Đưa con vào lớp xong, chị Lan vẫn đứng tần ngần trước cổng trường, đọc đi đọc lại tờ giấy liệt kê các khoản tiền phải chi tiêu đầu năm học, rồi chép miệng "thế là đi tong một tháng lương".
Chị Lan có con học tại THCS dân lâp Ngô Thời Nhiệm, quận 3. "Từ hôm nhập học đến nay, trường chỉ mới tạm thu sơ sơ những khoản nội trú đã hết 2.000.000 đồng, gần bằng một tháng lương làm kế toán của tôi", chị than thở.
Giống như chị Lan, sau một tuần tựu trường, nhiều phụ huynh đang "méo mặt" trước các khoản phải chi cho con đầu năm học mới. Không chỉ tiền sách, vở, tập, bút, đồng phục, quỹ phụ huynh, họ còn phải đối mặt với nhiều quy định "lạ".
Anh Trần Văn Thoại, cũng có con học lớp 7 trường này, có vẻ "kinh nghiệm" hơn đối với các khoản thu đầu năm. Theo tờ thông báo các khoản thu anh Thoại mới nhận được, ngoài học phí chính khóa, phụ huynh còn phải đóng quỹ phát triển giáo dục, tiền ăn, bán trú phí (hoặc nội trú phí), tiền điện phòng ngủ máy lạnh, tiền phòng vi tính - lab khoảng 1,3 triệu đồng...
Không ít phụ huynh lao đao với các khoản tiền phải chi khi con vào năm học mới. Ảnh minh họa: Nguyễn Thủy
Ngoài ra, phụ huynh phải đóng ba mức dự thu tháng 9, phụ thu đầu năm là 504.000- 976.000- 2.789.000 đồng, tùy theo con họ học ngoại trú, bán trú hay nội trú. Đó là chưa kể các khoản chi khác cho đồng phục, sách vở.
Theo kinh nghiệm của anh Thoại, sau một năm làm phụ huynh trường này, đây mới chỉ là tạm thu. Khi năm học mới chính thức bắt đầu, phụ huynh sẽ phải đóng thêm nhiều khoản tiền lắt nhắt, rồi tiền học thêm, đặc biệt là tiền quỹ Ban đại diện cha mẹ. "Nói là tự nguyện, nhưng chẳng lẽ phụ huynh người ta đóng 800.000 đồng, mình đóng ít cũng kỳ, mà lại không "an toàn"...", anh Thoại tâm sự.
Không chỉ phụ huynh than thở, nhiều học sinh THPT tại TP HCM cũng ái ngại với chuyện năm học mới nào, ba mẹ cũng phải lo chi cho các em một số tiền không nhỏ. Nhóm học sinh lớp 11, ở một THPT tại quận 3, than thở, "biết là học trường này phải tốn kém dữ lắm, nhưng không nghĩ lại tốn đến thế".
Theo nhóm này, năm ngoái, tiền thu quỹ phụ huynh cả lớp gom được 16.000.000 đồng, vậy mà trong năm, mỗi lần chi lắt nhắt mua đồ dùng cho lớp, sinh hoạt tập thể, gây quỹ ủng hộ học sinh nghèo... các em vẫn phải đóng thêm tiền. "Không hiểu sao mỗi lần lớp tổ chức đi chơi đều phải đóng tiền, trong khi lớp có quỹ phụ huynh đóng cho tụi em đâu hết rồi", học sinh trong nhóm này tâm sự với vẻ bức xúc.
Đau đầu với những quy định lạ của trường
Không chỉ đau đầu vì những khoản học phí, lệ phí, quỹ Ban đại diện cha mẹ, nhiều phụ huynh than trời vì không biết mua sắm đồng phục, sách vở cho con em thế nào cho "vừa lòng" nhà trường. Đối với bậc THPT tại TP HCM, nhiều năm gần đây, ngoài việc phải chuẩn bị cho các nữ sinh trang phụ truyền thống là áo dài mới, nhiều trường còn yêu cầu học sinh may đồng phục riêng theo quy định.
"Đối với đồng phục riêng này, nếu mình tự may ở ngoài thì phải tới trường mua thêm logo, phù hiệu, còn mua tại trường thì sợ con mặc không thoải mái, vải lại không đẹp", chị Nguyễn Ngọc Tuyết, phụ huynh học sinh ở THPT Nguyễn Thái Bình, quận Tân Bình, than thở.
Nhiều phụ huynh THCS Hoàng Văn Thụ quận 10, TP HCM cũng không khỏi "choáng váng" khi nhìn bảng thông báo hướng dẫn về may động phục của trường: "Màu chỉ thêu năm học 2009 quy định như sau: khối 9 màu tím, khối 8 màu xanh dương, khối 7 màu đỏ, khối 6 màu xanh lá cây. Khổ chữ in cao 1 cm, thêu trên miệng túi, thêu chữ lót và tên, kế bên là lớp...".
Nhiều phụ huynh khác lại "rối tung "vì một số trường năm nay quy định về màu và giấy bao tập một quá chi tiết và cầu kỳ.
Đơn cử THPT Diên Hồng, THPT Sương Nguyệt Anh, quận 10 có đến... 8 màu giấy bao tập được quy định ứng với các môn học như màu hồng cho môn Sinh, Địa; màu tím cho môn tiếng Anh, mỹ thuật; màu xanh dương đậm cho môn Văn, xanh ngọc cho Sử, Tin học..."Năm ngoái em học lớp 9, chỉ cần lấy tờ giấy lịch bao ngược lại mặt trắng, lồng thêm giấy kiếng vào, đâu cần tốn kém mà sách vở vẫn sạch đẹp", Tú Lệ, lớp 10A3, THPT Sương Nguyệt Anh thắc mắc.
Hay như chị Thủy, có con đang học Tiểu học Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, cũng phàn nàn, đầu năm, đi mua bộ sách giáo khoa ngoài nhà sách 70.000 đồng, nhưng đến lớp cô giáo nói bộ này chưa đúng và còn thiếu, phải mua bộ sách ở trường bán 175.000 đồng.
Trao đổi với Đất Việt, Phó GĐ Sở GD-ĐT Trần Thị Kim Thanh, cho biết, Sở đã có văn bản chỉ đạo việc thu học phí, tiền cơ sở vật chất và các khoản thu khác năm học 2009 - 2010 xuống cấp Phòng và Hiệu trưởng các trường.
Theo đó, các khoản thu phải được thông báo đầy đủ, công khai, thậm chí phải cấp cả biên lai thu tiền cho từng học sinh. Riêng về khoản đóng góp thực hiện công trình Ban đại diện cha mẹ học sinh, phải do Ban đại diện cha mẹ học sinh tổ chức thu và quản lý.
Quỹ này cũng chỉ được thu sau khi có sự nhất trí của ba mẹ học sinh trong phiên họp đầu năm về nội dung thu, mức thu, phương thức thu và phương án sử dụng, trường không can thiệp hoặc tự ý quy định. "Các trường phải thực hiện khoản thu theo đúng quy định, nếu thu các khoản ngoài quy định sẽ bị xử lý", bà Thanh nói.
Theo Báo Đất Việt