Các bậc phụ huynh và giáo viên các cấp học mầm non và tiểu học thường than phiền học sinh kém tập trung trong giờ học. Phụ huynh thường băn khoăn tại sao trẻ không tập trung được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp: ngọt ngào, quát tháo, bắt ép.v.v... nhưng vừa mới ngồi vào bàn học được một chút là trẻ quay ngang quay ngửa, uể oải, lơ đãng hoặc học hoài không nhớ.
1/ Để tìm ra nguyên nhân vì sao trẻ kém tập trung, chúng ta tìm hiểu tập trung là gì và giới hạn tập trung theo từng lứa tuổi như thế nào?
- Tập trung: là sự chú ý vào một sự vật, sự việc, hiện tượng, một hoạt động nào đó một cách tích cực trong một giới hạn thời gian nhất định.
Tùy theo lứa tuổi mà giới hạn thời gian của chú ý là khác nhau. Các nhà tâm lý học đã đưa ra một giới hạn thời gian tương đối cho mỗi lứa tuổi: trẻ 3-4 tuổi, thời gian tập trung chú ý của trẻ trong khoảng: 8-10 phút, trẻ 4-5 tuổi, thời gian tập trung khoảng 10 - 15 phút, trẻ 5-6 tuổi thời gian tập trung khoảng 15-25 phút. Đây là giới hạn tương đối của mỗi trẻ, tuy nhiên thời gian này có kéo dài hay rút ngắn còn tùy thuộc ở nhiều yếu tố tác động.
- Các yếu tố tác động làm trẻ kém tập trung:
Phụ huynh thường than phiền con mình kém tập trung. Thực sự trẻ có kém tập trung hay không hay do yêu cầu của chúng ta đặt vào trẻ quá cao so với lứa tuổi của trẻ?
Vậy biểu hiện của kém tập trung là gì?
- Khả năng tập trung của trẻ nằm dưới giới hạn thời gian tập trung của trẻ nhiều.
- Trẻ lơ là, mơ màng và tỏ ra uể oải khi tham gia các hoạt động, học tập và vui chơi.
- Trẻ không nhớ được những kiến thức, thông tin mà người lớn cung cấp cho trẻ.
- Học trước quên sau.
- Không hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao hoặc hoàn thành không đúng thời hạn được giao.
Trên đây là một số biểu hiện cơ bản của kém tập trung. Vậy do đâu trẻ kém tập trung?
2/ Sự phân tâm chính là nguyên nhân chính của việc tập trung chú ý kém, thường do hai nguyên nhân chính sau:
* Nguyên nhân bên trong:
- Do sức khỏe trẻ yếu: còi xương, suy dinh dưỡng, thậm chí kể cả trẻ béo phì thì khả năng tập trung kém hơn những trẻ khỏe mạnh và phát triển thể chất tốt. Bệnh tật, đói bụng cũng là nguyên nhân tác động đến việc giảm tập trung, chú ý.
- Do tâm lý: trẻ buồn bực, lo sợ, căng thẳng, mặc cảm hay có sự buồn phiền.
- Thiếu động lực: trẻ không có động lực tham gia vào các hoạt động, cảm thấy chán nản và không có hứng thú.
- Mơ mộng
- Suy nghĩ tiêu cực: điều này thường gặp ở trẻ hay bị người khác chê bai.
- Kiến thức quá cao (ngoài vùng phát triển của trẻ), hoặc quá thấp (dưới vùng phát triển), hoặc học những cái trẻ đã biết, đã được học trước.
* Nguyên nhân bên ngoài:
Các yếu tố bên ngoài cũng ảnh hưởng rất lớn đến khả năng tập trung chú ý của trẻ. Những tác động sau đây sẽ làm khả năng chú ý của trẻ giảm:
- Tiếng ồn: tiếng nói chuyện, âm thanh xe cộ, con vật kêu, tiếng ti vi, nhạc.v.v...
- Ánh sáng không đủ
- Người khác quấy rầy, bạn bè chọc ghẹo
- Những yếu tố xung quanh nổi bật và thu hút sự chú ý của trẻ hơn là chú ý vào giờ học.
Ví dụ: đồ chơi đẹp ở các góc nổi bật hơn nội dung bài dạy của cô, các đồ dùng đồ chơi lạ mắt mà trẻ chưa được thấy bao giờ, trẻ tập trung khám phá đồ chơi hơn chú ý bài giảng của cô. Những đồ chơi xung quanh chỗ bàn học của bé.v.v..
Như vậy, người lớn có thể hạn chế và khắc phục các yếu tố làm trẻ phân tâm, giảm sự chú ý vào hoạt động học tập của trẻ. Cũng cần phải thiết lập kế hoạch học tập và tạo hứng thú cho trẻ để phát huy tính tích cực và khả năng chú ý của trẻ.
Trúc Giang mamnon.com