Thời gian gần đây, chúng ta thường nghe các bà mẹ ca thán về việc con mình lười ăn. Đã có rất nhiều diễn đàn mở ra về chủ đề này. Vậy nguyên nhân thực sự nằm ở đâu?
Biếng ăn, tại con hay tại mẹ?
Thường khi em bé được 5 tháng tuổi, chúng ta mới đặt ra vấn đề biếng ăn ở trẻ, bởi trước đó, sữa (sữa mẹ hay sữa ngoài) vẫn là thức ăn chính, thức ăn khác chỉ là để "dặm" thêm. Có thể lúc đầu bé chưa quen, ít chịu ăn nên bị kêu là "biếng ăn" chăng?
Các bà mẹ thường hay ca thán về việc con mình lười ăn
Ngoài ra, khi mẹ đi làm lại, việc cho bú, cho ăn được giao cho người khác cũng có thể khiến cho bé kém ăn hơn, do bé lạ người chăm sóc. Việc chuyển từ bú mẹ sang bú bình cũng có thể gây ra sự "chểnh mảng" trong vấn đề hấp thụ sữa của bé vì núm vú cao su không có độ mềm giống vú mẹ.
Ngày nay, khi bắt đầu cho bé tập ăn, các bà mẹ thường dùng máy xay sinh tố hoặc máy xay tay cầm để xay nhuyễn tất cả các loại thức ăn, vừa đảm bảo cho bé đủ chất dinh dưỡng, vừa sạch sẽ, tiết kiệm thời gian cho mẹ. Phương pháp này được duy trì cho đến khi bé mọc răng mà không bà mẹ nào nghĩ rằng như thế vô tình làm mất đi khả năng nhai và thưởng thức thức ăn của con mình. Và như thế, việc bé lười ăn, không thích ăn đã chẳng còn là "tại con" nữa.
Tập ăn cho trẻ thế nào?
Từ 6 tháng, khi bé bắt đầu mọc răng, cần cho bé ăn đặc hơn: có thể tập cho ăn yaourt, phô-mai để phết bánh mì. Trẻ lớn hơn có thể đa dạng hóa các món đồ uống có sữa bằng cách thêm cacao, hoặc trái cây, làm thành yaourt dạng uống hay cho ăn kem. Bé mọc răng nhiều càng nên cho ăn đặc hơn: 9 tháng, với 2 - 3 răng, nên bằm hoặc xay nhỏ thức ăn, như rau, thịt, cá. Qua tuổi lên 2, đủ 20 răng sữa thì nên xắt hạt lựu các thức ăn, để trẻ tập nhai.
Bao tử trẻ còn nhỏ nên chỉ cho ăn từng chút một. Thức ăn cần trông "ngon mắt" để bé thấy "muốn nhai" cho "no cái bụng"!
Tính đa dạng cũng rất cần để tránh chán ăn: Chúng ta thường nhận thấy trẻ con dễ chấp nhận ăn riêng từng thức ăn như: trái cây, bánh quy, yaourt, cháo... nhưng chóng chán những hỗn hợp thức ăn, chính vì chúng được xay quá nhuyễn và loãng bằng máy xay sinh tố.
Thức ăn cần kích thích các giác quan và phù hợp với tình trạng răng miệng bé sẽ ăn ngon bằng vị giác, bằng tai, bằng mắt, khi được bốc, đưa lên miệng lưỡi. Khi bé có răng, cần tạo điều kiện cho bé tập nhai. Có nhai mới tiết ra nước miếng, ăn càng ngon thêm.
Khuyến khích tính chủ động trong ăn uống thay vì "kè kè" theo sau bé để đút, tại sao không bày ra cho bé "trò chơi tự xúc ăn" xem cái tay có khéo cầm muỗng, hàm có nhai giống bố, mẹ không? Bé làm được gì thì nhớ khen bé, bé sẽ làm tiếp cho coi!
Phụ huynh cần lưu ý
Khi trẻ bệnh, trẻ sẽ biếng ăn, nên chế biến các thức ăn giàu dinh dưỡng, và phải kiên trì dỗ dành cho trẻ ăn ít một, chia thành nhiều bữa trong ngày, không nên ép trẻ ăn.
Không lợi dụng lúc ngủ để cho bú đêm cũng như ngày: vì khi bé thức dậy sẽ không có cảm giác đói tự nhiên nữa. Ngoài ra, vào giường rồi cho bú còn có hai nguy cơ: sún răng và viêm họng do đường vào dính răng vì không được làm vệ sinh răng miệng.
BS. Nguyễn Lân Đính
Theo ThanhNien