Tâm lý
   Nghệ thuật "đàm phán" với con cái
 

Trong gia đình từ xưa đến nay, hễ con làm trái cha mẹ, liền bị đánh mắng. Lỗi nặng đánh nhiều, lỗi nhẹ đánh ít. Không ít bậc cha mẹ cũng nhận ra phương pháp giáo dục kiểu này là lạc hậu, kém hiệu quả. Nhưng nếu không áp dụng thì lấy phương pháp gì để thay thế?

Yêu cho roi cho vọt?
Trong nhóm bạn chuyên đua xe, đi vũ trường và sống quần hôn, Ngọc Bảo là người duy nhất không được bố mẹ cưng chiều buông lỏng như các bạn. Trái lại, lối giáo dục hà khắc, "phát xít" của cha khiến Bảo tung hoành như con ngựa hoang khi bước ra khỏi nhà, khuất tầm mắt cha mẹ. Càng ức chế ở nhà, Bảo càng tìm cách "xì" ra trong nhóm bạn bằng lối sống thác loạn, thoát khỏi mọi nguyên tắc, khuôn khổ. Cha mẹ Bảo vẫn tự hào về việc có thể nắm thế chủ động trong giáo dục con cái. Bảo sống hai mặt, ra ngoài thì "quậy tới bến", nhưng trong nhà, Bảo vẫn là cậu con trai ngoan hiền, sợ đòn, răm rắp tuân thủ theo lời người lớn.

Các bậc cha mẹ lưu ý, không vì xót con mà "ân xá" trước hạn so với mức hình phạt, vì như thế sẽ khiến "luật" bị lờn

Bảo là một trường hợp được đem ra để phân tích trong buổi sinh hoạt chuyên đề "Phải chăng yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi là phương châm dạy con thích hợp?", do tiến sĩ Nguyễn Viết Hùng chủ trì tại Hội quán Các bà mẹ (Q.7, TP.HCM). Câu nói của người xưa có thể hiểu nôm na: thật sự yêu thương con, muốn con nên người thì phải trừng phạt nghiêm khắc, chứ không nên chiều chuộng, khen thưởng ngọt ngào. Tuy nhiên, câu nói cũng dễ gây hiểu lầm là cổ xúy cho nạn bạo lực.

Thực ra, dùng roi vọt là cách nhanh nhất để con làm theo ý muốn của cha mẹ, nhưng cũng là cách nhanh nhất để đẩy con ra xa. Bạo lực thể hiện sự bất lực của cha mẹ khi chạm đến những tình huống của trẻ trong đời sống hiện đại, khi tâm sinh lý trẻ ngày nay biến chuyển phức tạp.

Tiến sĩ Hùng cho rằng, có thể chia ra ba kiểu dạy con. Kiểu thứ nhất là độc đoán, nặng về hình phạt. Trẻ bị nhào nặn theo ý muốn của người lớn nên thiếu vai trò cá nhân, tự do sáng tạo, sinh ra bị động, rập khuôn và bị ức chế, gò ép. Kiểu thứ hai là buông lỏng, cho trẻ hoàn toàn tự do thoải mái. Trẻ chưa tự chủ, chưa biết phân tích đúng sai nên dễ mất phương hướng và sinh hư khi có tác động xấu. Kiểu thứ ba (thiểu số) là giáo dục trong bầu không khí dân chủ, cương quyết nhưng linh hoạt, cho trẻ một môi trường tối ưu để phát triển.

Kỹ năng đàm phán
Kỹ năng đàm phán giúp đôi bên cùng có lợi, đừng nghĩ để con nói lại là "sự nghiệp" làm cha mẹ của mình đã thất bại. Trẻ được nói trong nhà hứa hẹn sẽ trở thành một người dám đứng thẳng lưng, dám phản biện khi bước ra xã hội. Hiện nay, phần lớn phụ huynh chỉ "phán" chứ không... "đàm". Không cho con nói, lại trách "con ngày càng thách thức, lì đòn, riết rồi cũng không hiểu nó muốn gì", "chuyện gì nó cũng "tâu" với bạn trong khi người sinh nó ra, nuôi dạy nó thì chẳng biết mô tê"... Các bậc cha mẹ, nên nhớ mối quan hệ bị "xuống màu" là do cả hai phía.

Nghệ thuật đàm phán là huyết mạch của tất cả các mối quan hệ, tại sao chúng ta không lắp đặt kênh thông tin ấy trong quan hệ gia đình? Nếu ai từng bị cha mẹ bắt "câm mồm" thì sẽ hiểu con mình hiện tại đang đau khổ, bức bối như thế nào khi bị "cắt một chiều".

Theo chị Lê Quế Phương (Học viện Help - Malaysia, Hội trưởng Hội quán Các bà mẹ), lý thuyết đàm phán của tiến sĩ tâm lý người Mỹ Phillip C. Mc Graw (ra đời gần 10 năm nay) là phương pháp giáo dục gia đình được nhiều người áp dụng trên thế giới. Có 5 bước để đàm phán với con: thu hẹp khu vực tranh chấp giữa ý muốn của con và cha mẹ; tìm hiểu xem con thực sự muốn gì; nhường nhịn lẫn nhau; cụ thể trong thỏa thuận; tự sửa đổi về cách hiểu con.

Để nâng cao tính dân chủ trong gia đình, cha mẹ có thể mời con làm đối tác cùng bàn thảo và thực hiện "hợp đồng" cư xử (bằng miệng, trên giấy). Đây là công cụ giúp con có ý thức kỷ luật, rèn luyện khả năng kiềm chế, hiểu được vai trò của mình trong tập thể và tự giác nhận hình thức xử phạt phù hợp nếu vi phạm. Mẫu hợp đồng: "Tôi là Bé Bi, cùng cha mẹ tôi liên kết tham gia vào bản hợp đồng về cư xử để tạo sự trật tự và hoà thuận trong gia đình. Các điều khoản: 1, 2, 3... Nếu tôi vi phạm, tôi sẽ chịu những hình phạt: a, b, c... mà không được rên rỉ, chống đối. Cả hai đều cam kết tôn trọng các điều khoản quy định. Hợp đồng này có hiệu lực 30 ngày kể từ ngày ký và sẽ được thảo luận lại. Ký tên".

Các bậc cha mẹ lưu ý, không vì xót con mà "ân xá" trước hạn so với mức hình phạt, vì như thế sẽ khiến "luật" bị lờn. Và, quan trọng là đừng bao giờ đem tình thương làm đề mục đàm phán.

Theo Phụ Nữ

 

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:


guest

Làm cha mẹ tốt
Ngày gửi: 5/28/2009 9:32:39 AM

Tôi thấy ngày nay nhiều bật phụ huynh vì thương con nên không dám la mắng con sợ con khóc và tủi thân. Nhưng cũng không vì quá chiều con mà cha mẹ lại đối xử rất dễ dãi như vậy tôi nghĩ cha mẹ phải biết xử lý đúng và kịp thời trước mọi tình huống và cũng đừng quá vũ phu đánh đập con cái nghe các ông cha bà mẹ. Nhớ nha!


Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Làm cha mẹ tốt (26/5)
 Rèn cho trẻ tính ngăn nắp (25/5)
 Xử trí khi bé thích ném đồ vật (25/5)
 Hội chứng con cưng (25/5)
 Bé “lắm chiêu” khi đến giờ đi ngủ! (22/5)
 Con trẻ cũng "sốt" hàng hiệu. (22/5)
 3 rắc rối ngôn ngữ ở bé và vai trò của cha mẹ (22/5)
 Khi bé có 'máu nhà buôn' (19/5)
 Trẻ thừa hưởng tính cách từ cha mẹ là chủ yếu (15/5)
 Làm gì để bé thích đọc sách (15/5)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i