-5 tuổi mà cha mẹ chúng đã bắt học chương trình của học sinh 6 tuổi khiến trẻ vắt kiệt trí tuệ từ khi còn nhỏ vì phải huy động nhiều hơn cái mà bản thân mình có...Trên thực tế, có rất nhiều em ngán ngẩm, mỏi mệt, sợ học vì phải học quá sức mình là vì thế.

Không phải ngẫu nhiên mà Bộ GD&ĐT có quy định trẻ em phải đủ 6 tuổi mới bắt đầu cắp sách tới trường. Điều này là cần thiết vì ở độ tuổi này, trẻ mới phát triển đầy đủ về sức khoẻ, nhận thức, có khả năng tiếp thu chương trình giáo dục chuẩn mực. Vậy nên, câu hỏi đặt ra không chỉ cho riêng ngành giáo dục mà dành cho cả xã hội là có nên khuyến khích việc học trước tuổi cho các em học sinh?

Theo KT&DT

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 TP.Hồ Chí Minh: Quá tải học sinh lớp 1 (27/8)
 Hàn Quốc: nhắn tin báo giờ trẻ đến và rời trường (27/8)
 Cấm dạy trước và thi tuyển vào lớp 1 (26/8)
 Rắc rối chứng minh trẻ trên, dưới 6 tuổi (26/8)
 WB tài trợ 177 triệu USD cho phát triển giáo dục Việt Nam (26/8)
 Thực hiện dạy tích hợp ở Tiểu học năm học 2009 - 2010 (26/8)
 Thiếu giáo viên chuyên biệt trong giáo dục hoà nhập mầm non (26/8)
 Bé "vào ca" cùng ba mẹ (25/8)
 Hà Nội: Trường tự quyết định khai giảng năm học mới (21/8)
 Bỗng dưng bị cắt hợp đồng lao động dài hạn (21/8)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i