Bữa ăn đầu đời không chỉ cung cấp dưỡng chất cần thiết mà còn giúp bé làm quen với nhiều mùi vị thức ăn mới. Tùy thể trạng mỗi bé, bạn có thể bắt đầu cho bé ăn dặm trong khoảng 4-6 tháng tuổi.3 giai đoạn trong quá trình ăn dặm của bé
Giai đoạn ăn bột
- Thời gian bắt đầu khi bé được khoảng 4 tháng tuổi trở lên.
- Lúc đầu, bạn nên cho bé ăn bột dinh dưỡng đóng hộp của các hãng uy tín trên thị trường. Khoảng tháng đầu tiên, bạn có thể cho bé ăn một cữ bột/ngày. Sau đó, tăng khẩu phần lên cho bé ăn hai cữ bột một ngày. Để thay đổi khẩu vị, bạn nên cho bé ăn bột ngọt và bột mặn đan xen nhau.
- Bạn có thể tham khảo cách tự nấu bột cho bé như sau: Thịt và rau thái nhỏ, cho vào nước lạnh đun chín. Sau đó, bạn để nguội và cho hỗn hợp rau, thịt vào máy sinh tố. Bạn nên xay mịn cả nước lẫn cái để bé hấp thu chất xơ.
- Bạn pha loãng bột với nước, đổ vào hỗn hợp thịt, rau và nấu chín. Bạn có thể thêm vào bột một thìa nhỏ dầu ăn (trộn vào khi bột gần chín).
Giai đoạn ăn cháo
- Bước vào tháng thứ 9-10, bạn bắt đầu nấu cháo cho bé ăn. Nên nhớ là bạn không nên chỉ hầm lấy nước ngọt của xương để nấu cháo cho bé. Giai đoạn này, bé cần ăn cả thịt, rau nhuyễn để đảm bảo đủ chất. Bạn nên hầm cháo thật nhừ để tránh bé bị hóc, nghẹn.
- Bạn nên thêm dầu ăn vào cháo để đảm bảo chất mỡ cho bé. Ngoài ra, cháo của bé cũng chỉ nên nêm nhạt.
- Bạn có thể tham khảo công thức nấu cháo cho bé như sau: 2 thìa canh gạt bột gạo; 1 thìa canh gạt chất đạm (nếu là thịt, cá bạn nên băm thật nhuyễn mà không cần sử dụng máy say sinh tố); 1 thìa canh gạt rau củ băm nhuyễn; 1-2 thìa dầu ăn. Ngoài ra, bạn không cần nêm thứ gì. Nhiều người mẹ thích nêm một chút mắm, muối trong cháu cho bé. Điều này cũng không ảnh hưởng gì nhưng nếu không có mắm muối mà bé vẫn ăn ngon thì cũng không sao.
Giai đoạn ăn cơm nát
Khi bé được khoảng 20 chiếc răng, bạn mới nên cho bé làm quen với cơm mềm được dằm nát. Lúc này, bạn cũng nên cho bé làm quen với các loại canh rau (nên cắt ngắn rau cho bé dễ nhai và không bị hóc).
Ngoài cơm, bạn có thể cho bé làm quen với bún, phở, mì, nui, bánh mì... để đổi khẩu vị, kích thích sự ngon miệng.
Những lưu ý khác trong quá trình ăn dặm
- Bạn nên chọn thực phẩm tươi ngon, mua bữa nào dùng hết bữa đó cho bé. Nên nấu chín kỹ tất cả các loại thức ăn cho bé như thịt, cá...
Khi chế biến món ăn cho bé, bạn cũng nên linh động; ví dụ: bữa trưa cho bé ăn cá thì bữa tối nên thay đổi với thịt. Các món rau củ, bạn cũng nên đa dạng cho bé. Bạn cũng nên hạn chế cho bé ăn nhiều thực phẩm chứa caroten (carrot, bí đỏ). Bởi vì, ăn nhiều bé dễ mắc chứng vàng da. Chỉ nên cho bé ăn 1-2 bữa carrot (hoặc bí đỏ hàng tuần), mỗi bữa ½ củ nhỏ (với carrot), ½ miếng nhỏ (với bí đỏ).
- Không nên cho bé ăn dặm quá sớm (trước 4 tháng tuổi). Bởi vì, cơ thể bé chưa thể hấp thu các dưỡng chất nên dễ bị suy dinh dưỡng. Tất nhiên, bạn cũng không nên cho bé ăn dặm quá muộn (sau 6 tháng tuổi). Bởi vì, bé sẽ bị thiếu hụt dưỡng chất trong quá trình phát triển.
- Mới đầu, bạn chỉ nên cho bé thử một loại thức ăn mới. Đợi trong khoảng 3-4 ngày, xem cơ thể bé có phản ứng gì lạ với thức ăn mới không.
- Bạn có thể cho bé uống nước lọc vào những lúc bé khát trong ngày. Nhưng không nên cho bé uống nhiều trước bữa ăn.
- Bé 4 tháng tuổi, bắt đầu uống được nước hoa quả. Vài tháng sau, bạn có thể dầm nhuyễn hoa quả cho bé.
- Bạn nên lưu ý với những món ăn dễ gây dị ứng cho bé dưới 1 tuổi bao gồm: sữa bò, mật ong, trứng, lạc, bột mỳ...
- Bên cạnh chế độ ăn dặm, bạn vẫn nên cho bé bú sữa mẹ hoặc sử dụng thêm sữa hộp.
Theo mevabe.net