|
Ảnh: Hoàng Hà. |
Gần đây, chị Thúy Anh (TP HCM) tỏ lo lắng vì cô con gái bốn tuổi trở nên cáu bẳn, hay khóc đêm, thi thoảng còn đái dầm. Bé rất hung dữ với em trai mới tám tháng tuổi. Thi thoảng, bé còn bấu véo khiến em khóc thét lên.
Trước đây bé rất ngoan, lúc nào cũng cười nói vui vẻ, luôn làm cho cả nhà vui. Chơi với em bé hàng xóm, bé luôn chiều chuộng, chăm sóc em chứ không "bạo lực" như bây giờ.
Còn cậu con trai 7 tuổi của gia đình anh Hải (Bình Dương) lại khác. Cháu luôn miệng sai cậu em bốn tuổi làm những việc lặt vặt cho mình, khi thì lấy cho anh cuốn truyện, lúc bảo lấy cho anh ly nước, đem bỏ cái tô bẩn này xuống dưới bếp.
Ban đầu, cậu em rất sung sướng nhưng càng ngày nó càng cảm thấy khó chịu vì bị anh hai bắt làm cả những việc nó không thích. Anh hai còn cấm nó không được chơi cái này, cái kia. Thằng em bắt đầu phản ứng không chịu nghe lời, thậm chí chọc tức và gây gổ lại anh.
Thế là chiến tranh xảy ra. Ba mẹ can thiệp nhưng vẫn không thể chấm dứt được những cuộc cãi nhau. Và cậu anh luôn luôn cho rằng mình có "quyền" làm như vậy.
Theo thạc sĩ Lâm Thanh Tùng (Trưởng khoa Tâm lý lâm sàng, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2) thì xung đột, cạnh tranh, mẫu thuẫn giữa anh chị em trong gia đình là điều rất tự nhiên và bình thường.
Tuy nhiên, nếu cha mẹ không khéo giải quyết và có thái độ xử lý không đúng, sẽ khiến con cái lo lắng, mất cảm giác an toàn. Nhiều trẻ vì thế mà bị rối nhiễu tâm lý, biểu hiện qua các triệu chứng: đái dầm, cắn móng tay, lo lắng, thiếu tập trung trong học tập... Một số trẻ lại trở nên tham lam, ích kỷ, vô lễ, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống sau này của các cháu.
Sau đây là một số gợi ý giúp các bậc cha mẹ giải quyết mẫu thuẫn giữa các bé:
1. Tránh so sánh các con với nhau
Chúng ta có thói quen so sánh các con trong gia đình với nhau, nhằm mục đích cho chúng thấy mình không bằng chị bằng em nên phải cố gắng. Tuy nhiên, kết quả thường ngược lại. Sự cạnh tranh càng trở nên gay gắt.
Thay vì nói: "Con không ngoan bằng em bé, con không thông minh và học giỏi như anh Hai"..., chúng ta nên khen hay chê con đúng mực: "Con có điểm tốt, em có này hay nhưng các con còn chưa được tốt ở điểm này".
2. Không cố gắng tỏ ra công bằng
Cha mẹ thường cố chứng tỏ mình công bằng với con cái, bằng cách chia đều mọi thứ cho từng đứa. Tuy nhiên, những đứa bé tinh ranh sẽ tìm đủ mọi cơ hội để chỉ ra những điểm thua thiệt của mình so với anh chị.
Trong trường hợp này, bạn hãy đáp ứng theo nhu cầu và khẩu phần của từng đứa. Điều quan trọng là biết khuyến khích các con phát triển những cá tính riêng nổi trội của chúng.
3. Đặt ra những quy định rõ ràng
"Không được đánh nhau, không được tự tiện lấy đồ của người khác, phải hỏi trước khi mượn đồ của người khác...", những quy đình này không ngoại lệ với bất kỳ ai, dù là đứa nhỏ nhất.
Luôn tạo cơ hội để con cái cùng làm những công việc như: đứa lớn quét nhà, thì đứa bé hơn lau bàn ghế... Khuyến khích các con giải quyết mẫu thuẫn mà không cãi vã, la lối, khóc lóc hay đánh nhau.
Thay vì chúng ta dạy con: "Làm như mẹ nói" thì hãy nói: "Hãy làm như cha mẹ đã làm". Để trẻ giải quyết những xung đột của chúng "như người lớn", thì cha mẹ hãy làm sao để giải quyết mẫu thuẫn của mình không "như trẻ con".
La lối, đánh nhau, ăn vạ, thể hiện quyền lực thực ra chỉ là những biểu hiện thể hiện sự yếu đuối, hãy cố gắng giúp các con hiểu điều này.
(Theo Phụ nữ)