Mang thai và sinh đẻ
   Cuộc tranh luận lớn về gây tê ngoài màng cứng
 

Một cuốn sách mới khẳng định rằng tất cả phụ nữ nên được gây tê ngoài màng cứng ngay từ khi bắt đầu chuyển dạ. Nhưng lý thuyết này có đúng hay không? Hay có an toàn không? Tạp chí P&B đã mời tám chuyên gia sinh đẻ tham gia cuộc tranh luận.

Trong cuốn sách mới "Enjoy Your Labour" của mình: Một phương pháp mới để giảm đau cho việc sinh đẻ (7,99$ Russell Hastings Press). Grant lập luận rằng tất cả phụ nữ nên được gây tê ngoài màng cứng trước khi những cơn co thắt bắt đầu và chúng ta cần chấm dứt sự lo sợ và cảm giác tội lỗi vì đã chọn lựa cách giảm đau. Tuy nhiên, nhiều người sẽ tranh cãi rằng sinh đẻ là một sự việc tự nhiên và phụ nữ nên chọn càng ít dùng thuốc càng tốt.

Vì vậy lý thuyết nào là đúng? Chúng ta có thật sự nên ngưng đấu tranh cho việc sinh đẻ tự nhiên, không sử dụng thuốc hay không? Hay gây tê ngoài màng cứng là một trò gian lận?. Chúng ta nói chuyện với các chuyên gia ở cả hai phía của cuộc tranh luận và đề nghị họ chia sẻ quan điểm của họ về cách sinh đẻ "tốt nhất".

Đối với gây tê ngoài màng cứng

"Trong vòng 30 năm, gây tê ngoài màng cứng sẽ là một thông lệ"

Tiến sĩ Gilbert Grant, phó giáo sư của khoa gây mê tại Trung tâm y khoa Langone Đại học New York, và tác giả của Enjoy Your Labour: Một phương pháp mới để giảm đau cho việc sinh đẻ.

Mọi phụ nữ đều có quyền quyết định loại biện pháp giảm đau nào - nếu có - mà cô ấy muốn trong khi chuyển dạ và muốn nhận biện pháp đó vào lúc nào. Nhưng điều mà tôi thấy đáng tiếc là nhiều bà mẹ tương lai không thực hiện các quyết định với đầy đủ thông tin vì đơn giản là họ đã không được tiếp cận với thông tin mà họ cần.

Trong nhiều trường hợp, những người ủng hộ việc sinh tự nhiên, vốn có thành kiến đối với biện pháp giảm đau hiện đại, cố thuyết phục các phụ nữ rằng việc gây tê ngoài màng cứng là điều không tự nhiên nhất và nguy hiểm nhất mà bản thân tôi nghĩ rằng chuyện đó là tàn nhẫn. Ở Mỹ trên 70 phần trăm phụ nữ được gây tê ngoài màng cứng, và mặc dù đã hơn 150 năm trôi qua kể từ ca sinh đẻ có gây mê đầu tiên được thực hiện (ở Scotland), nhưng nhiều người vẫn tiếp tục tin rằng phụ nữ cần phải trải nghiệm sự đau đớn.

Dĩ nhiên luôn có rủi ro với bất cứ việc gây tê hay gây mê nào, kể cả gây tê ngoài màng cứng, nhưng những tác dụng phụ thông thường nhất là nhức đầu, vốn chỉ ảnh hưởng đến một phần trăm các trường hợp, và đối với đại đa số phụ nữ và em bé của họ, gây tê ngoài màng cứng là một cách sinh đẻ an toàn, không đau đớn. Mặc dù vậy, nhiều phụ nữ vẫn chịu đau qua trải nghiệm này, mà chủ yếu do lo sợ, mặc cảm tội lỗi và không hiểu biết.

Mục đích của tôi khi viết cuốn sách này là để nói cho phụ nữ biết những sự thật về biện pháp giảm đau hiện đại và làm sáng tỏ những kỹ thuật được sử dụng, nhằm giúp họ quyết định xem mình muốn hay không muốn sử dụng những phép màu của y học này trong khi sinh đẻ.

Và nếu một phụ nữ quyết định rằng mình muốn được gây tê ngoài màng cứng để giảm đau, thì tại sao lại phải đợi cho đến khi cơn đau đó trở nên không chịu nổi? Sau rốt thì bạn không thể để cho nha sĩ khoan răng của mình mà không gây tê tại chỗ! Tôi tiên đoán rằng trong vòng 30 hoặc 40 năm, gây tê ngoài màng cứng trước khi cơn đau bắt đầu sẽ trở thành thông lệ, và người ta sẽ nghĩ rằng bạn đang điên nếu bạn không gây tê.

"Gây tê ngoài màng cứng không nên là một điều may rủi dựa theo địa chỉ gởi thư của bạn"

Tiến sĩ Maggie Blott, bác sĩ cố vấn khoa sản, Bệnh viện University College London

Gây tê ngoài màng cứng trở nên sẵn có hơn cho tất cả những phụ nữ sắp chuyển dạ ở Anh. Các bà mẹ cần được giáo dục tốt trong lúc mang thai để cho họ biết được điều gì là sẵn có và rồi họ lựa chọn về việc giảm đau không bị giới hạn bởi bệnh viện mà họ đang ở đó, vì vẫn thường là như vậy.

Và gây tê ngoài màng cứng cung cấp sự giảm đau đáng tin cậy, trong một số tình huống - ví dụ nếu một phụ nữ có cơn chuyển dạ rất lâu, thì nó sẽ đặc biệt tuyệt vời vì cho phép bà mẹ nghỉ ngơi trong lúc để cho đứa bé có thời gian đi xuống theo đường sinh sản. Tôi thực sự nhận thấy là có nhiều phụ nữ được gây tê ngoài màng cứng sinh con rất tốt, tốt hơn những phụ nữ phải chịu đau đớn, vì họ có sự tự chủ và nghe theo lời khuyên của nữ hộ sinh trong giai đoạn vượt cạn, điều này làm giảm nguy cơ bị xé rách.

" Có nhiều lập luận ủng hộ cho việc gây tê ngoài màng cứng đúng hoàn cảnh, cho nên dù tôi nghĩ rằng quan điểm của Tiến sĩ Grant có thể là cực đoan, tôi cũng đồng ý rằng việc gây tê ngoài màng cứng cần phải sẵn có hơn. Lúc này nó giống như là một chuyện may rủi tùy theo địa chỉ gởi thư, nhưng mọi phụ nữ đang chuyển dạ cần phải được tiếp cận việc gây tê ngoài màng cứng nếu họ muốn."

• Vào http://netdoctorbirthguide.drfoster.co.uk/guides/birth/index.asp và nhập mã thư tín của bạn để tìm hiểu về dịch vụ sinh đẻ trong khu vực của bạn. Thậm chí bạn có thể thấy có bao nhiêu ca đẻ trong khu vực của bạn liên quan đến việc gây tê ngoài màng cứng.

Gây tê ngoài màng cứng là một mũi tiêm vào chỗ thắt lưng. Một ống thông được đưa vào thông qua kim và được dán băng keo tại chỗ, để cho việc gây tê có thể được thực hiện đúng theo yêu cầu.

"Những lợi ích của việc gây tê ngoài màng cứng vượt xa những rủi ro"

Tiến sĩ Cynthia Wong, trưởng khoa gây mê sản khoa, trường Đại học Y Northwestern Feinberg, Chicago.

Quyết định gây tê ngoài màng cứng là một vấn đề cá nhân. Nhưng nếu một bà mẹ dự định sử dụng một biện pháp giảm đau đầy đủ và hiểu được những rủi ro và lợi ích của nó, thì không có lý do gì để cô ấy không được gây tê ngoài màng cứng ngay từ đầu cơn chuyển dạ.

Có những lợi ích rõ ràng đối với việc gây tê ngoài màng cứng - nó không chỉ cung cấp sự giảm đau tốt hơn, mà các phương pháp khác, như pethidine, có thể làm cả mẹ lẫn em bé đều giảm đau, cùng với tình trạng buồn nôn ở người mẹ.

Trong khi, dĩ nhiên là có những tác dụng phụ liên quan với gây tê ngoài màng cứng, tôi nghĩ rằng đối với đa số phụ nữ, thì những thuận lợi là vượt trội so với những rủi ro. Và việc gây tê ngoài màng cứng sớm khi chuyển dạ, như Tiến sĩ Grant gợi ý, có nghĩa sẽ dễ thực hiện hơn (vì lý do đơn giản là bạn dễ ngồi yên hơn khi bạn không quá đau) và những nghiên cứu gần đây đã cho thấy rằng việc gây tê ngoài màng cứng cũng có liên quan với các cơn chuyển dạ nhanh hơn.

Tuy nhiên toàn bộ cuộc thảo luận này có phần là trớ trêu khi xét đến thực tế rằng hiện nay nhiều phụ nữ đang chọn việc sinh mổ một cách không cần thiết. Những rủi ro của phẫu thuật lớn ở bụng này thì cao hơn nhiều việc gây tê ngoài màng cứng và do đó chúng ta cần tập trung vào việc giáo dục cho phụ nữ về những rủi ro này, thay vì lo ngại về việc họ chọn một hình thức giảm đau tương đối ít rủi ro.

"Tại sao tự mình trải qua toàn bộ cơn đau nếu bạn không cần phải như vậy?"

Rebekah Scott, 34 tuổi, từ Stotfold, Hertfordshire, mẹ Alfey, 5 tuổi và Joss, 3 tuổi

"Việc có con không phải là một sự ganh đua để xem bạn có thể chịu đau đến thế nào, vậy tại sao phụ nữ lại phải chịu đau đớn cực độ khi chuyển dạ trong lúc có những thứ thuốc có thể làm ngừng đau?"

Tôi không thể trải qua lần sinh đẻ thứ hai nếu không có gây tê ngoài màng cứng. Tôi chưa bao giờ biết đến sự đau đớn như vậy. Trong đúng năm tiếng, tôi chỉ giãn ra được 1cm và tôi van xin được giảm đau. Joss ở trong tư thế OP (có nghĩa là xương sống của bé áp vào xuơng sống của tôi ) và tôi đau nhiều hơn lần đầu tiên rất nhiều. Lúc bác sĩ gây mê đến thì toàn bộ cơ thể của tôi đã rơi vào tình trạng sốc và tôi đang co giật.

Tôi không hiểu tại sao những người phụ nữ đã được giảm đau lại nghĩ rằng họ đã thất bại?. Chắc chắn rằng sinh con một cách an toàn là bạn đã thực hiện được điều kỳ diệu nhất - Vì sao bạn lại phải chịu đựng cơn đau đớn, chỉ để có thể nói với bạn bè rằng bạn không dùng biện pháp giảm đau? Đó là điều điên rồ. Cũng giống như việc đồng ý được mổ ruột thừa nhưng lại nói, " Không, cám ơn, tôi sẽ không cần gây mê ". Nếu tôi có thai lần nữa và tôi có thể đăng ký việc gây tê trước giờ phút tôi đau đẻ, thì việc sinh đẻ sẽ không có vấn đề gì, tôi phải được gây tê ngoài màng cứng cho mỗi lần sinh.

Phản đối gây tê ngoài màng cứng

"Phụ nữ cần biết những sự thật để có sự lựa chọn sáng suốt"

Tiến sĩ Alan McGlennan, bác sĩ gây mê chính khoa sản, Bệnh viện Royal Free, London.

"Ý tưởng cho gây tê ngoài màng cứng ngay từ đầu cơn đau đẻ cho mọi phụ nữ là sai lầm về nhiều mức độ."

Thứ nhất, không phải mọi phụ nữ đều cần gây tê ngoài màng cứng. Ở Royal Free chỉ có khoảng 40% phụ nữ đau đẻ chọn cách đó, vì vậy việc áp dụng nó cho mọi người có nghĩa là làm gia tăng đáng kể số lượng người dùng thuốc tê và do đó gia tăng các tác dụng phụ. Tác dụng phụ thường gặp nhất là đau lưng, xảy ra ở một trong ba trường hợp, và khoảng một trong 200 phụ nữ bị nhức đầu sau khi sinh.

Thứ hai, lý thuyết của Tiến sĩ Grant xoá bỏ quyền chọn lựa của bệnh nhân. Một trong những lý do của việc thành lập National Childbirth Trust (NCT) vào năm 1956 là vì người ta cảm thấy việc sinh đẻ đã trở thành quá "y học" và NCT đã đặt kế hoạch để cung cấp thông tin rõ ràng và giúp các bà mẹ lấy lại được quyền kiểm soát về cách sinh đẻ của họ.

Tiến sĩ Grant lập luận rằng mọi chuyện bây giờ đã tiến triển quá xa theo chiều hướng khác, và khẳng định vì việc sinh đẻ đã trở nên ít dựa trên y học hơn, nhiều phụ nữ cảm thấy họ đã thất bại nếu như họ chấp nhận giảm đau.

Theo tôi nghĩ thì phụ nữ có thai cần được biết tất cả những sự việc có liên quan về sinh đẻ tự nhiên cũng như việc giảm đau nào là sẵn có cho họ. Khi đó, họ có thể đưa ra một quyết định có hiểu biết trong lúc chuyển dạ. Ai có thể nói với các bà mẹ rằng họ sẽ cần biện pháp giảm đau nào cho đến khi họ thật sự bị đau? Tất nhiên là không phải bác sĩ của họ. Ngay cả bà mẹ sẽ không biết, cho đến khi tự cô ấy trải nghiệm điều đó.

"Chúng ta cần trở về với những điều cơ bản, chứ không dùng thêm thuốc"

Tiến sĩ Michel Odent, bác sĩ sản khoa, nhà nghiên cứu và tác giả của 11 cuốn sách về sự sinh đẻ, gồm có Birth Reborn: What Childbirth Should Be ($12,99, Souvenir Press)

Ngày nay nhiều phụ nữ có nhu cầu gây tê ngoài màng cứng để đương đầu với cơn đau đẻ, nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta cần được thực hiện chúng một cách tự động. Thay vào đó chúng ta nên hiểu nhiều hơn về những gì sẽ giúp cho phụ nữ đương đầu với sự đau đớn của việc sinh đẻ tự nhiên.

Oxytocin - hormone quan trọng nhất trong lúc sinh đẻ - là một "hormone mắc cỡ", nó chỉ được phóng thích ra một cách đúng đắn khi môi trường là yên tĩnh và không có sự kích thích. Khi không được như vậy, mà điều này rất thường gặp, thì phụ nữ cần đến thuốc để thay thế các tác dụng của oxytocin và đối phó với cơn đau. Do vậy, đây là lúc mà chúng ta phát hiện lại tầm quan trọng của sự riêng tư và im lặng trong khi sinh đẻ.

Hoàn cảnh tốt nhất tôi biết về một ca đẻ dễ dàng là khi không có một ai ở xung quanh ngoại trừ một nữ hộ sinh biết kiềm chế, có kinh nghiệm, ngay cả người cha cũng không có mặt. Trong môi trường này, một người sắp làm mẹ có thể cho phép đầu óc nguyên sơ không suy nghĩ của mình dẫn dắt và "đi vào một hành tinh khác" bảo vệ cho mình một cách hiệu quả khỏi cơn đau.

Ngâm mình trong nước cũng là cách để tránh việc sử dụng thuốc. Nó có thể hạ lượng adrenaline mà bà mẹ đang chuyển dạ phóng thích ra và làm cho những cơn co thắt có hiệu quả hơn (nhưng chỉ trong khoảng thời gian hai tiếng). Nếu sử dụng đúng lúc trong khi chuyển dạ, một hồ nước để sinh đẻ có thể là một hình thức giảm đau cạnh tranh được với gây tê ngoài màng cứng. Để làm cho việc sinh đẻ dễ dàng cũng như ít đau nhất thì chúng ta không cần phải gây tê ngoài màng cứng cho phụ nữ. Chúng ta cần quay về với những điều cơ bản.

" Người mẹ cần cảm thấy tự chủ"

Sheila Kitzinger, nhà nhân chủng học xã hội về sinh đẻ và tác giả của quyển sách: New Pregnancy & Childbirth: Choises & Challenges.

Ý tưởng gây tê ngoài màng cứng cho mọi phụ nữ đang chuyển dạ là điều đáng buồn cười. Trong khi việc gây tê ngoài màng cứng là rất hiệu quả, phụ nữ cần biết tất cả những lý lẽ ủng hộ và phản đối để đi đến một quyết định của chính mình, và các lý lẽ phản đối thì khá nhiều.

Tính trung bình, gây tê ngoài màng cứng làm cho việc chuyển dạ kéo dài thêm một giờ, đặc biệt trong giai đoạn rặn đẻ. Điều này thường dẫn đến sử dụng máy hút hoặc kẹp, mà chuyện đó lại làm gia tăng nguy cơ phải rạch hay bị rách âm hộ. Huyết áp của người phụ nữ sụt xuống, do đó mức oxy cho em bé cũng bị giảm, làm chậm nhịp tim của thai nhi. Nhiệt độ của cả bà mẹ và em bé đều tăng lên, dẫn đến những xét nghiệm về nhiễm trùng sau khi sinh. Cũng có bằng chứng cho thấy rằng việc cho con bú thì khó khăn hơn sau khi sinh con có gây tê ngoài màng cứng, vì thuốc tê có thể truyền sang đứa bé có nghĩa là đứa bé không có "sẵn sàng" để bú.

Nhưng không chỉ là những tác dụng phụ. Một số phụ nữ thậm chí không cần đến việc giảm đau - họ thấy rằng trải nghiệm sinh đẻ là một trải nghiệm xuất thần và đem lại sức mạnh. Bằng cách gây tê ngoài màng cứng cho mọi phụ nữ thậm chí từ trước khi họ cảm thấy đau, bạn sẽ mất đi cơ hội đó. Nhiều phụ nữ cảm thấy mất tự chủ và bị xâm phạm. Và tất cả thường quá nhiều khi họ đã có phương pháp đau đẻ "công nghệ cao" dẫn đến gây tê ngoài màng cứng và mọi loại can thiệp. Tự thôi miên, châm cứu và mường tượng ra sự việc là những biện pháp hiệu quả hơn để xử lý cơn đau, cho phép người phụ nữ cảm thấy việc sinh đẻ như là một điều gì mà mình đã đạt được, chứ không là điều gì mà người ta đã làm cho mình.

"Phụ nữ có thai cần được biết về tất cả những rủi ro"

Sarah Potter, 32 tuổi, từ Plymouth, mẹ Georgia, 6 tuổi và Isaac, 22 tháng tuổi

Lần chuyển dạ đầu tiên của tôi đã kéo dài đến 17 tiếng. Tôi đã thử mọi biện pháp giảm đau, từ TENS, khí và không khí cho đến pethidine, nhưng không có biện pháp nào là có tác dụng Vì vậy khi người nữ hộ sinh đề nghị gây tê ngoài màng cứng, tôi đã đồng ý.

Nhưng ngay khi việc gây tê ngoài màng cứng tan biến đi, tôi bị đau. Ở mặt trên hai chân, mông và đáy lưng, tôi có cảm giác như là bị bỏng da và đau đớn cực độ khi chạm vào. Các bác sĩ nói rằng có lẽ là do dây thần kinh của tôi bị tổn thương bởi việc gây tê ngoài màng cứng. Nó không chỉ là đau; mà còn có nghĩa là tôi không thể di chuyển hoặc chăm sóc Georgia hết mình.

Cảm giác đau đã khá hơn nhưng, sau sáu năm, tôi vẫn còn đau khi tôi thật sự bị lạnh. Tôi đã được gây tê ngoài màng cứng theo lời khuyên bác sĩ của mình, và mặc dù tôi thừa nhận rằng nó thật dễ chịu khi cơn đau kết thúc, nhưng tôi hối tiếc chuyện đó. Tôi không nghĩ rằng những phụ nữ có thai đã có đầy đủ thông tin về những rủi ro của việc gây tê ngoài màng cứng - bạn có thể bị tê dại lâu dài và đau đớn như tôi, những cơn nhức đầu, thuốc gây tê có thể chỉ có tác dụng trên một nửa cơ thể của bạn và thậm chí về sau bạn có thể bị tê liệt. Những rủi ro có thể là đáng sợ, nhưng thậm chí còn có nhiều lý do hơn để phải đảm bảo cho các bà mẹ biết được những rủi ro đó trước khi họ đau đẻ, để họ có những thông tin giúp cho họ quyết định.

Khi tôi có thai Isaac tôi đã nói là không cách nào khiến tôi phải gây tê ngoài màng cứng một lần nữa. Và tôi đã không cần một lần gây tê nữa - việc chuyển dạ của tôi nhanh chóng hơn, chỉ mất năm tiếng, và tôi chỉ sử dụng khí và không khí. Điều này cho thấy rằng nếu tất cả phụ nữ đều được cho gây tê ngoài màng cứng ngay lập tức, thì nhiều người sẽ phải dùng những thuốc mà họ không cần và đặt chính họ vào sự rủi ro không cần thiết của những tác dụng phụ.

Để biết thêm thông tin về những lý lẽ ủng hộ và chống đối việc gây tê ngoài màng cứng, và những lý lẽ đó dẫn đến điều gì, hãy vào trang web oaa-anaes.ac.uk hoặc tìm kiếm "epidural anaesthesia" tại nhsdirect.nhs.uk.

Gây tê ngoài màng cứng: Các thông tin

Sắp đặt cho việc gây tê ngoài màng cứng của bạn

• Bạn sẽ cần có một ống thông dò vào tĩnh mạch và có thể là một ống nhỏ giọt.
• Việc gây tê ngoài màng cứng thường mất 20 phút để sắp đặt và 20 phút để bắt đầu có tác dụng.
• Một số gây tê ngoài màng cứng không có tác dụng đầy đủ và cần được điều chỉnh hoặc thay thế.

Sự thuận lợi của gây tê ngoài màng cứng

• Liều lượng hoặc loại thuốc gây tê tại chỗ đôi khi có thể được thay đổi để cho phép bạn di chuyển quanh giường. Đó là gây tê ngoài màng cứng liều thấp (hay di động).
• Nói chung, việc gây tê ngoài màng cứng không ảnh hưởng đến con của bạn về mọi mặt.

Các vấn đề có thể xảy ra với gây tê ngoài màng cứng

• Việc bơm thêm thuốc gây tê tại chỗ mạnh lặp đi lặp lại nhiều lần có thể gây ra sự yếu chân tạm thời và làm tăng nguy cơ cần phải sử dụng máy kẹp hoặc hút.
• Gây tê ngoài màng cứng có thể chậm lại một chút giai đoạn hai của việc chuyển dạ.
• Bạn có thể bị hạ huyết áp, ngứa hoặc sốt trong lúc gây tê ngoài màng cứng.
Nơi gây tê ngoài màng cứng có thể vẫn còn đau khi chạm vào nhưng thường chỉ trong một vài ngày. Đau lưng không phải do gây tê ngoài màng cứng gây ra mà thường là sau khi mang thai

Thanh Tuyền mamnon.com
Theo Pregnancy & birth, Sep. 2008

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Vui chơi an toàn (10/4)
 Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi không muốn ở đó? (9/4)
 Những thắc mắc thường gặp khi bà bầu nghe nhạc (8/4)
 Phát hiện sớm bất thường thần kinh ở thai nhi (7/4)
 Siêu âm không phát hiện hết dị tật bào thai (3/4)
 Sự thay đổi của “nhũ hoa” trong thời kì mang thai (3/4)
 Tại sao mình vẫn chưa có bầu? (2/4)
 Spa cho bà mẹ mang thai (2/4)
 Mẹ quá trẻ, con dễ mắc dị tật (1/4)
 Dấu hiệu nhận biết chửa ngoài dạ con (31/3)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i