Hằng ngày ta thường thấy trẻ mắc những sai lầm như giành đồ chơi, đánh anh em, đánh bạn, làm đổ vỡ đồ hay có những câu nói mà "không được phép nói"... Điều đó là tất nhiên và khi đó người lớn chúng ta như thế nào trong những trường hợp "đáng yêu" này: tỏ thái độ cứng rắn hay sẵn sàng thông cảm chia sẻ với trẻ?
Vấn đề đặt ra là trẻ luôn mắc lỗi ở mọi nơi, mọi lúc. Khi bạn có phản ứng tích cực trước lỗi lầm của trẻ thì chúng sẽ học được cách tỏ thái độ kiên quyết của bạn. Còn nếu bạn sẵn sàng thông cảm chia sẻ và giúp trẻ sửa sai thì trẻ cũng học được cách giải quyết của bạn. Do đó, nhằm giúp trẻ nhận ra rằng việc mắc lỗi là một phần trong cuộc sống hằng ngày vì thế khi lớn lên chúng sẽ ít bị lỗi lầm và sống tự tin hơn. Vì vậy, sau đây là các giải pháp cần làm khi trẻmắc sai lầm.
Giải pháp cần làm
Trẻ cần học những kinh nghiệm trong suốt những năm đầu đời. Việc trẻ phạm lỗi và nhận ra lỗi lầm của mình là hình thành nên tính cách đặc thù trong cuộc sống sau này của trẻ. Sau đây là những gợi ý ứng xử của người lớn khi thấy trẻ có lỗi: phải thật bình tĩnh, tìm nguyên nhân và giải thích một cách cặn kẽ, chớ nóng vội la mắng bằng những câu nói khó nghe. Đồ chơi của trẻ thường vung vãi khắp nơi hãy dọn dẹp cùng trẻ và hướng dẫn trẻ sắp xếp lại đồ chơi ngay ngắn, khoa học. Đưa ra những lời động viên khuyến khích trẻ như: "Được rồi, con ạ! Mọi người đều có thể mắc lỗi và quan trọng là chúng ta biết nhận ra và sửa sai", "Con là một đứa trẻ ngoan. Con không nên tranh giành đồ chơi với bạn hay đánh bạn con nhé!"...
Người lớn chúng ta phải mẫu mực trong các tình huống để các bé noi theo. Nếu chúng ta không kềm chế được mà la mắng hay đánh trẻ thì vô tình trẻ sẽ học cách giải quyết của bạn. Phải làm mẫu cho các bé noi theo - một lời nhận lỗi chẳng hạn, như "Ồ! Tôi mắc lỗi rồi, để tôi sửa lỗi" hay "Tôi xin lỗi, tôi đã sai rồi" và chỉ cho trẻ thấy rằng những lỗi lầm chính là một phần của cuộc sống. Qua lỗi đó, chúng ta rút ra được những kinh nghiệm để phòng tránh mắc phải sai phạm sau này.
Giải pháp cần thực hiện
Việc trẻ phạm lỗi và nhận ra lỗi lầm của mình là rất quan trọng cho những thành công trong cuộc sống sau này của trẻ. Sau đây là những ứng xử nên có của cha mẹ, cô giáo khi trẻ có lỗi: bình tĩnh khi trẻ sai phạm lỗi gì hay trẻ vô tình làm vỡ đồ. Nếu trẻ đang học ở nhà trẻ, hãy giúp trẻ dọn dẹp lại khi chúng bày bừa bãi. Còn với trẻ lớn hơn (4-5 tuổi), hãy yêu cầu trẻ tự dọn dẹp lại những thứ mà chúng đã bày ra sau khi chơi xong.
Đưa ra những lời phê bình có tính tích cực cho trẻ như: "Được rồi, con à! Mọi người đều có thể mắc lỗi" hay "Nào! Con hãy cùng lau dọn với cha, mẹ, cô". Kêu gọi anh, chị, em trong nhà hay những trẻ khác trong lớp cùng dọn dẹp giúp trẻ, thông qua việc làm này cha mẹ, giáo viên sẽ dạy cho chúng cách giúp đỡ anh chị em, bạn bè và những người sống quanh chúng ta.
Lưu ý: Mỗi khi ở nhà hay trong lớp khi trẻ mắc lỗi, chúng ta phải giải thích thật kỹ lưỡng, rồi nói về trách nhiệm giải quyết lỗi lầm đó của trẻ. Sau đó trình bày mẫu những cách sửa lỗi thích hợp để khi trẻ mắc lỗi học và làm theo.
Cha mẹ, giáo viên cũng nên cho trẻ biết, đôi khi cha mẹ, cô giáo và những người lớn cũng mắc phải những sai lầm và nhận ra, rồi quyết tâm sửa những lỗi lầm đó.
Lê Thị Thu Ba (HT Trường MNDL Mỹ Úc)
Theo Báo Giáo Dục