Hôm qua em về muộn. Nhìn cu Bo người ngợm lấm lem, lủi thủi chơi một mình bên cạnh bố đang thản nhiên cầm tờ báo đọc, em thương con quá.
Cu Bo ba tuổi.
Anh đã khi nào tắm cho cu Bo? Chưa khi nào. Anh dẫn cu Bo đi chơi công viên được mấy lần? Hai lần, tất nhiên cả mẹ cu Bo đi cùng. Cu Bo khóc nhè, tè bậy, không chịu đi ngủ thì anh làm gì? Gọi em.
Hôm qua, em về muộn. Nhìn cu Bo người ngợm lấm lem, lủi thủi chơi một mình bên cạnh bố đang thản nhiên cầm tờ báo đọc, em thương con quá.
Thì bố nào mà chẳng yêu con. Nhưng con nhõng nhẽo một chút không sao, chứ quá năm phút anh đã khó chịu, cáu nhặng xị lên. Một bên con khóc không có ai chơi cùng, một bên bạn nhậu réo, anh không đắn đo, kêu đại ai đó trông con giùm rồi xách xe lao đi.
Lý do anh đưa ra cho việc ít gần gũi cu Bo là bận cộng việc, là anh vụng về không biết chăm con. Thì đàn ông mấy ai không vụng về, lúng túng trong việc này. Nhưng em lo cứ thế này mãi, làm sao cu Bo có tình cảm với bố được. Sợi dây tình cảm tự nhiên đến từ những cử chỉ hằng ngày, anh biết điều đó mà. Tham gia vào những việc rất nhỏ như chơi đồ hàng cùng con, đọc chuyện con nghe, hỏi chuyện con ở lớp mẫu giáo, đưa con đi dạo hay chỉ là mỉm cười với con... chỉ mươi phút mỗi ngày thôi là những cách đơn giản để cu Bo cảm nhận được tình cảm của ba dành cho mình, và cũng là cách để anh hiểu con hơn.
Đứa trẻ nào cũng cần trọn vẹn tình cảm của bố và mẹ. Người bố còn quan trọng vô cùng trong việc định hướng lối sống, cá tính con cái. Đừng để khi con có biểu hiện gì bất thường mới cuống cuồng lo lắng, anh nhé.
Là em lo xa vậy, chứ em biết, khi nào anh bớt bận rộn, mọi việc sẽ ổn và anh không phải là người bố thiếu nhạy cảm đâu, anh nhỉ.
Theo Báo Đất Việt