Khi trẻ được 4-6 tháng tuổi, bạn cần cho trẻ ăn thêm thức ăn khác ngoài sữa mẹ. Việc tập cho trẻ quen với thức ăn dặm đòi hỏi các bà mẹ phải kiên nhẫn.
Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ, cung cấp mọi dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của trẻ trong 4-6 tháng đầu đời vì các dưỡng chất có trong sữa mẹ đạt được sự cân bằng lý tưởng, trẻ dễ tiêu hóa sữa mẹ và sữa mẹ cũng đảm bảo vệ sinh.
Bên cạnh đó, sữa mẹ còn chứa các kháng thể giúp trẻ chống lại nhiễm trùng và giúp ngăn ngừa táo bón. Khi được 4-6 tháng tuổi, trẻ cần thức ăn khác ngoài sữa và đã sẵn sàng về mặt thể chất để bắt đầu ăn thức ăn cứng.
Khi trẻ được 4-6 tháng tuổi, bạn cần cho trẻ ăn thêm thức ăn khác ngoài sữa mẹ
Thời điểm thích hợp
Nên bắt đầu cho trẻ ăn thức ăn cứng khi bé khoảng 4-6 tháng tuổi.
Gần đây có thay đổi về khuyến cáo thời điểm cho trẻ bắt đầu ăn thức ăn cứng vì hiện nay chúng ta biết nhiều hơn về việc khi nào trẻ sẵn sàng tiếp nhận thức ăn cứng và ảnh hưởng của việc cho thức ăn cứng quá sớm.
Thường thì bạn nên chờ cho trẻ 6 tháng tuổi mới cho ăn thức ăn cứng, nhưng cũng nên tham khảo ý kiến bác sĩ về thời điểm này vì từng trẻ con có thể khác nhau. Nếu bạn muốn cho trẻ ăn thức ăn cứng trước 4-6 tháng tuổi, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ; và tốt hơn hết đừng cho trẻ ăn bất cứ thức ăn nào trước 4 tháng tuổi (17 tuần).
Tại sao phải chờ đến 4-6 tháng tuổi?
Cho trẻ ăn thức ăn cứng trước khi trẻ có thể thích ứng có thể làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn và dị ứng. Khi được 4-6 tháng tuổi, trẻ cần thức ăn khác ngoài sữa và đã sẵn sàng về mặt thể chất để bắt đầu ăn thức ăn cứng. Ở tuổi này, trẻ có thể ngồi khi được trợ giúp, kiểm soát đầu và di chuyển thức ăn quanh miệng. Hệ tiêu hóa, miễn dịch của trẻ cũng mạnh hơn và trẻ cũng thường tỏ ra quan tâm đến thức ăn và muốn nhai.
Đối với trẻ sinh non, nên tham khảo ý kiến bác sĩ về lứa tuổi thích hợp bắt đầu ăn thức ăn cứng.
Bắt đầu thế nào?
Nên bắt đầu cho trẻ ăn thức ăn cứng qua 4 giai đoạn:
Giai đoạn 1: Khi bắt đầu cho trẻ ăn thức ăn cứng, bạn cho trẻ ăn kèm theo sữa mẹ hoặc sữa công thức các loại rau, củ, quả nghiền như cà rốt, củ cải, khoai tây, khoai mỡ, chuối, táo, lê, xoài... Có thể cho trẻ ăn trước hoặc sau cữ sữa thường lệ vào giữa bữa ăn. Nếu thức ăn nóng, cần trộn và làm nguội, ăn thử trước khi cho trẻ ăn.
Trẻ sẽ cần thời gian để học cách lấy thức ăn ra khỏi muỗng, cho nên cần kiên nhẫn và sẵn sàng cho một số rắc rối có thể xảy ra. Chẳng hạn như trẻ có thể khóc vì trước đây thức ăn là dòng nước chảy liên tục thì nay có những khoảng ngừng khó chịu.
Đừng ấn thức ăn vào miệng trẻ: Nếu trẻ tỏ ra không muốn thức ăn đó, hãy ngừng lại và chờ lần sau. Mục tiêu chính của giai đoạn này là giúp trẻ quen với khái niệm ăn từ muỗng. Nguồn dinh dưỡng chính lúc này của trẻ vẫn là sữa mẹ hoặc sữa công thức (500-600ml/ngày).
Giai đoạn 2: Thức ăn chính lúc này vẫn là sữa mẹ hoặc sữa công thức (500-600ml/ngày). Bạn tăng dần lượng thức ăn trong mỗi cữ sữa, có thể trước, trong hoặc sau cữ sữa. Đồng thời bạn cũng tăng dần số lần cho ăn thức ăn trong ngày từ 1 lần đến 2, sau đó 3 lần.
Cho trẻ ăn thức ăn từ ngũ cốc (1lần/ngày) và bắt đầu thêm các loại thức ăn cùng nhiều loại vị khác nhau. Bạn có thể dùng nhiều loại thức ăn mà bạn nấu cho chính mình, chỉ cần xay hoặc nghiền với lượng nhỏ, nhưng nhớ là đừng thêm muối, đường hay mật ong.
Giai đoạn 3: Thức ăn cứng trở thành thực đơn không thể thiếu trong bữa ăn của trẻ. Điều quan trọng là bạn cần cho trẻ ăn nhiều loại thức ăn khác nhau nhằm cung cấp mọi vitamin và chất khoáng cần thiết. Trẻ vẫn cần tối thiểu 500-600ml sữa mẹ hoặc sữa công thức mỗi ngày.
Cố gắng cho trẻ ăn 2 đến 3 bữa thức ăn tinh bột như khoai tây, cơm, bánh mì kèm rau củ các loại mỗi ngày. Trẻ vẫn nên có một bữa ăn thịt, cá, trứng, đậu hũ nấu mềm. Thịt đỏ như thịt bò, thịt heo là nguồn sắt tuyệt vời. Trứng (nấu chín) là nguồn protein giày dinh dưỡng, nhanh chóng và rẻ.
Khi trẻ lớn thêm, có thể cho trẻ ăn thức ăn chắc và có hình dạng khối hơn để khuyến khích trẻ nhai và xử lý các miếng thức ăn nhỏ, ngay cả khi trẻ chưa có răng. Cho trẻ các thức ăn cầm trên tay như bánh mì, táo đã gọt vỏ, chuối, cà rốt, phô mai. Tránh các loại bánh qui ngọt vì chúng tạo thói quen ăn đồ ngọt cho trẻ.
Giai đoạn 4: Khi trẻ trở nên quen với việc ăn thức ăn cứng, nên tập cho trẻ thích nghi với việc ăn uống của gia đình bằng cách ăn 3 bữa có thịt băm mỗi ngày, cùng với sữa mẹ hoặc sữa công thức (khoảng 500-600ml mỗi ngày) có thể cho trẻ ăn thêm trái cây vào giữa các bữa ăn.
Nếu trẻ đang trong tập đi (hoặc bắt đầu biết bò), bạn có thể cần phải tăng lượng thức ăn cho trẻ. Trẻ em có dạ dày nhỏ và cần năng lượng để phát triển, vì vậy bạn nên cho trẻ dùng sản phẩm sữa béo toàn phần. Cắt giảm chất béo có ý nghĩa đối với người lớn, nhưng không có ý nghĩa đối với trẻ nhỏ.
Cho trẻ ăn thức ăn tinh bột và rau quả 3-4 lần /ngày. Đừng cho trẻ ăn đồ ngọt vì chúng sẽ làm đầy bụng trẻ mà lại không cung cấp đủ chất.
Để việc cho trẻ bắt đầu ăn dặm dễ dàng hơn Theo nhịp ăn của trẻ: Nên dành cho trẻ nhiều thời gian để ăn, nhất là lúc đầu. Con bạn cần học cách di chuyển thức ăn cứng từ phía trước lưỡi ra sau để nuốt.
Chỉ hâm nóng lại vừa đủ lượng trẻ ăn, không hâm quá nhiều để sau đó lại bỏ đi. Tương tự, không làm đông lại thức ăn trước đó đã được làm đông. Và luôn nhớ rằng mọi thứ bạn dùng cho trẻ ăn cần phải thật sự sạch sẽ.
Luôn đứng gần trẻ khi cho trẻ ăn để đảm bảo trẻ không bị hít sặc.
Không thúc ép trẻ ăn: Hầu hết trẻ biết khi nào chúng đã ăn đủ. Đừng dùng nhiều thời gian để thuyết phục trẻ ăn vì chúng sẽ chẳng mấy chốc nhận ra rằng từ chối ăn uống là một cách tốt nhất để gây sự chú ý ở người lớn.
Thời điểm thích hợp: Hãy chọn thời gian trong ngày sao cho cả bạn và trẻ đều thư giãn, thoải mái.
Cho trẻ ăn nhiều loại thức ăn mà bạn và gia đình thường ăn, điều này có thể giúp trẻ không kén ăn sau này.
|
TS Lâm Vĩnh Niên
Theo Tin Tức