Cái khẩu hiệu "Ba mẹ ơi con yêu ba mẹ lắm!" chỉ được hô vang lên (giả dối sáo rỗng) trước công chúng, khi con thành đạt, thành danh, thành người mẫu sáng giá hoa hậu đình đám... Nếu muốn con thật sự biết yêu bố (mẹ) thì trước hết, bố (mẹ) phải cố gắng mà bớt chút thời gian (thường dùng yêu chính mình) để có thể thật sự yêu con.
Những ngày đầu tuần, thường là căng thẳng với bất cứ công chức nào. Đúng 6 giờ, phải gọi con cái rời khỏi chăn ấm đệm êm, ép chúng rửa mặt đánh răng thật sạch với P/S Trà xanh hoặc là Colgate chắc khỏe, "nhét" cho chúng được một bữa sáng (vào... miệng, vào ba-lô, cặp sách hay túi ni lông siêu sạch mua ở siêu thị), rồi tèng tèng leo lên sau xe gắn máy, ôm chặt lấy bố (mẹ) nhé. Phổ biến nhất là bố mẹ chia nhau mỗi người một đứa.
Đưa con đến trường xong rồi mới đến lượt bố (mẹ) tới cơ quan. Khởi đầu ngày mới (tuần mới) thường là "súc miệng" một lô những cuộc họp, chỉ thị, mệnh lệnh, bản kế hoạch, sơ đồ tác chiến, hướng cải tiến kinh doanh... Đầu óc mất dần tỉnh táo. Mọi việc từ từ rối lên như canh hẹ. Dù thường khi là phải "giãn tiến độ" bằng đôi ba chục phút cà phê sáng với anh bạn (cô bạn) cùng phòng (cùng cấp bậc, cùng sở thích) ngõ hầu refresh lại hệ thần kinh trung ương, tăng cường nhịp tim, cộng điểm phấn chấn.
Buổi trưa văn phòng mệt mỏi trôi với tiết tấu chậm của thời gian nghỉ giữa giờ kèm theo tắt điện tắt máy tính (cho dễ ngủ hoặc không thì cũng tiết kiệm điện). Trong sự uể oải và nóng nực chưa bao giờ buông tha các văn phòng, giới công chức có muốn thông minh, năng động, sáng tạo, kể cũng... khó. Thời tiết công sở thì muôn đời nóng nực, bất kể mùa (xuân, hạ, thu, đông), bất kể gió trời hay điều hòa mát lạnh; bởi sự gia tăng chóng mặt của thủ phạm có tên gọi P.C - công cụ không thể thiếu đối với mỗi nhân viên công sở thời nay. Cho nên, cách tốt nhất (để đối đầu và chung sống với buổi trưa) là gục đầu xuống bàn hoặc co ro còng queo một xó trong giấc ngủ ngắn ngủi chập chờn mệt mỏi. Tư thế ngủ này sẽ khiến dân văn phòng đau đốt sống cổ và các đốt sống lưng, dù muốn hay không.
Buổi chiều đầu tuần cũng chẳng khá khẩm gì hơn. Bởi công việc nào cũng yêu cầu gắt gao về chất lượng, nhất là trong thời buổi cạnh tranh cực cao, cho nên đầu tuần sẽ là khoảng thời gian hợp lý để tiến hành những cuộc họp "triển khai", nối dài đời sống văn phòng từ các cuộc họp "tổng kết" cuối tuần trước. Căng thẳng thuyết trình, bảo vệ kế hoạch trước các luồng phản biện dữ dội, các phép thử trăm màu.
Chiều tối, lại xuất hiện một vấn đề to đùng ngã ngửa. Hai bố mẹ, hai cơ quan ở hai đầu thành phố, hai ngôi trường phải đón con đúng giờ. Sau khi các cô đã trả trò ngoài cổng thì có nghĩa là nhà trường hết trách nhiệm. Gia đình không đón đúng giờ (và địa điểm quy định) mà các cháu gặp chuyện gì thì phải tự chịu trách nhiệm, bởi vì trường học không phải nhà trẻ (mẫu giáo sau giờ quy định có thể trả thêm tiền cho cô trông nom trẻ là ổn, nhưng trường học không có "dịch vụ ngoài giờ" này).
Con cái là niềm hạnh phúc, là nỗi lo bất tận của cha mẹ... (Ảnh minh họa)
Phương án A mà nhiều gia đình (buộc phải) lựa chọn là thuê xe ôm tháng (gần gũi, tin cậy) để đón con về nhà. Thế nhưng, chỉ có thể giải quyết như thế nếu thằng bé (con bé) đã tương đối lớn để có thể giao chìa khóa nhà cho nó, học lớp 4-5 chẳng hạn. Trẻ mới lớp 1-2 thì ai dám đưa giữ chìa khóa, ai dám để ở nhà một mình? Thế nên, phương án B là bố (mẹ) cứ nai lưng ra mà thay nhau đưa đón. Phương án C dành cho những hôm cả chồng cả vợ cùng họp (liên hoan cơ quan mừng ngày quốc tế phụ nữ 8-3, trưởng phòng mới, giám đốc mới nhậm chức, gặp mặt đồng nghiệp mới, chia tay đồng nghiệp cũ...) thì sau khi hớn hở "bóp nặn" ra những nụ cười cùng dăm câu chúc tụng là hùng hục lao (vượt vài cái đèn đỏ), về được đến trường học của con...
Một là, thằng bé (con bé) đang gục đầu trên gối, cạnh bác bảo vệ và cái trống to đùng, sân trường vắng ngắt chả còn ai. Hai là: trời mưa và nước mắt thằng bé (con bé) chạy xuống má nhanh hơn mưa, thút thít: "Con tưởng bố (mẹ) quên con rồi". Ba là: Không thấy con đâu. Hú hồn. Chạy xộc vào giữa sân, thấy một phòng còn sáng đèn. Thì ra thằng bé (con bé) đang ngồi trong phòng giám hiệu, với cô hiệu trưởng (nghiêm trang), cô chủ nhiệm (bối rối). Thằng bé (con bé) không khóc, nhưng mặt cứ ngơ ngơ.
Cô hiệu trưởng gọi riêng bố (mẹ) sang một phòng khác, trao đổi rằng thằng bé (con bé) bị trầm cảm hay sao, không biết gia đình có chuyện gì mà chiều nay cháu trèo ra cái mi cửa tầng ba (bé tí, có 40cm) ngồi thu lu ở đấy suốt từ lúc mới tan học. May, đến 17h30 thì bác bảo vệ đi khóa cửa lớp (ngó nghiêng mỗi nơi một tí) phát hiện ra. May, bác ấy cũng hiểu biết nên không gọi toáng lên mà nhẹ nhàng từ tốn dỗ dành cháu đưa tay cho bác đỡ, bác dắt vào. Xuống đến phòng bảo vệ, bác ấy mới lập cập gọi điện cho cô giáo chủ nhiệm, cho cô hiệu trưởng. Cô chủ nhiệm đang phải làm bản kiểm điểm. Nhưng, còn trách nhiệm của gia đình trong chuyện này... !?
Trên quãng đường (không xa nhưng cứ dài ra thăm thẳm) chở con về nhà. Nhớ lại tối cuối tuần không mấy vui vẻ. Khi con "tường thuật" lại kết quả học tập trong tuần, chưa nhiều điểm 9-10 mà lại lắm 7-6-5. "Ấn tượng" nhất là một điểm 3 môn toán cho ngày thứ sáu, "tình cờ" trùng hợp đó lại là điểm thi giữa học kỳ. Bài tập cuối tuần làm ẩu, chữ xấu, bẩn, kết quả sai đến quá nửa. Thế là bố (mẹ) đỏ mặt tía tai quát mắng rầm rĩ, rút phắt cái roi to. Thằng bé (con bé) lì đòn rồi, không khóc, cũng chẳng van xin, chỉ cúi gằm, cắm mặt xuống chân. Khi những đòn đầu tiên vút xuống mông, thằng bé (con bé) mới gào lên thảm thiết: "Bố (mẹ) làm con sợ quá. Con biết là bố (mẹ) muốn tốt cho con nhưng bố (mẹ) đánh con thế này, con sợ quá rồi, con chẳng tốt lên được tí nào đâu...!!!"
Tối cuối tuần, bố (mẹ) đã bất lực khoanh tay nhìn thằng bé (con bé) lủi thủi gạt nước mắt, sõng sượt bảo: "Thôi được, tạm dừng chuyện này ở đây!" Tối đầu tuần, liệu còn có thể tiếp tục trốn chạy, loanh quanh?
Dừng hẳn xe lại, đối diện với thằng bé (con bé), nhìn vào mắt nó, mạnh dạn nói: Bố (mẹ) xin lỗi con! Bố (mẹ) sai rồi. Chúng mình bắt đầu lại mọi thứ nhé!
Thằng bé (con bé) khóc. Lúc này mới khóc. Và, anh (chị) công chức văn phòng lúc này hóa ra cũng giấu con gạt đi những giọt nước mắt (có lăn ra hay âm thầm chảy ngược vào trong?).
Nếu không muốn cái khẩu hiệu "Ba mẹ ơi con yêu ba mẹ lắm!" chỉ được hô vang lên (giả dối sáo rỗng) trước công chúng, khi con thành đạt, thành danh, thành người mẫu sáng giá hoa hậu đình đám... Nếu muốn con thật sự biết yêu bố (mẹ) thì trước hết, bố (mẹ) phải cố gắng mà bớt chút thời gian (thường dùng yêu chính mình) để có thể thật sự yêu con.
Đầu tiên là yêu và quan tâm đơn thuần. Trẻ con cần lắm tình yêu ấy, dù thằng bé (con bé) sẽ tỏa sáng rực rỡ hay vấp ngã thất bát trên những con đường. Sau nữa mới là tìm giải pháp cho mỗi khó khăn, học lấy những gì có thể, để cùng con đồng hành trên mỗi bài học, trong mỗi tâm sự, mỗi chặng đời...
Các cụ có câu: "Sinh con rồi mới sinh cha. Sinh cháu giữa nhà rồi mới sinh ông...", thật là ngàn đời chẳng sai.
Theo TTOL