Tâm lý
   Giáo dục nhân cách cho trẻ mầm non
 

Hình thành nhân cách cho trẻ là nhiệm vụ rất quan trọng trong các cơ sở giáo dục mầm non và các bậc cha mẹ trẻ. Khoa học tâm lý đã khẳng định rằng khi hết tuổi mầm non, ở đứa trẻ đặt xong nền móng đầu tiên của nhân cách, sự phát triển về mặt đạo đức cho trẻ sau này đều mang rõ dấu ấn của thời ấu thơ. Vì thế, từ lứa tuổi này chúng ta phải chăm lo phát triển toàn diện cho trẻ, trên cơ sở đó mà từng bước hình thành nhân cách cho trẻ theo phương hướng, yêu cầu mà xã hội mới đặt ra.

Trong trường mầm non, hình thành tổ chức giáo dục đạo đức cho trẻ được thông qua chế độ sinh hoạt hàng ngày của cô và trẻ như: đón trẻ, thể dục sáng, giờ hoạt động chung, hoạt động vui chơi, đi dạo, ăn trưa, ngủ trưa, hoạt động chiều, nêu gương và chuẩn bị ra về. Những hoạt động trên nối tiếp nhau và được lặp lại hàng ngày. Thông qua hoạt động hàng ngày cô giáo thực hiện nhiều yêu cầu giáo dục đạo đức, dạy dỗ trẻ biết quan tâm, tự tin, tự ý thức và tôn trọng mọi người xung quanh, giáo dục tinh thần tự lực, tự giác, ý thức kỷ luật, trật tự trong sinh hoạt, hành vi văn minh, giữ gìn vệ sinh, giáo dục tình thương, quan hệ đoàn kết thân ái với bạn, biết yêu mến và tôn trọng người lớn, tinh thần chăm sóc và giữ gìn của công cũng như của riêng mình.

Giáo dục đạo đức cho trẻ còn thông qua trò chơi, vì vui chơi là hoạt động chủ đạo của lứa tuổi mẫu giáo. Các đặc điểm tâm lý mới, các nét tính cách mới của trẻ được hình thành chủ yếu do hoạt động chủ đạo này. Vì vậy trong công tác giáo dục đạo đức cho trẻ, trò chơi là một phương tiện giáo dục mạnh mẽ nhất. Ví dụ, trong vui chơi nếu bé giật đồ chơi của bạn, cô giáo có thể giải thích với bé: "việc giật đồ chơi của bạn là không được, nếu con thích thì phải mượn bạn chứ". Cô giáo cũng có thể hỏi trẻ lần sau sẽ làm gì để mượn đồ chơi của bạn. Trong các loại trò chơi, trò chơi phân vai theo chủ đề có vị trí đặc biệt quan trọng. Thông qua chủ đề mà cô giáo có tác động vào nhiều khía cạnh đạo đức của trẻ. Trong trò chơi phân vai theo chủ đề có hai mối quan hệ, đó là quan hệ giữa trẻ với nhau và quan hệ giữa các vai chơi với nhau. Các vai đều có tác dụng nêu gương quan trọng ngay cả đối với trẻ đóng vai, cho nên việc khai thác tác dụng giáo dục của trò chơi phân vai đòi hỏi phải công phu, sự chuẩn bị, suy nghĩ chu đáo của cô giáo.

Giáo dục đạo đức cho trẻ thông qua hoạt động học tập mà phát huy giáo dục đạo đức cho trẻ. Thông qua hoạt động nhận thức nhằm trau dồi cho trẻ những tri thức cần thiết về cuộc sống xung quanh mà giúp trẻ gắn bó với quê hương, biết yêu quí người lao động, có ý thức bảo vệ thiên nhiên, có những hành vi văn minh, làm giàu vốn tri thức về cuộc sống của trẻ, thông qua các hình tượng nghệ thuật giáo dục tình cảm về đất nước, con người, thiên nhiên, xây dựng cho trẻ những tri thức và kinh nghiệm về đạo đức giúp trẻ nhận biết được điều tốt, điều xấu, thúc đẩy hành vi đạo đức cho trẻ. Thông qua hoạt động học tập cô giáo từng bước giáo dục trẻ có ý thức kỷ luật, kỹ năng, biết chủ động tự lực vượt qua những khó khăn để hoàn thành công việc được cô giáo giao cho. Cô giáo cần có thái độ đúng đắn, nếu trẻ mắc phải lỗi lầm thì cô giáo phải nhắc nhở ngay, biểu lộ thái độ không hài lòng nhưng với thái độ bình tĩnh. Cần tìm hiểu nguyên nhân vì sao trẻ lại như vậy, tuyệt đối không được nóng giận, mắng chửi hay đánh đập trẻ.

Ngoài ra việc cho trẻ lao động vừa sức, phù hợp với hứng thú nhu cầu gần gũi với sinh hoạt, đời sống của trẻ cũng là những phương tiện giáo dục đạo đức cho trẻ. Thông qua lao động hình thành cho trẻ những mầm mống phẩm chất của người lao động. Trẻ sẽ tự giác khi có tinh thần trách nhiệm. Với các bé còn nhỏ, cô giáo có thể giao các công việc như lau bàn, thu dọn đồ chơi... Những việc phù hợp với lứa tuổi sẽ giúp bé cảm thấy mình tốt hơn, đồng thời biết quan tâm tới người khác. Cách tốt nhất để dạy bé trung thực là hãy thực hiện những lời hứa của cô giáo và người lớn. Nếu chúng ta hứa với trẻ thì phải thực hiện lời hứa, tránh hứa những lời hứa mà khó thực hiện được.

Ngoài chế độ sinh hoạt một ngày của cô và trẻ tại trường mầm non các bậc phụ huynh là người thầy đầu tiên giáo dục về nhân cách. Các bậc phụ huynh cũng cần tìm hiểu cách giáo dục ở trường để tìm ra phương pháp hiệu quả. Để dạy các trẻ những nguyên tắc cơ bản của việc xây dựng tính cách như làm việc theo nhóm, lòng vị tha, trung thực, tư cách công dân, tinh thần trách nhiệm và sự tôn trọng. Cha mẹ yêu cầu sự giúp đỡ của trẻ sẽ giúp trẻ thấy mình có ích và quan trọng. Thường xuyên cho trẻ tham gia vào những công việc phù hợp lứa tuổi giúp trẻ phát triển tinh thần trách nhiệm và sự thân thiện với những người xung quanh, để trẻ phụ giúp mình làm những việc vừa sức. Điều này giúp trẻ có ý thức và trách nhiệm giúp đỡ cha mẹ ngay từ khi còn nhỏ. Trẻ sẽ cảm thấy mình cũng là thành viên tích cực và có ích trong gia đình. Chúng ta hãy động viên những cố gắng của trẻ, một đứa trẻ mà những nỗ lực của chúng được khen ngợi, động viên sẽ có tác dụng giúp chúng biết gìn giữ và phát huy hơn nữa để duy trì thành tích. Tuy nhiên, một đứa trẻ mà mọi cố gắng đều nhận được những lời khen ngợi quá đà sẽ không thể phát triển khả năng chịu đựng bất cứ sự thất bại nào hay tự rèn luyện cho mình một kỹ năng gì hoàn thiện.

Các bậc phụ huynh và cô giáo có ảnh hưởng nhiều nhất đối với trẻ, luôn là những tấm gương cho trẻ nhìn vào và học tập. Cha mẹ phải làm gương và để ý hành vi đối với bạn bè và họ hàng là một cách hiệu quả để dạy trẻ biết thế nào là sống tốt với mọi người, hãy làm gương tốt. Trẻ con bắt chước rất nhanh, kể cả thói xấu của người lớn. Các nhà nghiên cứu nghiên cứu khẳng định rằng con trẻ có thể học hỏi tất cả những đặc điểm của một tính cách tốt như quan tâm, tôn trọng, tự điều khiển, chia sẻ, cảm thông, khoan dung, kiên trì, an ủi, công bằng và lương tâm. Có nghĩa là chúng ta có thể dạy những đức tính này cho bọn trẻ và làm như thế sẽ nuôi dưỡng những phẩm chất tốt đẹp làm tăng sự phát triển đạo đức của con trẻ.

Những con người mới, những công dân chân chính của tương lai chỉ có thể hình thành nếu ngay từ tuổi mẫu giáo chúng ta biết đầu tư đúng lúc, vun trồng công phu, biết phát huy tính chủ động và sáng tạo của nhà trường, gia đình và xã hội cùng chăm lo./.

Thạc sĩ Huỳnh Thị Huệ
Sở Giáo dục và Đào tạo Long An

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:


guest

Giúp e trả lời nhiệm vụ giao dục đạo Đức cho trẻ mầm non
Ngày gửi: 5/22/2015 7:37:54 PM

Cho e hỏi bài viết nay có gọi là nhiệm vụ giáo dục đạo Đức cho trẻ mầm non
Được không ạ



Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Giúp bé yêu thích đến trường (21/4)
 Trẻ có quyền sai sót (20/4)
 Giúp bé lớp 1 rèn kỹ năng và ham học (20/4)
 Cẩn trọng khi khuyên răn con (20/4)
 Để trẻ biết nghe lời (17/4)
 Giúp trẻ tập trung (17/4)
 Hãy trả lời những câu hỏi của con bạn (17/4)
 Gam màu quan trọng đối với trẻ (16/4)
 6 điều nên tránh khi dạy bé (16/4)
 Những yếu tố giúp trẻ học ngoại ngữ tốt (15/4)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i