Khoảng 8-10 tháng tuổi, bạn có thể cho bé làm quen với kiwi. Vì kiwi có vị chua tự nhiên nên nếu cho bé ăn quá sớm, một số bé có cơ địa mẫn cảm sẽ xuất hiện phản ứng xấu như: bé đi tiêu ra phân có bọt; bé bị nổi ban ở miệng hoặc ở mông...
Kiwi thường có hai loại: Loại vỏ nâu nhạt, có ruột màu vàng, vị ngọt mát; loại vỏ nâu, ruột xanh, vị chua.
Với nhóm bé có tiền sử dị ứng thức ăn, bạn nên đợi đến khi bé được khoảng 10-12 tháng mới nên cho bé tập ăn kiwi.
Với bé mới tập ăn, bạn có thể dùng thìa dầm nhuyễn phần ruột của quả kiwi và cho bé thưởng thức. Bạn không cần phải loại bỏ hạt đen trong ruột kiwi vì chúng không gây hại gì cho bé nhưng nếu muốn, bạn có thể tách riêng phần thịt và phần hạt kiwi; sau đó, bạn cho bé ăn phần thịt của quả.
Thực đơn với kiwi (dành cho bé đã biết nhai)
1. Salad kiwi
Nguyên liệu: 1 quả kiwi được bóc vỏ, thái hạt lựu; ½ quả chuối chín đã được bóc vỏ, thái hạt lựu; 1 miếng lê nhỏ đã được bóc vỏ, thái hạt lựu.
Cách làm: Trộn hỗn hợp kiwi, chuối, lê trong một chiếc bát và để bé thưởng thức món hoa quả này bằng cách bốc tay.
2. Hỗn hợp kiwi, lê, xoài
Nguyên liệu: 1 quả kiwi chín đã được bỏ vỏ, thái hạt lựu; 1 miếng lê nhỏ đã bỏ vỏ, thái hạt lựu; 1 miếng nhỏ xoài chín, đã bỏ vỏ, thái hạt lựu.
Cách làm: Trộn hỗn hợp trên vào một chiếc bát rồi cho bé dùng tay bốc. Bạn không nên lo lắng vì đống hỗn độn mà bé có thể gây ra bởi cách ăn này; vì quan trọng là khi kiwi được ăn chung với những loại quả vị ngọt mát khác, nó sẽ giảm thiểu cảm giác chua và khiến bé ngon miệng.
Một số loại thức ăn có thể trộn chung với kiwi là: táo, lê, đào, quả việt quất.
Dưỡng chất có trong một quả kiwi:
- Vitamin A (66 IU), vitamin C (70,5mg), vitamin B1 (2mg), vitamin B2 (2mg).
- Kali (237mg), photpho (26mg), magiê (13mg), canxi (26mg), cùng một hàm lượng nhỏ mangan, chất xơ và kẽm.
Theo mevabe.net